Việt Nam kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan vào đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, bán dẫn và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam – Đài Loan 2024, chiều 8/4.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam – Đài Loan đã phát triển tích cực và ngày càng sâu rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực. Các nhà đầu tư Đài Loan đã đến Việt Nam từ rất sớm trong những ngày đầu “mở cửa” đầy khó khăn.
Hai bên cũng đã cùng nhau vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt trong và sau giai đoạn Covid-19 để duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động và quan tâm công tác an sinh xã hội.
“Đến nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới. Trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan đạt 2,2 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với 2022”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Tính lũy kế, Đài Loan hiện đứng thứ 4/145 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI tại Việt Nam với gần 3.200 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 39,5 tỷ USD. Ngoài ra, Đài Loan cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.
Vẫn theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2023 đã đạt được những mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đơn cử, hậu quả từ đại dịch Covid-19 kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga – Ukraine và tại dải Gaza diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm, lạm phát neo ở mức cao, nhiều đồng tiền mất giá, nợ công toàn cầu tăng mạnh.
Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. An ninh năng lượng, lương thực, mạng nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng…
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 683 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nma tiếp tục được đẩy mạnh, tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thời gian tới Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Hoàn thiện thể chế, pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất trong lĩnh vực công nghệ cao, AI và bán dẫn.
Đánh giá Đài Loan là một nền kinh tế lớn, với trình độ công nghệ, kỹ thuật cao, đến nay hầu hết các doanh nghiệp lớn của Đài Loan đều đã có hiện diện, đầu tư tại Việt Nam. Để thúc đẩy hợp tác đầu tư của Đài Loan thời gian tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề xuất với Tổng Hiệp hội và các doanh nghiệp Đài Loan một số nội dung.
Thứ nhất, Việt Nam kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan vào đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, bán dẫn và đổi mới sáng tạo…
“Đây cũng chính là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Đài Loan có thế mạnh, đồng thời phù hợp với chủ trương, định hướng thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Thứ hai, đề nghị doanh nghiệp Đài Loan tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường hỗ trợ đào tạo lao động tay nghề cao, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất.
Thứ ba, rà soát để phát triển chuỗi cung ứng, theo đó các doanh nghiệp Đài Loan quan tâm mở rộng, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện để hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, khi đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Đài Loan, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, cần tiếp tục quan tâm đến đời sống người lao động và công tác an sinh xã hội.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn