Vị chua dịu của lưỡi long như lời mẹ quê nhắn nhủ đứa con đi xa sớm về lại quê nhà.
Tôi đang điều trị bệnh ung thư tại TP.HCM. Cơ thể vô cùng mỏi mệt, chịu nhiều tác dụng phụ sau những lần truyền hóa chất. Vợ tôi đọc thông tin trên báo nêu rằng, lưỡi long chứa hàm lượng lớn hoạt chất phenolic và flavonoid giúp chiến đấu với tế bào ung thư trong cơ thể, hỗ trợ phòng tránh bệnh tim mạch. Nhưng việc tìm mua lưỡi long giữa đô thị vô cùng khó khăn. Thế là vợ điện thoại về quê.
Nghe tin, bà con xóm làng vội bẻ những nhánh lưỡi long tươi xanh mang sang cùng mẹ tôi gói ghém gửi vào thành phố với bao nỗi yêu thương dành cho người ôm trọng bệnh.
Quê tôi, vùng đất phía nam tỉnh Quảng Ngãi mùa này nắng lắm. Nắng cho lúa trên đồng vàng bông giục nông dân vào mùa thu hoạch. Nắng làm héo những liếp rau xanh trong vườn nhà. Và nắng cũng làm cho những nhánh rau lưỡi long tươi non, xanh mướt đến ngỡ ngàng. Loại rau này hiện diện nơi xóm làng quê tôi từ lâu lắm rồi. Dân quê siêng năng, cặm cụi vun trồng rau trái để cải thiện bữa cơm gia đình. Thẻo đất cạnh hàng rào được trồng lưỡi long, loại cây đặc trưng nơi đất cằn. Khỏi cần chăm bón, rễ lưỡi long hút dưỡng chất từ đất rồi chuyển hóa lên thân nảy nhánh vươn lên tươi xanh.
Gần đến bữa, dạo ra vườn bẻ dăm nhánh lưỡi long rồi gọt bỏ những nốt u quanh thân, rửa sạch và xắt thành sợi. Loại rau này có thể nấu canh với thịt, cá, mực hay nấu canh suông với chút dầu phộng đều ngon. Rau nhơn nhớt, giòn giòn với vị chua dịu đặc trưng vương vấn lòng người…
Trở lại với mớ lưỡi long vợ chồng tôi nhận được từ những người thân yêu quê nhà. Rau được gói gọn trong thùng xốp cùng ít mực tươi đánh bắt trên vùng biển gần bờ. Vợ tôi cẩn thận rửa sạch mực rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Lưỡi long được sơ chế trước khi cho vào nồi. Đun sôi hành tím xắt lát với dầu phộng đến khi bốc mùi thơm thì cho mực vào rồi dùng đũa đảo đều. Sau đó, cho nước vào nồi cùng ít muối hạt và dăm lát ớt cay.
Khi nước sôi bập bùng trên bếp thì cho lưỡi long vào nồi rồi dùng vá khuấy nhẹ. Rau vừa chín, nêm gia vị vừa ăn, cho rau thơm xắt nhỏ vào nồi cùng ít tiêu xay nhuyễn rồi nhấc xuống khỏi bếp.
Bữa cơm có canh lưỡi long nấu với mực ngon lạ kỳ. Cắn miếng mực rồi chậm rãi nhai, vị ngọt thanh pha lẫn mặn mà từ biển thấm vào từng tế bào vị giác. Rau nhơn nhớt “ve vuốt” vành môi rồi trôi vào họng với vị chua dịu đọng nơi đầu lưỡi. Vị chua dịu ấy như lời mẹ quê nhắn nhủ đứa con đi xa sớm về lại quê nhà. Biết mấy thương yêu!
Nguồn: thanhnien.vn