Theo đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng mô hình xã thông minh là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết, giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia khẳng định, việc xây dựng mô hình xã thông minh là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết, trong đó lấy người dân làm trung tâm, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua việc ứng dụng công nghệ số để mang lại nhiều tiện ích, phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân ở các làng xã giàu có hơn, hạnh phúc hơn.
Theo đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng mô hình xã thông minh, hay chuyển đổi số cấp xã, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng công nghệ số để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản, mở rộng giao dịch trên mạng Internet cũng như nâng cao chất lượng đời sống của người dân như về y tế, giáo dục…
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số ở cấp xã, vẫn tồn tại một số khó khăn như các cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số và các nội dung liên quan như xây dựng chính quyền số, hạ tầng số, kênh giao tiếp với người dân, đưa người dân lên các sàn thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương trên Internet, các dịch vụ thông minh…
Để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều bước triển khai cụ thể thông qua các chương trình thí điểm hoặc lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngày 31/7/2020, Bộ đã có công văn số 1021/THH-DVCNTT về việc hướng dẫn mô hình thí điểm xây dựng xã thông minh. Tiếp đó, ngày 15/7/2020, Bộ đã có văn bản số 2605/BTTTT-THH gửi UBND một số tỉnh theo chương trình thí điểm về việc phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã trên địa bàn các tỉnh.
Qua quá trình triển khai, nhiều địa phương đã có những kết quả nhất định như tại xã Yên Hoà (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), các xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai, Quảng Nam… Từ chương trình thí điểm này, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng các kết quả thí điểm và thành công bước đầu trên địa bàn toàn tỉnh, ví dụ như ở Ninh Bình theo kế hoạch đến hết năm 2024 hoàn thành 100% chuyển đổi số cấp xã theo phiên bản 1.0.
Bên cạnh đó, ngày 29/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời việc triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Ngoài các xã đã được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh (theo Quyết định 969/QĐ-BNN-VPĐP năm 2023 và Quyết định 182/QĐ-BNN-VPĐP năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí như xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 hoặc xã có khả năng áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ số và trong lĩnh vực nổi trội, hoặc có các điều kiện khác về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hay tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh…
Để hỗ trợ người dân nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xuất bản cuốn “Làng số” ra đời tiếp sau cuốn Cẩm nang chuyển đổi số, viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Trong đó, mỗi câu chuyện đều khắc hoạ con người cụ thể, công việc cụ thể, vấn đề cụ thể, cách làm cụ thể, kết quả cụ thể…
Ngoài ra, các tỉnh/thành phố trong cả nước cũng triển khai nhiều nội dung theo các quyết định, chiến lược, kế hoạch chung liên quan đến các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở các cấp chính quyền nhằm thu hẹp các khoảng cách này, trong đó lấy người dân làm trung tâm, nâng cao chất lượng cuộc sống, sản xuất.
Nguồn: vtv.vn