Ông Trần Tiến Dũng – Uỷ viên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng đã nhấn mạnh tại diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Yêu cầu bắt buộc

Điểm lại tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, ông Trần Tiến Dũng cho biết: trong giai đoạn 2018 – 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu luôn duy trì ở mức trên 10%. Sang năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam giảm khá nhiều, khu vực doanh nghiệp FDI cũng giảm theo nhưng vẫn đóng góp hơn 70% giá trị xuất khẩu và 65% nhập khẩu cho nền kinh tế.

Đầu tư sớm phát triển bền vững tạo lợi thế hút khách hàng phân khúc cao

Ông Trần Tiến Dũng

Nhấn mạnh các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều vào các khu công nghiệp, ông Trần Tiến Dũng cho rằng, các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong thu hút FDI. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu nhưng cơ hội này lại không chia đều cho các quốc gia. Nhìn nhận thẳng thắn, chúng ta chậm bước hơn so với nhiều quốc gia dù không có lợi thế về vị trí địa lý như Việt Nam nhưng họ đi nhanh hơn nhờ sớm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Với ý nghĩa như vậy, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng nêu rõ: phát triển bền vững không phải là lựa chọn mà bắt buộc phải thực hiện. Tại hội nghị COP26, Chính phủ cam kết thực hiện NetZero vào năm 2050 nhưng các khách hàng cao cấp đến từ Mỹ, châu Âu đã cam kết Net Zero sớm hơn vào năm 2030. Do đó, trên thực tế chỉ còn hơn 5 năm để các doanh nghiệp thực hiện và hành động.

Từ lĩnh vực hoạt động của mình, ông Trần Tiến Dũng thông tin, doanh nghiệp logistic có sự phân hoá về khách hàng, trong đó các khách hàng đến từ châu Âu, Mỹ sẵn sàng trả phí cao hơn nếu các đơn vị cung cấp dịch vụ giảm phát thải, tuân thủ tốt ESG. Vì vậy, từ thời điểm này chúng ta phải phát triển bền vững để vừa cạnh tranh với các nước trong thu hút FDI vừa cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước. Doanh nghiệp nào đi sớm, đi nhanh trong phát triển bền vững, thực hành ESG sẽ có nhiều cơ hội hơn để thu hút khách hàng phân khúc cao hơn.

Thông tin thêm về các hoạt động chuyển đổi xanh trong ngành logistic, ông Trần Tiến Dũng cho biết: năm 2023 đã hình thành các tuyến vận tải xanh được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng, người tiêu dùng và các đơn vị vận chuyển. Đó là hành lang vận chuyển xanh từ Los Angeles (Mỹ) đến Thượng Hải (Trung Quốc) và từ phía Nam Trung Quốc đến Los Angeles (Mỹ)… Dự kiến, trong năm 2024 – 2025 sẽ hình thành các tuyến vận tải bằng tàu LNG và methanol chạy từ Paris (Pháp) đến Bắc Âu. Nhiều quốc gia đã rất nhanh chóng ứng xử và hành động với chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Khơi luồng logistic xanh

Từ thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể. Với các cơ quan quản lý cần có quy chế, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững một cách minh bạch, rõ ràng, chi tiết. Về phía doanh nghiệp cần xác định phát triển bền vững cho tương lai phát triển lâu dài nên không thể không làm dù đầu tư ban đầu cho chuyển đổi xanh cần nguồn lực tài chính.

Đầu tư sớm phát triển bền vững tạo lợi thế hút khách hàng phân khúc cao

Khu công nghiệp sinh thái đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư

Từ góc độ của doanh nghiệp kinh doanh logistic, ông Trần Tiến Dũng đề cập thực tế: ở khu vực phía Nam, cơ bản đã tận dụng tốt tài nguyên thiên nhiên, cơ sở đường sông để nâng cao tỷ trọng vận tải đường thuỷ nội địa nhằm tiết giảm chi phí vận tải, chi phí logistic cho cộng đồng, gián tiếp góp phần giảm khí thải. Tuy nhiên, ở khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung phụ thuộc nhiều vào đường bộ tạo áp lực lớn về giảm khí thải, đầu tư hạ tầng đường giao thông, nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhân lực vận chuyển…

Thời gian gần đây, dịch chuyển đầu tư nước ngoài ra khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ diễn ra rất nhanh. Lượng hàng thông quan ở khu vực phía Bắc qua cảng Hải Phòng dự kiến đến năm 2030 gần bằng mức ở khu vực Nam Bộ. Số lượng phương tiện vận chuyển đường bộ hiện tại khoảng 15.000 đầu kéo (của Hải Phòng) và hơn 1.000 của các tỉnh lân cận. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá dự kiến đến năm 2030 cần số lượng phương tiện gấp đôi, từ đó có thể tạo áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ là rất lớn.

Trong khi đó, hệ thống sông ở khu vực phía Bắc khá thuận lợi cho phát triển vận tải đường thuỷ nội địa. Ông Nguyễn Tiến Dũng kiến nghị các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp quan tâm dành nguồn quỹ đất ở những vị trí có thể phát triển bến cảng thuỷ nội địa. Hiệp hội sẵn lòng song hành hợp tác đầu tư, , nâng cao tỷ lệ hiện có là 2%, góp phần giảm phát thải, cùng nhau đóng góp vào mục tiêu chung của nền kinh tế và đất nước.