Để đạt được yêu cầu của khu công nghiệp bền vững, còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề nguồn vốn, tài chính và làm rõ các định quy định pháp lý.
Những khác biệt cơ bản
Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/3/2024, bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ cho biết, mô hình khu công nghiệp truyền thống và khu công nghiệp bền vững có những điểm khác biệt cơ bản đáng chú ý, phản ánh qua cách tiếp cận, mục tiêu và tác động đến môi trường cũng như cộng đồng xã hội.
Thứ nhất, về tiếp cận và mục tiêu, trước đây, các khu công nghiệp truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội. Hiện tại, mô hình khu công nghiệp bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững.
Mục tiêu là xây dựng một khu công nghiệp mà ở đó tất cả mọi người, từ các cá nhân làm việc và sinh hoạt trong KCN đến các doanh nghiệp đều có thể sống tốt, phát triển mà không làm hại đến môi trường, hành tinh và tương lai của chúng ta. Do đó, mô hình KCN bền vững không thể được thực hiện bởi duy nhất mong muốn của nhà đầu tư phát triển hạ tầng mà đòi hỏi sự hợp tác và cam kết từ tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, vận hành trong KCN từ nhà máy sản xuất đến các công ty cung ứng dịch vụ KCN.
Thứ hai, là tác động đến môi trường. KCN truyền thống có thể gây ra ô nhiễm không khí, nước và đất do tiêu thụ nhiều năng lượng và nguyên liệu một cách không hiệu quả và phát thải lớn. Còn KCN bền vững áp dụng các công nghệ sạch, tái sử dụng và tái chế nguyên liệu, giảm thiểu chất thải và phát thải, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học.
Thứ ba, là sử dụng năng lượng. KCN truyền thống thường phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gây ra các vấn đề về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Hiện tại phần lớn nguồn năng lượng trong KCN đến từ nguồn cung cấp của EVN, trong đó, nhiệt điện than, dầu chiếm 1 nửa nguồn cung cấp điện của EVN.
Trong khi đó, KCN bền vững ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công nghệ hiệu quả năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ: Sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế nhiệt lò hơi từ than đá bằng khí LNG là loại năng lượng hiệu suất cao hơn và ít ảnh hưởng đến môi trường hơn,…
Thứ tư, là quản lý chất thải. Với KCN truyền thống, xử lý chất thải theo cách phổ biến thông thường có thể gây hại cho môi trường. Điển hình nhất là phương pháp chôn lấp hoặc đốt cháy không kiểm soát. Thậm chí đường đi và phương pháp xử lý của các loại rác thải này ít được ghi nhận và báo cáo một các trung thực. KCN bền vững tập trung vào quản lý chất thải thông qua các phương pháp tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải từ nguồn gốc.
Thứ năm, là yếu tố xã hội. KCN bền vững đề cao yếu tố xã hội, tạo ra môi trường làm việc bền vững nơi bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động, thúc đẩy phúc lợi cá nhân, sự gắn kết và hòa nhập xã hội, đồng thời tạo ra cơ hội bình đẳng (bình đẳng giới, tuổi tác, tình trạng sức khỏe,…).
Có thể thấy, việc xây dựng KCN bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Cụ thể là: giảm tác động môi trường; tiết kiệm năng lượng và nguồn lực; tăng cường đổi mới và sự hợp tác; Nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu tại thời điểm hiện tại, đồng thời giảm các rủi ro và pháp lý có thể trong tương lai; Tạo ra môi trường làm việc tốt hơn trong KCN cũng như mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng”, bà Loan nhấn mạnh.
Cần tháo gỡ
Để đạt được yêu cầu của KCN bền vững, chúng ta cần có các cam kết mạnh mẽ hơn và có kế hoạch hành động để đẩy mạnh các cam kết này. Theo vị Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, khu công nghiệp đang hướng tới thực hiện việc thu thập dữ liệu, báo cáo và công bố thông tin.
Tuy nhiên trong đó còn có nhiều khó khăn, đầu tiên là một số vấn đề về nguồn vốn và tài chính. Các khu công nghiệp phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu.
Tiếp đó là đến từ năng lực cũng như các quy định pháp lý của nhà nước. Hiện nay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình.
“Trong Nghị định 35/2022 có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái, khi nói về việc KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn có đưa ra một chỉ tiêu cụ thể đó là phải có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn. Nhưng quy định này không cụ thể thế nào là “sạch hơn” hay như thế nào là “sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn”. Trong khi để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, thì bản thân KCN và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền. Trong khi đó, lại không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”, bà Loan nêu ví dụ.
Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả tài nguyên, cần tái sử dụng tài nguyên nhưng thực tế qua quá trình thu hút đầu tư, bản thân KCN gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế đến từ quy định pháp luật về việc KCN có được thu hút các ngành nghề đó không? Và nếu thu hút, thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống như báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc để phù hợp với việc thu hút những ngành nghề đó.
Đặc biệt từ góc nhìn từ phía cơ quan quản lý, họ có muốn thu hút các dự án tái chế hay không, hay tập trung thu hút những dự án mang lại hiệu suất cao hơn như dự án điện tử…
Bà Loan chia sẻ một ví dụ khác nữa là về nước thải. Hiện toàn bộ nước thải theo quy định đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi hiện nay, với hệ thống xử lý nước thải mới, với quyết tâm về việc giữ gìn môi trường, thì KCN đã xử lý nước thải cấp A, ít nhất có thể sử dụng vào việc tưới tiêu trong khu công nghiệp, nhưng vẫn rất khó khăn trong việc vận hành.
Đối với vấn đề về quy định liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện cộng sinh công nghiệp. Đứng ở góc độ là các doanh nghiệp trong khu khi có liên kết sản xuất, theo định nghĩa có rất nhiều loại cộng sinh, có thể là cộng sinh về dịch vụ, chia sẻ tiện ích, cơ sở hạ tầng KCN, hay tái sử sụng rác thải… Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để xử lý các chất thải, mà chỉ có một số doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận rác thải.
“Hiện nay, toàn bộ rác thải trong khu công nghiệp đều được đưa ra ngoài KCN để xử lý và có rất ít báo cáo cũng như các vấn đề theo dõi về việc xử lý rác thải như ra sao. Thông thường, việc dễ gây ô nhiễm môi trường đó là chôn lấp hay đốt rác thải, mà bản thân các doanh nghiệp thì ít theo dõi được các nguồn thông tin về rác thải là vấn đề rào cản rất lớn”, bà Loan phân tích.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn