Tuesday, April 30, 2024

Cựu vụ trưởng ‘biết sai nhưng vẫn làm’ vì sợ ông Trịnh Văn Quyết

Thấy cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết ‘có nhiều quan hệ’, lại lo sợ ảnh hưởng đến công việc, cựu vụ trưởng thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước dù ‘biết sai nhưng vẫn làm’.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 50 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt Tập đoàn FLC), Công ty CP xây dựng Faros (gọi tắt là Công ty Faros) và một số đơn vị liên quan.

Trong số này, ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, và em gái là Trịnh Thị Minh Huế, cựu Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC, cùng bị truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

cuu-vu-truong-biet-sai-nhung-van-lam-vi-so-ong-trinh-van-quyet

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Phi vụ nâng khống vốn lên gần 3.000 lần

Cáo trạng xác định, Công ty Faros vốn là đơn vị phụ trách tổng thầu các dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của ông Trịnh Văn Quyết. Quá trình hoạt động, Faros không có nguồn vốn và tài sản bảo đảm, nhưng vì muốn tạo nguồn tiền, ông Quyết chỉ đạo các thành viên trong tập đoàn thực hiện chiêu trò nâng khống vốn điều lệ công ty này.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC giao em gái là Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo biên bản và nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn, chuyển các thành viên HĐQT Công ty Faros – là người thân tín của ông Quyết ký hợp thức. Các bị can sau đó ký khống các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác đầu tư… hòng tạo dựng dòng tiền cho doanh nghiệp.

Với chuỗi thủ đoạn đã nêu, từ tháng 4.2014 – tháng 3.2016, Công ty Faros trải qua 5 lần nâng vốn điều lệ, ban đầu vỏn vẹn 1,5 tỉ đồng rồi tăng “thần tốc” lên 4.300 tỉ đồng. Trong số này, viện kiểm sát xác định các cổ đông chỉ thực góp hơn 1.197 tỉ đồng, hơn 3.100 tỉ đồng còn lại là nâng khống.

Tiếp đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lập hồ sơ, đề nghị cơ quan quản lý về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros, tương ứng 4.300 tỉ đồng vốn điều lệ, tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Sau khi cổ phiếu ROS lên sàn và tăng giá, ông Quyết chỉ đạo “xả bán” hơn 391 triệu cổ phiếu cho 30.403 nhà đầu tư, thu về hơn 4.800 tỉ đồng. Trừ đi số vốn thực góp của Công ty Faros, ông Quyết và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.

Cựu vụ trưởng

Ông Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán nhà nước)

Biết sai, nhưng vì sợ ảnh hưởng công việc nên vẫn làm

Hành vi phạm tội của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, đặc biệt là phi vụ nâng khống vốn Công ty Faros rồi chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư, có thể thực hiện trót lọt là nhờ sự “tiếp tay” của hàng loạt lãnh đạo, cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, HOSE và đơn vị kiểm toán.

Riêng tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước, 3 bị can cùng bị truy tố tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Cáo trạng xác định hồ sơ đăng ký của Công ty Faros về bản chất là không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp, các báo cáo kiểm toán cũng không đúng pháp luật. Lẽ ra, kiểm toán viên phải bị đình chỉ.

Tuy nhiên, ông Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, không những không làm việc này mà còn ký văn bản về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đối với Công ty Faros, đồng thời đăng thông tin sai lệch lên website của Ủy ban Chứng khoán nhà nước để công bố cho toàn thị trường chứng khoán biết.

Khai với cơ quan điều tra, ông Điền nhận thức được sai phạm trong hồ sơ của Công ty Faros và các báo cáo kiểm toán tài chính, nhưng do Faros là công ty lớn, ông Trịnh Văn Quyết “có nhiều mối quan hệ”, đồng thời sở hữu một công ty chuyên tư vấn pháp luật.

Khi thẩm định hồ sơ của Công ty Faros, ông Điền từng yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng về việc góp vốn nhưng 2 lần bị công ty khiếu nại vì cho rằng vượt thẩm quyền, gây khó khăn.

Do lo sợ ảnh hưởng đến công việc của bản thân, ông Điền biết sai nhưng vẫn làm tờ trình để đề nghị chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng.

Một “cánh cửa” khác hé mở để cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cùng đồng phạm hoàn tất phi vụ lừa đảo, là HOSE, với 4 cựu lãnh đạo cùng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó, cựu Chủ tịch HĐQT HOSE Trần Đắc Sinh biết rõ báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Faros không phù hợp, không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp, nhưng vì có mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết nên đã nhiều lần chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros. Cựu Tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà thì gây sức ép với chuyên viên, ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu ROS…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img