Việc sử dụng hàng loạt những quả bom lượn “phóng và quên” đang giúp Nga tiến công và gây ra những mối đe dọa ngày càng lớn với lực lượng Ukraine trên tiền tuyến.
Đã có nhiều bài viết nói về việc Nga sử dụng “bom lượn” ở Ukraine. Đây là vũ khí cho phép bên tấn công ném bom đối phương trong khi vẫn nằm ngoài tầm hoạt động của các hệ thống phòng thủ. Sau khi Thế chiến II cho thấy vai trò quyết định của không lực cũng như việc làm giảm thương vong cho lực lượng tấn công đã dẫn đến nhu cầu với các loại đạn dược có thể nhắm vào mục tiêu từ máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm hoặc các bệ phóng trên mặt đất cách xa chiến trường.
Về cơ bản, bom lượn là những quả bom tiêu chuẩn được điều chỉnh bằng cách thêm cánh giữ ổn định và các thiết bị dẫn đường để có thể loại bỏ các mục tiêu được chỉ định.
Khả năng tấn công từ xa
Vào tháng 3/2023, chiến đấu cơ Su-35 của Nga đã được trang bị để phóng bom lượn FAB-500M-62 với bộ cánh mở rộng tầm hoạt động lên 70km. Điều này cho phép các máy bay chiến đấu của Moscow nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine trong khi hạn chế tối đa rủi ro từ các hệ thống phòng không của Ukraine bằng cách tiến hành các cuộc tấn công dồn dập.
Hệ thống phòng không tốt nhất của Ukraine với tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất có tầm hoạt động lên tới 145km và có thể phá hủy chiến đấu cơ của Nga trước khi chúng thả bom. Tháng 2/2024, phòng không Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 13 chiến đấu cơ Nga trong nhiều ngày. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Ukraine phải triển khai tổ hợp Patriot đủ gần để tấn công mục tiêu. Kết quả là tên lửa Iskander của Nga đã phá hủy ít nhất 2 bệ phóng Patriot quý giá của Ukraine, do đó Kiev phải rút các hệ thống phòng không của mình ra xa tiền tuyến.
Alexander Kovalenko, một nhà phân tích quân sự Ukraine cho biết, bom lượn cho phép Nga “không cần tiến vào khu vực của các hệ thống phòng không của chúng tôi mà vẫn có khả năng tấn công các lực lượng và các thành phố”. Trên thực tế, Nga đã sử dụng khoảng 3.500 quả bom lượn dẫn đường trong năm nay, tăng 1.600% so với năm 2023.
Các vũ khí của Nga, trong đó có bom lượn FAB-1500 được điều chỉnh đang gây ra tổn thất nghiêm trọng cho Kharkiv – thành phố lớn thứ hai Ukraine cũng như các thị trấn tiền tuyến như Sumy – nơi bị tấn công dữ dội trong những tuần gần đây. FAB-1500 là bom lượn lớn nhất được Nga triển khai hiện nay ở Ukraine.
Việc sử dụng hàng loạt những quả bom lượn “phóng và quên” đang giúp Nga tiến công và trở thành mối đe dọa trung tâm với Ukraine trên tiền tuyến.
Theo một báo cáo của chính phủ Ukraine, các vũ khí được phóng từ chiến đấu cơ này “đóng vai trò quan trọng trong việc phá hủy Avdiivka ở phía Đông cũng như việc Nga kiểm soát được thành phố”. Các nhà phân tích Ukraine cho biết, Nga sử dụng bom lượn để “nhắm vào các mục tiêu trên tiền tuyến, hạn chế tối đa khả năng các chiến đấu cơ bị phòng không Ukraine tấn công. Chỉ trong 1 tuần, từ 26/2 – 3/3, Nga đã sử dụng hơn 500 quả bom lượn”.
Lực lượng Không quân Nga dường như đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến trường theo hướng có lợi cho Moscow trong những tháng gần đây giữa bối cảnh Ukraine đang thiếu hệ thống phòng không.
Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cảnh báo: “Nga đang sử dụng bom lượn và đạn tấn công trực tiếp với số lượng lớn để áp đảo hệ thống phòng không Ukraine”.
Dĩ nhiên, Ukraine cũng sử dụng bom lượn, chẳng hạn như bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) nhưng việc cung cấp chúng hiện đang bị hạn chế. John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Nga cho rằng FAB không bằng JDAM nhưng chúng rẻ hơn và có số lượng lớn hơn nhiều.
Justin Bronk, học giả cấp cao tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tin rằng: “Nga hiện có khả năng sản xuất các bộ kit bom lượn cho dòng bom FAB lớn hơn khả năng Ukraine tái trang bị các hệ thống tên lửa đất đối không, do đó việc bắn hạ trực tiếp chúng không phải là một chiến lược lâu dài”.
Ukraine tìm kiếm các hệ thống phòng không tầm xa
Chiến lược hiện tại của Nga đồng nghĩa với việc Kiev cần đảm bảo các hệ thống phòng không tầm xa hơn. Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định công khai rằng, nếu Nga tiếp tục tấn công Ukraine “mỗi ngày theo cách họ làm vào tháng trước, chúng tôi có lẽ sẽ cạn kiệt tên lửa và các đối tác của chúng tôi biết điều đó”. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm tên lửa Patriot.
Trong năm qua, Moscow chuyển sang tăng cường sử dụng bom lượn. Những vũ khí này cho phép họ dự trữ kho tên lửa phóng từ trên không và giảm thiểu tối đa việc sử dụng bom sắt rơi tự do có thể khiến các phi công gặp rủi ro.
Một bài báo gần đây từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế kết luận: Kiev bị đe dọa khi mà cuộc xung đột tiêu hao trên không ngày càng có lợi cho Nga giữa bối cảnh Ukraine không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Mỹ và đồng minh.
George Barros, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh đánh giá: “Khi phòng không Ukraine bị hạn chế, Nga đã điều các chiến đấu cơ tiến hành các cuộc tấn công bằng bom lượn. Nếu Ukraine có hệ thống phòng không tốt hơn, họ có lẽ có thể ngăn cản việc đối phương sử dụng bom lượn bằng cách buộc các chiến đấu cơ phải ở xa tiền tuyến”.
Nguồn: vov.vn