Các nút giao và kết nối các tuyến cao tốc, gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài và hệ thống đường vành đai 3, 4.
Bổ sung tuyến kết nối và nút giao
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa báo cáo kết quả rà soát đề xuất bổ sung tuyến kết nối và nút giao khác mức liên thông với các tuyến đường bộ cao tốc.
Cụ thể, để kết nối các tuyến cao tốc: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài và hệ thống đường vành đai 3, 4, Sở GTVT TP.HCM đánh giá cần đầu tư bổ sung hàng loạt nút giao khác mức và đường kết nối đi kèm. Trong đó, nhóm các dự án đầu tư ngay gồm: mở rộng nhánh nối Tân Tạo – Chợ Đệm và Bình Thuận – Chợ Đệm để kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây thông qua cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Cả 2 tuyến đường này hiện nay có quy mô 6 làn xe và đều được đề xuất nâng lên 8 làn xe, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2027, do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.
Đối với tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM muốn xây dựng thêm nhánh nối đường Long Phước với 2 làn xe để kết nối từ cao tốc này với TP.Thủ Đức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho TP sáng tạo phía Đông.
Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến sẽ được đầu tư thêm cầu vượt tại nút giao QL50, đồng thời cải tạo các nút giao QL50 hiện hữu, nút giao đường Nguyễn Văn Tạo – Nguyễn Hữu Thọ và nút giao đường Rừng Sác thành nút giao khác mức.
Đường Vành đai 3 cũng có 1 dự án kết nối nằm trong nhóm đầu tư ngay là bổ sung chỗ ra/vào đường Vành đai 3 với đường Phước Thiện (phường Long Bình, TP.Thủ Đức). Quy mô gồm đảo tròn để tổ chức giao thông khu vực quay đầu, rẽ trái/phải lên Vành đai 3; xây dựng hầm chui trên đường Phước Thiện với quy mô 4 làn cho 2 chiều xe chạy.
Đang chú ý, đối với các nhóm dự án nghiên cứu chuẩn bị đầu tư sau khi hoàn thiện quy hoạch ước tính cần tổng vốn 44.251 tỉ đồng, bao gồm: 4 dự án kết nối đường Vành đai 3; tuyến đường kết nối cao tốc TP.HCM – Chơn Thành vào Gò Dưa – Vành đai 2 TP.HCM; kéo dài đường Long Phước kết nối từ đường Long Thuận đến chỗ ra/vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; và dự án đường nối cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đến nút giao Vườn Lài – Vành đai 2 TP.HCM.
Đặc biệt, toàn bộ 7 dự án này đều được đề xuất thực hiện bằng ngân sách địa phương, do UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản, triển khai trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Ngoài ra, nút giao tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu kết nối đường Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng sẽ được tính đến trong thời gian tới.
Đánh giá về sự cần thiết đầu tư các nút kết nối, Sở GTVT TP.HCM nhận định việc rà soát kết nối với các tuyến cao tốc phù hợp quy hoạch về định hướng phát triển các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế.
“Làm ngày, làm đêm” để kịp trình Quốc hội
Trước đó, ngày 22/2/2024, tại UBND TP.HCM, Bộ GTVT và các địa phương đã họp về phương án làm đường Vành đai 4 TP.HCM. Báo cáo trong buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết từ tháng 9.2021 sau khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, TP.HCM và các địa phương đã rất nỗ lực, đoàn kết trong quá trình chuẩn bị cho dự án. Các tỉnh họp hội đồng vùng đề xuất cập nhật quy mô Vành đai 4 TP.HCM với chiều dài 207 km, mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, giải phóng 1 lần là 8 làn xe.
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt xong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện đang lập dự án xây lắp. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẵn sàng để trình chủ trương đầu tư, chỉ còn băn khoăn về cơ chế và nguồn vốn. Nghiên cứu tiền khả thi của dự án phía tỉnh Đồng Nai cơ bản cũng đã xong.
Về phía TP.HCM, ngành giao thông đã hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi, đang điều chỉnh hướng tuyến nhằm tối ưu hóa phương án bồi thường GPMB và sử dụng quỹ đất. Với tiến độ hiện nay, ông Trần Quang Lâm cho biết trong khoảng quý 2 – quý 3 năm nay, dự án có thể trình chủ trương đầu tư, cơ bản là có thể cân đối được nguồn vốn. Riêng đoạn tỉnh Long An (78 km) vốn đầu tư hơn 48.000 tỉ đồng đã có nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương đã nghiên cứu Vành đai 4 cần rà soát, thống nhất lại về mốc triển khai, tiến độ, thậm chí có thể “làm ngày, làm đêm” để kịp trình Quốc hội thông qua dự án vào tháng 6 và khởi công vào năm 2025. Không chỉ thúc tiến độ, Chủ tịch UBND TP.HCM còn lưu ý cần đồng bộ tiêu chuẩn từ chiều rộng tới quy mô hoàn chỉnh từ đầu, làm trước 4 làn cao tốc với đầy đủ làn dừng khẩn cấp và các yêu cầu kỹ thuật liên quan.
“Khi đạt chuẩn cao tốc, quá trình khai thác tuyến đường sẽ an toàn hơn và tăng hiệu quả đầu tư, tránh như một số dự án chỉ 2 – 4 làn hạn chế, mới hoàn thành đã tính đến chuyện mở rộng. Chúng ta thiếu tiền nhưng có thể cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết để ưu tiên cho Vành đai 4, đừng vì vấn đề kinh phí mà làm không chuẩn cao tốc, dẫn đến bất cập khi khai thác”, ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mãi, thực tế, nếu xét trên tổng thể quy hoạch toàn tuyến, đoạn Vành đai 4 đi qua TP.HCM có chiều dài ngắn nhất trong 5 địa phương, chỉ 17 km. Tuy nhiên, với tính chất quan trọng của dự án, TP.HCM không ngần ngại nhận những nhiệm vụ “khó nhằn” với mục tiêu đẩy càng nhanh càng tốt tiến độ của dự án. Đó là khi Long An (địa phương có đoạn Vành đai 4 đi qua dài nhất) từ chối vị trí điều phối, dự án rơi vào thế khó khi không tìm được “nhạc trưởng”. Bộ GTVT thì đang “ngập chìm” trong các công việc phát triển mạng lưới đường cao tốc Bắc – Nam phía đông. TP.HCM còn “căng” hơn khi phải đảm đương khối lượng giải ngân rất lớn cho giao thông, hạ tầng trong năm 2023, nhất là khi Vành đai 3 đang ở giai đoạn tăng tốc.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn