Trong giai đoạn nền kinh tế biến đổi phức tạp và khó đoán định hiện nay, thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào khả năng điều hướng và thích nghi với thách thức.
>>> Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024
Rủi ro hiện hữu
Những tháng đầu tiên của năm 2024 đang trôi qua với một số tín hiệu khả quan của phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phân tích và dự báo từ nhiều định chế tài chính lớn toàn cầu cho thấy, những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới đã dần hồi phục nhưng vẫn còn bấp bênh, đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức đến từ những ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch, xung đột và rủi ro địa chính trị; sự suy giảm của các giải pháp kích cầu. Bên cạnh đó là áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, thời tiết cực đoan…
Tất cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đó khiến khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng. Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại trong một trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo, phức tạp và biến đổi khó lường.
Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng khi kinh tế thế giới đứng trước suy thoái và biến động như trên. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã không còn khả năng duy trì cũng như tìm ra hướng đi mới để vượt qua khó khăn.
Theo số liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong tháng đầu năm 2024 có 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các doanh nghiệp phần lớn lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 81,5%); 44,6% doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động dưới 5 năm. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 7.798 doanh nghiệp, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, khó khăn được dự đoán vẫn bao trùm nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. “Bão” suy thoái kéo dài từ cuối năm 2022 đã hạ nhiệt nhưng chưa tan, hừng đông mới chỉ bắt đầu có tín hiệu hé sáng.
Xoay trục tăng trưởng
Bối cảnh kinh tế thế giới đang làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới ngay trong thập kỷ này. Một số xu hướng phát triển mới như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số… đang định hình và dẫn dắt cuộc chơi cuộc chơi toàn cầu. Doanh nghiệp linh hoạt thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh là tất yếu, không thể trì hoãn.
Nguyên Kinh tế trưởng quốc gia của ngân hàng ADB Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh: thay vì tiếp tục loay hoay trong ma trận số lượng, năm 2024 chính là năm bản lề để nền kinh tế và doanh nghiệp xoay trục sang mô hình tăng trưởng với trọng tâm là chất lượng, được dẫn dắt bởi động lực là xanh và số.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bằng Việt – CEO Đông Á Solutions đồng tình với quan điểm cho rằng, những biến động và thay đổi của kinh tế toàn cầu đang tác động đến của doanh nghiệp, từ chuỗi cung ứng đến khách hàng, quy trình và hoạt động… Tuy nhiên, dù có biến động thế nào thì vẫn luôn có cơ hội được tạo ra trong thách thức và luôn có doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đó rất sớm.
Từ thực tế làm việc với các doanh nghiệp, ông Trần Bằng Việt cho biết thêm: nhiều doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc sự thay đổi và xu hướng phát triển mới trong những năm gần đây. Vì thế, chưa bao giờ đổi mới sáng tạo trở thành mối quan tâm hàng đầu của các CEO như hiện nay. Hàm lượng của đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những nền kinh tế thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc đều giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, trong đó đầu tư cho công nghệ là một trong những yếu tố then chốt.
>>> Triển vọng Việt Nam 2024: Quyết liệt tăng trưởng tiến về phía trước
Chẳng hạn như Hàn Quốc, là nền kinh tế có độ mở cao hơn Việt Nam và quy mô thị trường nhỏ với hơn 20 triệu dân, trong các thập kỷ qua, doanh nghiệp Hàn Quốc buộc phải tính đến việc kết nối với thế giới, tập trung xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu đã xuất hiện.
Từ Hàn Quốc, ông Phạm Lê Minh – phụ trách thị trường Việt Nam của tập đoàn ô tô hàng đầu xứ sở kim chi thông tin: Hàn Quốc rất mạnh về công nghệ. Những doanh nghiệp top đầu của nền kinh tế này đều là doanh nghiệp công nghệ và hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo có ứng dụng công nghệ cao. Dự báo trong 2 năm tới, các doanh nghiệp tập trung vào hai mảng chính là trí tuệ nhân tạo và robotics.
Còn tại Trung Quốc, quốc gia đi rất nhanh với tỷ lệ sở hữu bằng sáng chế, tập trung vào các công nghiệp tiên phong 4.0, công nghệ năng lượng xanh và tái tạo.
Còn nữa…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn