Nhân sự trong các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tham gia chuỗi cung ứng cần đặt mình vào bối cảnh rộng hơn: là một “mắt xích” của chuỗi toàn cầu để thay đổi tư duy làm việc.
Nhấn mạnh đặc thù của ngành công nghiệp hỗ trợ là có tính chuỗi, tính hệ thống và sự chuyên nghiệp rất cao, ông Lê Quý Thành – Giám đốc nhà máy TOMECO An Khang cho rằng, các nhân sự làm việc ở các doanh nghiệp trong ngành, ngoài kiến thức chuyên môn, cần am hiểu và nắm bắt về hệ thống quy trình chung cũng như các tiêu chuẩn riêng mà chuỗi cung ứng đặt ra. Từ yêu cầu trên, mỗi nhân sự làm việc trong các doanh nghiệp của các chuỗi cần đặt mình vào bối cảnh rộng lớn. Không chỉ là nhân sự của một phòng, ban, một công ty mà là một “mắt xích” của chuỗi cung ứng.
Với vị trí như vậy, không giống như các hoạt động sản xuất kinh doanh đơn lẻ, nhân sự của doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ không chỉ chịu sự đánh giá của người quản lý trực tiếp mà còn qua đánh giá, kiểm soát của nhiều bên trong chuỗi cung ứng như khách hàng, đội ngũ quản lý đối tác là tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia.
Ngoài ra, trong giai đoạn thị trường toàn cầu đang biến động nhanh và khó lường, doanh nghiệp phải rất linh hoạt, thích ứng với những thay đổi trên. Ông Lê Quý Thành cho biết thêm, doanh nghiệp mong muốn nhân lực của mình đồng hành trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhân lực của doanh nghiệp vì thế không chỉ biết 1-2 việc mà cần đa năng, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin kịp thời, đặc biệt là có tinh thần học tập trọn đời.
Doanh nghiệp cũng đang hoạt động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, nhiều thành tựu của khoa học công nghệ đang được áp dụng vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm giá trị mới… Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết công nghệ, phần mềm, có tư duy làm việc số để cùng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và vận hành hệ thống.
Với những yêu cầu, đòi hỏi mới như vậy, theo lãnh đạo TOMECO, mọi sự khởi đầu của doanh nghiệp đều bắt nguồn từ đầu tư phát triển con người. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao là tất yếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân sự này hiện khó tuyển dụng.
Tại TOMECO, ở thời điểm đầu tư các dây chuyền công nghệ mới, hiện đại như các máy móc, công nghệ miết tạo hình kim loại tấm sử dụng công nghệ CNC hay một số máy gia công chính xác CNC khác, hay công nghệ hàn robot… rất khó để tìm kiếm được lao động đứng máy này. Thậm chí doanh nghiệp phải tuyển những kỹ sư được đào tạo đại học về chuyên môn phù hợp để đứng máy. Nhưng thực tế, chất lượng đào tạo kỹ sư không hướng đến việc trực tiếp đứng và vận hành những máy móc như vậy.
Điều này cho thấy, đang có độ vênh giữa sự xu hướng phát triển nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới và tốc độ cải tiến chương trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quý Thành cho rằng, các trường cần bổ sung thêm vào chương trình kỹ năng mềm như đàm phán, giao tiếp…, chú trọng tư duy làm việc trong thời đại số.
Để chủ động tạo nguồn nhân sự chất lượng cao, doanh nghiệp như TOMECO tự đào tạo, bổ sung kiến thức phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi tham gia chuỗi, doanh nghiệp đầu chuỗi đã rất tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp khác trong chuỗi đào tạo nâng cao trình độ nhân sự. Việc đào tạo này đang tập trung cho khối cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung. Đại diện lãnh đạo TOMECO mong muốn, thời gian tới chương trình này mở rộng đối tượng đào tạo đến người lao động giúp nhân sự các cấp trong doanh nghiệp có thể thay đổi tư duy vượt trội.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn