Cơ quan chức năng phạt Hoa khôi Nam Em 37,5 triệu đồng vì 2 vi phạm: gây hoang mang dư luận và xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như Thanh Niên đã thông tin, Sở TT-TT TP.HCM vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em (Hoa khôi Nam Em) tổng cộng 37,5 triệu đồng. Trước Nam Em, một số người dùng mạng xã hội có những phát ngôn gây sốc, sai sự thật cũng từng bị xử phạt hành chính, mức phạt phổ biến là 7,5 triệu đồng. Nhiều ý kiến thắc mắc, Hoa khôi Nam Em vi phạm những gì mà mức phạt lại cao hơn một số người vi phạm hành vi tương tự trước đó ?
Sau hàng loạt ồn ào livestream, Nam Em bị xử phạt 37,5 triệu đồng
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Sở TT-TT TP.HCM cho biết, trong buổi làm việc với Nam Em vào ngày 1.3, Sở TT-TT cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM xác định, Hoa khôi Nam Em có 2 hành vi vi phạm trong các buổi livestream trên các tài khoản mạng xã hội.
Cụ thể, trong các buổi livestream, Hoa khôi Nam Em gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, không ngại tiết lộ góc khuất showbiz… Bên cạnh đó, Nam Em còn có phát ngôn nhắc đến Bác Hồ trong một buổi livestream. Những nội dung phát ngôn gây tranh cãi của hoa khôi này gây ồn ào mạng xã hội và nhiều thông tin tiêu cực.
Trên cơ sở đó, Sở TT-TT TP.HCM quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em về 2 hành vi theo quy định tại Nghị định 15/2020 của Chính phủ với tổng mức phạt 37,5 triệu đồng.
Hành vi thứ nhất là cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 101: “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc”, mức phạt 7,5 triệu đồng.
Hành vi thứ 2 là cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, khoản 7, điều 102: “Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”, mức phạt 30 triệu đồng.
Cơ quan quản lý cũng lưu ý, Hoa khôi Nam Em đã bị xử phạt hành chính 1 lần thì cần cẩn trọng trong các phát ngôn, nếu cố tình tái phạm thì sẽ xem xét tình tiết tăng nặng.
Khi nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự ?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết hành vi xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng. Như trường hợp của Hoa khôi Nam Em, Sở TT-TT xác định chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên chỉ phạt hành chính 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu hành vi này gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc vi phạm tới mức độ cần phải xử lý trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng sẽ áp dụng. Đó có thể là hành vi xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà gây mất ổn định chính trị, xã hội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho cộng đồng, quốc gia.
Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân (theo điều 331 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2 – 7 năm.
Cố tình tái phạm sẽ đối diện mức phạt nào ?
Về cảnh báo của Sở TT-TT TP.HCM sẽ áp dụng biện pháp tăng nặng nếu Hoa khôi Nam Em cố tình tái phạm, luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho biết, khi đã bị xử phạt hành chính cho một hành vi vi phạm và sau đó tái phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét việc tăng nặng mức phạt dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi tái phạm.
Điều này thể hiện sự răn đe và đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời khuyến khích các cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định pháp luật.
Trong trường hợp hành vi tái phạm được đánh giá là nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng có thể xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn, bao gồm việc tăng mức phạt tiền, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm ngặt hơn hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn đủ điều kiện.
Như vậy, việc áp dụng mức phạt và quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và hậu quả mà nó gây ra.
“Đối với những trường hợp tái phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét tới lịch sử vi phạm của cá nhân hoặc tổ chức đó, mức độ cố ý và tác động của vi phạm đối với xã hội để quyết định mức độ tăng nặng của hình phạt. Mục đích cuối cùng là ngăn chặn hành vi vi phạm tái diễn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, của tổ chức và duy trì trật tự, an toàn xã hội”, luật sư Đỗ Ngọc Thanh phân tích.