Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong năm Con Rồng, bên cạnh các động lực tăng trưởng hiện có, cần các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
>>>Nghị quyết 01/NQ-CP: “Chìa khóa” để doanh nghiệp bứt phá
Với mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% – 6,5% trong năm Con Rồng.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động kinh tế – xã hội của Việt Nam trong năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định; bất ổn địa chính trị, thời tiết cực đoan gây hệ luỵ nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất; tiêu dùng suy giảm.
Dự báo năm 2024 tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta suy giảm so với năm 2023.
Để GDP năm 2024 tăng 6% – 6,5% như mục tiêu đề ra, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% – 3,2%, thấp hơn 0,63 – 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 – 3,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7% – 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm.
“Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao. Tăng trưởng từ đầu tư công chỉ bù đắp được một phần cho các khu vực khác của nền kinh tế”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
>>>Thể chế vững, doanh nghiệp mạnh
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng phải thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các động lực hiện có của nền kinh tế, trong đó đặc biệt kể đến động lực từ đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ hai là động lực xuất khẩu.
“Để cho các động lực ấy hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thì động lực về cải cách hành chính là rất quan trọng”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn cần các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế mà nên tập trung vào kinh tế số, chuyển đổi số, thứ hai là kinh tế tuần hoàn và thứ ba là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
Trong khi đó, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cần hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích các hoạt động kinh tế.
Đồng thời, ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách mang tính cơ cấu bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì chúng là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn và bền vững.
Một vấn đề cốt tử cho nền kinh tế Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh là đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống đại học và trường dạy nghề phải được cải cách hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn