Thursday, December 26, 2024

Má hồng phiên Gia Lạc

Lần ấy tôi mơ thấy mình đến chợ quá sớm, chỉ có mưa sương dưới ánh điện vàng. Chợ Gia Lạc chỉ họp ba ngày đầu xuân, tôi còn hồ nghi năm nay vua cấm chợ hay do tôi thức dậy nhìn sai đồng hồ rồi vội đến đây. Hay đang mộng? Điều này khiến tôi mỉa mai ngay chính mình song vẫn không quên gõ tay lên trán để kiểm chứng. Trời còn sương lạnh.

 

Tôi co chân và… kéo tấm chăn lên.

Có lần tôi tỉnh dậy trong đêm, nằm giữa cánh đồng; lúc bàn tay lật úp thấy lạnh, tôi mới biết mình đang nằm ở hiên Đại nội, đúng hơn là trước sân chầu. Vì sao tôi biết ngay vậy khi bốn bề còn tối, bởi cả tháng nay hình ảnh quấn tâm trí là kinh thành cùng những câu chuyện cung cấm, những buổi thiết triều, những quyết sách chỉ dụ, những dấu tích xưa. Thảy nằm trong công trình nghiên cứu dày công về triều Nguyễn kéo dài suốt mấy năm trời của tôi đang giai đoạn gút thắt, đang phần gói lại. Quãng thời gian này tôi quyết định đến lại xứ Thiền kinh thuê phòng trọ để khảo sát địa danh xưa, viết hoàn thành, rồi dành thời gian chiêm ngắm những bức tường với màu rêu hoang hoải trong cỏ xuân, với mây trời trôi như áng thơ của các vị vua miền cố xứ.

Má hồng phiên Gia Lạc

 

Chỉ là một cô gái bán rau ở một ngã tư của con đường dẫn vào nhà tôi trọ, đối diện là quán cà phê khá vắng khách. Cà phê Ngõ, tôi đã vào đó uống, nhìn qua dãy chợ. Cô gái bán đủ loại rau, xen giữa những hàng thịt cá.

Chỉ là một cô gái, song nhìn đi nhìn lại, nhìn kỹ mới nhận ra vẻ cuốn hút. Tôi duy trì thói quen nấu ăn từ thời sinh viên, thi thoảng vẫn ăn cơm bụi như hồi còn học ở đây, song tôi thích nấu đúng vị mình thích học từ mẹ ở quê; với lại công việc chủ yếu làm đêm, trà thuốc nhiều khiến cồn cào, liền nấu chút gì đó với rau hành; rồi lại ngâm cứu, có lúc gần sáng mới ngủ, dậy ra uống cà phê thì bên kia đã đầy đủ hàng cho người dân ở những xóm gần đây mua về nấu cơm.

Vẻ cuốn hút của cô gái tôi nhận ra đầu tiên ở đôi mắt đen linh hoạt, nụ cười dẻo và duyên. Nữa là, có lần tôi vô tình thấy làn da trắng mịn đến gót, như công chúa đêm nào cũng ngâm chân với các loài hoa cùng thảo dược. Từ đó tôi thầm gọi cô là nàng. Nàng trong tôi. Hàng rau của nàng không thiếu thứ gì cho sự chuẩn bị bữa ăn, rẻ nữa. Dễ hiểu vì nàng lấy hàng tận chợ đầu mối, phải dậy từ trước bốn giờ sáng, mua xong về đến chỗ bày bán cũng gần tám giờ. Những người bán rau và thịt cá đằng kia thì lấy hàng ở chợ gần hơn, trung gian với chợ nàng đến. Sáng đó tôi còn thấy nàng vừa bán vừa uống ly cà phê từ quán bên kia mang qua, nhìn mà thấy ngon. Đôi lúc tôi chợt nghĩ sao nàng không bán thêm cá thịt, và trả lời hẳn nàng không muốn giành mối với những người bán thịt cá hai bên mình. Nàng chỉ bán rau củ, xanh tươi. Nhìn cách bày biện, nâng niu từng bó rau khi bán, bỏ vào bao bì, cũng biết nàng ưa sạch sẽ.

Chợ nàng đến lấy hàng mỗi sớm là chợ đầu mối. Thật ra đây là chợ tạm đầu mối. Chợ đầu mối vốn cũng gần đó, hiện đang được xây mới nới rộng, “đầu mối” hàng hóa được tập kết tạm chợ này. Mỗi tinh mơ đều chật xe tải cùng người mua sỉ về bán ở các chợ. Tôi ngạc nhiên về sự rẻ của mọi loại hàng. Năm còn sinh viên có đến chợ đầu mối một lần, tôi mua mỗi bó hoa. Đưa tờ tiền mà thường chỉ mua được dăm bông, giờ họ giúi cho một ôm, tôi đứng ngẩn, nghĩ không biết tặng ai đây; sắc hoa thì chưa rõ vì trời còn tối nhưng hương đã ngát.

Vị hoàng thân trẻ từ nhỏ đã tính hoạt bát, thông minh, thích nghệ thuật và kinh doanh. Thường hai hạng người này khó tương phùng; còn vị hoàng thân lại đam mê, tài giỏi cả hai. Ngài đã lập nên một rạp hát tuồng riêng tại phủ, ban đầu để biểu diễn cho con cháu, giao lưu trong giới hoàng thân, sau mở rộng đến người ngoài nên dân chúng cũng được đến thưởng lãm. Đây là điều quá đặc biệt so với các phủ đệ. Tôi nhớ về một lần, quá mê nghệ thuật tuồng, ngài gọi thợ đến phủ làm mũ cho con hát; ngài đợi quá lâu, đã phạt họ; chuyện loang ra, tâu lên, liền bị anh là vua đương thời triệu đến quở trách khiến ngài lấy làm hối lỗi lắm.

Tài năng buôn bán và sự mẫn cán trước thời cuộc, ngài trở thành một thương gia giàu có. Mê nghệ thuật và mê buôn bán, cả hai đều thành công vang dội kinh thành. Tôi luôn nhớ đến ngài với lòng kính trọng. Bởi thời đó giữa dân và quan luôn có một khoảng cách lớn. Song việc hai tầng lớp cùng diễn cùng thưởng nghệ thuật là một sự hòa hợp khó tưởng, thể hiện tấm lòng khiên hạ của ngài trước dân chúng. Dấu ấn thứ hai là chợ Gia Lạc. Ngôi chợ này là dấu son của kinh đô, mãi mãi người dân nhớ đến và ước vọng đến dự hội một lần. Không có lý do thuyết phục cho việc ngài lập chợ gia lạc (thêm vui) với toàn bộ kinh phí của ngài để mọi người được vui ba ngày xuân trẩy hội trẩy lộc cầu may bán đắt cho cả năm, ngoại trừ ngài là người gần dân và hơn hết là tính nghệ sĩ khoáng đạt. Ban đầu dĩ nhiên chỉ có quan lại và hoàng thân đến chợ, không lâu sau thì dân chúng đều được dự. Chỉ tưởng đến cảnh phiên chợ tết với công chúa, hoàng tử, hoàng thân quốc thích xống áo rộn ràng giữa ngợp sắc màu các mặt hàng, là những người dân thường chung vui buôn bán, ai chẳng muốn đến. Tôi đã mơ thấy những vị quan chen chúc vào một gian hàng tết đến lấm lem sắc phục, những cô nương sang trọng, có không vừa lòng cũng sớm làm vui. Thảy họ luôn nghĩ đến vị sáng lập ngôi chợ này, biết chủ nhân của ngôi chợ đối đãi với dân chúng như thế nào, nên họ đã hòa đồng không kênh kiệu bề trên kẻ cả. Nhìn cảnh chợ, tôi chợt nghĩ những vị hoàng thân, công chúa giàu sang mà đến chợ vẫn là niềm vui như một ao ước trẻ nhỏ được cha mẹ cho đi chợ tết vậy.

Chợ đầu mối xây mới, người ta đã tính đến nhiều mảnh đất làm chợ tạm. Họ cũng nhìn đến chợ Gia Lạc, vì nơi đây chỉ họp chợ vào ba ngày tết, còn lại là khoảng đất trống mênh mông, tuy không ai dám đến phủ xin phép. Cuối cùng họ nhờ một bậc cao niên, người từng sáng tác những bài ca Huế mê mẩn, đến ngỏ ý; được vị hoàng thân sáng lập chợ thuận ngay. Cứ chiều ba mươi thì chợ lại sạch sẽ để sớm đầu năm dân chúng bày hàng tết.

Hơn chục năm nay nàng đều đặn dậy mỗi sớm đến chợ đầu mối lấy hàng về bán cũng ngay tại chỗ này. Con gửi ngoại gần đó. Tôi có lần gặp ngoại nó dẫn đến tầm nửa buổi sáng. Nàng mua đồ ăn sẵn rồi đưa cho ngoại, hai bà cháu đứng một lúc rồi về; tôi biết, vì có quen chồng bà. Ông nằm trong ban Lễ của Am Xóm. Am có từ thời vua, ngoài lễ xuân thu nhị kỳ, thì tết nhất đều tổ chức cúng bái, có năm còn tổ chức hội chơi bài chòi, bịt mắt bắt dê. Tôi thấy hấp dẫn bèn hỏi ông về lai lịch Am Xóm; ông cung cấp tài liệu giúp tôi có bài nghiên cứu nhỏ trên tạp chí khoa học.

Tôi làm bộ tình cờ theo sau hai bà cháu về đến nhà, như vô tình thấy ông và bước vào, thật vui khi ông đang trà sớm. Tôi chào rồi nói bâng quơ: “Mẹ nó đâu mà theo bà đi chợ vui nhỉ”. Ông bảo mẹ nó bán rau ngoài đường, gửi ông bà ngoại chứ nó dậy từ tinh sương đi chợ đầu mối. “Bơ về ăn cơm với ông bà luôn nhỉ”. “Ờ, chú. Cũng ơn trời ngoại còn khỏe, lo được. Rồi còn qua nhà quét dọn giùm nó nữa. Đó tề”. Ông chỉ tay về ngôi nhà có mái ngói cũ cách nương rau và có hàng cây mức che gần khuất. Tôi biết ngay ngôi nhà đó, bởi hồi sinh viên, đến mùa quả mức bung ra như tơ trời liền đến bắc thang chụp ảnh. Nghe đến đó thì tôi làm lơ, như không để ý gì, chuyển ngay câu hỏi: “Ông, chợ Gia Lạc chừ còn đông người không? Vì thường tết con về nên không đến dự được, tiếc lắm”.

Ông nhấp trà còn bốc khói rồi đặt xuống, lấy thuốc ra quấn. Làm tôi nhớ ngoại mình ở quê cũng hút như vậy, với cây thuốc trồng ngoài vườn, lá to như quạt, hái phơi khô, phơi cho mềm dẻo, bọc trong mấy lớp bao bóng lúc nào cũng bỏ túi áo giữ ấm, dành hút dần. “Từ thời vua Minh Mạng mà chú. Khoảng đâu trước năm 1880, chú ạ. Cụ Ưng Bình cũng có làm thơ nhắc đến nữa. Chợ Gia Lạc nay thì không còn như xưa mô, không có hội gì đáng kể ngoài mấy đứa con nít thi thoảng đưa bầu cá xúm vào đặt dăm đồng ba trự cho xôm. Ờ, thì lâu lâu nghe họ cũng tổ chức trò chơi. Hơn chục năm rồi tui không ra đó chú ạ, đều con gái tui, nó đi thường. Có vườn trầu bên nhà đó, chú thấy, cứ chiều ba mươi là nó hái để sáng đầu năm ra bán lấy lộc. Họ bán đủ thứ trong vườn, cau trầu nhiều nhất”.

Tôi nghe, lâu lâu có hỏi chêm vài câu phụ; câu phụ thực ra là điều chính tôi muốn biết. Còn những gì ông nói tôi đã tìm hiểu kỹ. Đặc biệt tôi còn xác định đúng vị trí của chợ xưa, nó không nằm ở nơi bây giờ đầu năm vẫn họp. Người ta hay nhầm lẫn như vậy, cả các nhà nghiên cứu cũng ít chịu tìm tư liệu gốc đối chứng. Tôi may mắn nắm được nguồn thông tin mới về ngôi chợ, rằng có một cái đình lục giác ở trong khuôn viên, có hồ sen cạnh nữa; vậy là tôi vin vào hai thứ đó đến hỏi những bậc cao niên gần chợ, mới phát hiện ra nơi xưa của ngôi chợ họp ba ngày đầu xuân này.

Có câu hỏi tôi vẫn chưa giải được, là nàng. Con người thon gọn, đẹp mặt đẹp hình, bán buôn vui cười, nhẹ nhàng tươi thoáng, chăm chỉ lo toan, hiếu thuận cha mẹ (tôi thấy ông già khen con gái mình hoài); vậy sao lại chồng bỏ, hay nàng bỏ chồng. Hay nàng chưa từng lấy chồng? Điều này dĩ nhiên cần chút thời gian. Trời vẫn có những cơn mưa vào tầm nửa đêm gần sáng. Tôi chờ một sáng có mưa và quyết định mang áo tơi như hóa trang đứng ở ngoài chợ tạm để theo nàng đến chợ Gia Lạc.

Sáng nay nàng dậy muộn sao đó, tôi nghe tiếng chiếc xe cũ từ sâu trong kiệt xóm, đợi nàng đi khá xa rồi tôi mới theo. Đường đến chợ thì tôi biết. Trời còn đen nhẻm. Chưa ai nhìn rõ mặt ai nếu không đứng dưới ánh điện cao áp. Xe tải mỗi chiếc đậu một góc dưới luồng điện, họ còn thắp cái bóng ngay đuôi xe để bán hàng. So với tuổi nàng thì chưa ai đi chợ này lâu năm đến vậy, mối lái quá quen rồi. Tôi thấy nàng lấy hàng ở ba nơi, có nơi họ đã sẵn trong bọc, nàng lấy chất lên xe. Cuối năm xe chở hoa về nhiều, đủ loại từ Đà Lạt ra; cũng có những xe chở toàn quất và đào thế. Lúc nàng chất bì rau lớn lên thì nó tuột xuống, tôi định bước tới giúp, đã kịp dừng lại. Sẽ thế nào nếu nàng thấy tôi ở đây, làm gì? Hay là theo dõi nàng? Thì cứ nói đi xem chợ; điều này chưa hay lắm bởi tôi dạo này đến nhà cha nàng chuyện phiếm hơi nhiều. Nàng chưa chất rau lên lại thì điện thoại reo; nàng đứng vịn tay lên xe và nói chuyện gì đó, không vui không buồn.

Tôi thấy nàng bước về phía đông người bên dãy xe tải xôn xao. Trời đã rạng hơn, nhìn gần có thể nhận ra mặt nhau. Nàng đang bước, bỗng ai đó đứng trước như chặn. Tôi cũng sững. Chưa biết mình sẽ xử trí thế nào nếu bọn xấu tấn công nàng. Rồi nàng cười. Tôi đến gần hơn, vẫn mang áo mưa và khẩu trang nên chẳng ngại lắm; hồi nãy có lúc tôi đã quay lưng, rồi giả vô tình chạm mạnh vào nàng. Nàng nhận ra bác quản chợ, đang giới thiệu về một người trẻ tuổi đi cùng. Người đó đứng tuổi hơn tôi, nhã nhặn, khẽ mỉm cười, gật đầu với nàng. Nàng nghe, rồi tôi thấy nàng trố mắt, miệng há hốc. Ngạc nhiên lắm lắm. Người nhã nhặn kia nói với nàng, chợ quá ồn tôi nghe lõm bõm. Người ấy mời nàng lúc rỗi về phủ hát tuồng… Chợ sẽ dành cho nàng một lô để bán ba ngày xuân. Đoạn, nàng cùng bác quản chợ và người kia đi về nơi sạch đẹp. Tôi bắt đầu suy nghĩ thật nhanh. Tôi đã gặp người này ở đâu. Đúng rồi, vị hoàng tử và giờ đã là hoàng thân, chủ nhân phủ Định Viễn Quận vương, chủ rạp hát tuồng mà dân thường cùng được tham dự. Có khi nào ông mời nàng vào phủ thêu thùa hay xe duyên. Tôi loạn cả lên với bao ý nghĩ chẳng hay hớm tốt đẹp gì. Tôi đứng xa nhìn vì giờ ba người đã tách ra. Bác quản chợ dang tay về phía một lô đất thuộc hàng đẹp nhất, như là ấn định mặt bằng dành cho nàng bán hàng ba ngày tết. Tôi vẫn biết ai cũng có thể đến chợ bán, tuy những gian cố định dành cho bậc quyền quý cao sang như chỗ nàng được nhận là một đặc ân.

Tuần trà chiều với cha nàng, tôi hiểu thêm về cuộc đời mà sự tìm kiếm lâu nay của tôi phần nhiều dư thừa. Cuộc sống đôi khi không cần mang vác nhiều, là lúc tôi thấy sự thanh thản của ông với khu vườn cùng bữa ăn khá đạm bạc mà không hiểu sao tôi vẫn ước như vậy, nó khác xa với danh vọng cùng nhiều thứ tôi theo đuổi lâu nay. Chắc gì tôi đã theo đuổi được nàng, chẳng hạn thế; điều tưởng chừng như vừa thấy lần đầu tiên tôi đã nghĩ trong tay mình. Tôi không nói với ông về một sự kiện lớn, rằng năm nay vua sẽ du xuân chợ Gia Lạc. Điều này ai nghe cũng nằm mơ muốn đến, với một ngày xuân thật hào phóng. Nàng đã nói nhỏ với tôi khi đưa bó rau cải cúc. Nàng chỉ nói vậy, bỏ lửng phía sau đó khoảng trống. Tôi bước rồi chợt thấy mình kỳ quặc sao đó. Sao tôi không đứng lại hỏi thêm nàng về sự kiện này, trò chuyện hoặc là hẹn hò gì đó, lúc mà chưa ai đến mua hàng. Có điều tôi đã quyết, là sẽ không về quê tết này mà ở lại dự hội chợ xuân Gia Lạc, để nhìn thấy vua một lần trong đời. Chợt như bộ quên điều gì, tôi ngược bước trở lại hàng rau của nàng, nói quên mua ớt và ngò hành để thức khuya pha gói mì. Tôi trình bày khá rối về việc muốn chở nàng đi chợ Gia Lạc thưởng xuân… Nàng cười cười.

Không hẳn do tuần trà quá đậm, mà tôi khó ngủ. Tôi đã có ngủ, trở dậy, rồi nằm lại trằn trọc, cũng không xem là mấy giờ mà từ đó hoàn toàn thao thức băn khoăn về những chi tiết đã hợp lý chưa trong công trình của mình. Trở dậy lần thứ hai, tôi quyết định liều bước đến nàng, tôi sẽ đứng ngoài gõ cửa mặc nàng nghĩ sao, mặc ra sao tùy, mặc mình có thành một dạng điên tàng thừa thãi hay không. Tôi bước qua con đường có nhà mẹ nàng, theo một con đường cong nữa, nhà kia kìa. Mọi thứ vẫn im lìm, chưa ai thắp đèn ngoại trừ những bóng điện quả ớt trên những ban thờ đã chỉn chu hoa quả và mùi trầm tỏa khắp. Chợt, tiếng con chó đâu đó gâu lên khiến tôi chững lại, một dạng bừng tỉnh. Tôi dấn thêm bước nữa song con chó dẫu chưa thấy mặt ai đã quyết ngăn tôi lại bằng vũ khí âm thanh thô gằn của nó. Tôi chờn, quay lui. Vẫn không ai dậy. Tôi vào phòng, lẹ làng nằm xuống. Xóm nhỏ như tách biệt với thế giới văn minh đô thị. Tôi lại nghĩ, có khi nào cái xóm này chưa từng dậy đón giao thừa không.

Tôi chợp mắt, và thấy. Phiên chợ xuân Gia Lạc đầu năm chật kín người, trừ con đường chính với dãy gian hàng của bậc thương gia. Ở đó tôi thấy cả những cổ vật, trang sức bằng vàng ngọc hẳn hoi. Và cả loại xì gà Manille hảo hạng nữa; đây vốn là của sứ bộ Tây Ban Nha đến tiến cống vua. Mọi thứ tặng biếu kể cả vua ban đều được phép bán ở chợ, rất tuyệt. Lúc tôi vào lính tráng đã đứng yên như tượng quanh chợ, không hề có hành vi nào khác, phiên vẫn rộn rịp huyên náo như thường.

Một nhóm công tử đủng đỉnh vào, rồi nhóm nữa cùng với những cô gái gọn gàng tha thướt xinh tươi như nụ xuân chớm sương. Không ai để ý họ, còn tôi thì luôn để mắt tới gian hàng của nàng, khi nhóm trai gái lịch lãm ghé vào. Tôi chú ý xem có phải vua cải trang đi cùng với vị hoàng tử sáng lập ra ngôi chợ này chăng, người đã mách nàng bí mật về chuyến du xuân của vua? Mà, tôi nào đã biết mặt vua? Liệu ngài có mặc long bào vào chợ với cung tần mỹ nữ, hay sẽ trong vai thường dân, trong vai công tử dạo chơi và dĩ nhiên không ai biết vua dẫu chạm mặt đặt tay. Họ đã đứng trước gian hàng của nàng. Tôi lật bật móc điện thoại khiến nó rơi mất.

Tỉnh dậy như tôi chưa hề ngủ phút nào. Đã đến giờ hẹn nàng đến chợ xuân Gia Lạc. Chúng tôi quyết định đi thật sớm, gần như chưa ai dậy tầm đó vào ngày đầu năm. Nhưng cha nàng thì đã ung dung với tuần trà xuân. Tôi đèo nàng qua con đường ấy; qua kính chiếu hậu, tôi thấy ông nhìn với theo và tôi biết ông phải ngạc nhiên đến độ không. Gió phây phây. Ra đến nơi vẫn còn quá sớm. Mới có vài hàng cau trầu của một o và mệ ngồi bên vệ đường, chứ chưa ai ở trong chợ. Nàng ngồi xuống mở hàng, vui như tết. Dĩ nhiên. Tôi chụp cho nàng tấm hình thật chuẩn để đưa lên phây. Chợt, nàng nhận ra người quen ngồi bán cạnh bên, cả hai liền chúc phúc bắt chuyện. Tôi tranh thủ vào chợ xem qua.

Vòng nửa ngôi chợ, rồi tôi bước ra giữa, nơi xưa từng có hồ sen và đình lục giác. Trời sáng lên, mây hòa giữa trắng sữa và xanh lơ. Gần dưới chân, chợt thấy điều khiến râm ran cả người, tôi xem đến căng nhức mắt. Ồ, những dấu chân rồng, móng găm xuống còn nguyên. Tôi đứng xa ra chút để mở rộng góc nhìn, thấy như là chân kiệu vua khắc chân rồng vừa giá lâm. Hoặc có thể, loài rồng chỉ mới vừa nhún mình phóng lên dải mây xanh kia.

Nàng thấy anh nói đúng không?

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img