Sunday, November 24, 2024

Ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

Tháng 4 – 8 là thời điểm thường gia tăng các vụ ngộ độc. Cục An toàn thực phẩm đề nghị tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến, dịch vụ nấu ăn trên cả nước.

Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian từ tháng 4 – 8, thời điểm thường gia tăng các vụ ngộ độc; đặc biệt các ngộ độc do nấm độc vào mùa xuân – hè, ngộ độc do các loại động thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh thành khu vực miền núi phía bắc và khu vực Tây nguyên); chú ý ngộ độc do các loại thủy hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ (nhất là các tỉnh thành ven biển).
Ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn

Cục ATTP cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm…

Cục cũng đề nghị cơ quan chức năng triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên… làm thực phẩm; kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở nấu rượu thủ công, ngăn chặn kịp thời việc lưu thông trên thị trường các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.

Theo đánh giá của Cục ATTP, thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ làm nhiều người ngộ độc và phải nhập viện điều trị.

Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao…

Bình Dương: 49 người nhập viện nghi ngộ độc sau ăn bánh mì, bánh bao ở lễ hội

3 lưu ý

1. Người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

2. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

3. Không tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.

(Nguồn: Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img