Tuesday, April 30, 2024

Bức tranh lưu giữ tình bạn Việt – Nhật và chuyến trở về đất mẹ: Lóe lên tia hy vọng, nhưng…

Tháng 3.2022, cô Naruse nhờ người bạn là anh Nobuyuki Konishi tìm giúp thông tin về họa sĩ Nguyễn Văn Minh và người thân của ông. Anh Konishi bèn liên lạc với bạn người Việt của mình là TS Phan Lê Bình, đang làm việc cho tổ chức hợp tác quốc tế JICA, cơ quan đại diện tại Hà Nội.

 

Khi được anh Konishi nhờ cậy, anh Bình cảm thấy như mò kim đáy bể vì họa sĩ Minh không du học ở Nhật (theo trường lớp), chuyện lại quá lâu rồi và ở Sendai cách xa Tokyo. Dù có mạng lưới bạn bè du học ở Nhật rộng và đông (anh Bình thuộc một trong những khóa đầu tiên du học tại Nhật sau 1975, từ năm 1993), nhưng hỏi nhiều người đều không biết. Đọc báo thì biết gia đình họa sĩ Minh ở Mỹ. Hỏi bạn bè đang sống ở Mỹ để nhờ tìm nhưng không có câu trả lời khả quan. Tiếp tục hỏi anh bạn là du học sinh đã học ở Nhật trước năm 1975, anh này hỏi đàn anh lớp trên đã từng học tại Nhật rồi sau đó qua Mỹ định cư. Một anh trong số này qua các mối quen biết tại Mỹ mới tìm ra được gia đình các con của họa sĩ Minh.

Bức tranh lưu giữ tình bạn Việt - Nhật và chuyến trở về đất mẹ: Lóe lên tia hy vọng, nhưng…

Đóng gói tranh ở Sendai chuẩn bị đưa về Tokyo

ảnh: Tư liệu của gia đình cô Naruse Asuna

Từ sự cố gắng của anh Konishi, đến anh Bình, cô Naruse Asuna thật sự rất cảm động trước kỳ tích kết nối nhờ vòng tay mọi người và bắt đầu có hy vọng là bức tranh này có thể sẽ đến được đúng chỗ của nó. Sau đó, cô liên lạc được với thân nhân của họa sĩ Minh. Nhưng gia đình của họa sĩ đã từ chối nhận bức tranh, nên mọi việc lại trở lại vạch xuất phát.

Từ một bài viết

Cách nay hơn mười năm, tôi – Phạm Công Luận – bắt đầu tìm hiểu về bức sơn mài Bình Ngô đại cáo của họa sĩ Nguyễn Văn Minh đặt tại dinh Độc Lập. Với sự giúp đỡ của họa sĩ Phi Mai đang sống ở Mỹ là học trò của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, tôi viết bài “Tác giả bức tranh Bình Ngô đại cáo” về câu chuyện thực hiện bức tranh năm 1966 lúc ông đang là Giám đốc Công ty mỹ nghệ Mê Linh và về hoạt động nghệ thuật sau này. Bài viết đưa vào tập 1 bộ sách Sài Gòn chuyện đời của phố xuất bản năm 2014. Đến năm 2019, tạp chí Mỹ thuật xin đăng lại bài này trong số ra ngày 19.4.2019 với tựa đề “Họa sĩ Nguyễn Văn Minh và bức Bình Ngô đại cáo”.

Bức tranh lưu giữ tình bạn Việt - Nhật và chuyến trở về đất mẹ: Lóe lên tia hy vọng, nhưng…

Cô Naruse Asuna bên bức tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Minh

 

Câu chuyện về bức tranh tưởng chừng là một kỷ niệm trong hành trình viết lách. Không ngờ nó lại là cầu nối cho một cuộc gặp gỡ đẹp, tái hiện tình bạn sâu đậm giữa hai họa sĩ Việt – Nhật cách nay 63 năm.

Tháng 4.2023, tạp chí Mỹ thuật nhận được email của anh Konishi Nobuyuki từ Nhật Bản. Anh thuật lại việc cô Naruse Asuna nhờ cậy, việc người bạn là anh Phan Lê Bình tìm ra bài viết “Họa sĩ Nguyễn Văn Minh và bức Bình Ngô đại cáo” đăng trên tạp chí Mỹ thuật. Mục đích của anh là muốn liên lạc với tác giả bài viết. Hiện tại cô cháu gái của họa sĩ Naruse Tadayuki đang giữ bức tranh do ông Minh vẽ và tặng lại trong thời gian lưu trú ở thành phố Sendai. Ngoài bức tranh, còn có một số bản phác thảo và vài món đồ khác. Gia đình cô Naruse trân trọng tình bạn ngày xưa giữa hai họa sĩ nên muốn tìm một tổ chức hoặc cá nhân có thiện chí và xứng đáng nhận lại các tác phẩm và tư trang này của ông Nguyễn Văn Minh để bảo quản.

Qua tạp chí Mỹ thuật, tôi bắt đầu trao đổi qua email với anh Phan Lê Bình. Anh Bình cho biết gia đình cô Naruse đã liên lạc được với gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Minh ở Mỹ nhưng gia đình chỉ nhận vài món kỷ vật của ông Minh nên cô Naruse tiếp tục tìm nơi tiếp nhận bức tranh sơn dầu còn lại.

Bức tranh lưu giữ tình bạn Việt - Nhật và chuyến trở về đất mẹ: Lóe lên tia hy vọng, nhưng…

Cùng xem các cuốn sổ kỷ niệm tình bạn giữa hai họa sĩ do ông Naruse Tadayuki thực hiện và lưu giữ

 

Sau khi cân nhắc, tôi đề nghị nơi gửi gắm bức tranh nên là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tại quê hương của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, nơi ông hoạt động nghệ thuật trước khi ra nước ngoài. Được sự đồng ý của gia đình Naruse, tôi trao đổi trước với ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật. Sau đó, đã diễn ra buổi gặp giữa ông Trần Thanh Bình và anh Phan Lê Bình đại diện cho gia đình cô Naruse. Tiếp theo, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sau khi đánh giá về tác phẩm này, ngày 2.11.2023 đã gửi thư cho anh Phan Lê Bình thông báo đồng ý tiếp nhận bức tranh. Anh Bình và tôi rất vui vì công việc sắp hoàn thành. Cô Naruse sau khi biết tin đã viết: “Từ bài báo tiếng Việt liên quan đến họa sĩ Minh do anh Bình tìm thấy, rồi kết nối được với anh Luận, tôi lại thấy tim đập dồn vì lại lóe lên một tia hy vọng. Nhờ những người giúp đỡ, tôi đã không từ bỏ, và nhờ vào “sự kết nối của những vòng tay”, ngày nay tôi đã có thể trao tặng được bức tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tôi cảm nhận rằng đây là điểm đến, là số phận của bức tranh này. Vòng tay kết nối của nhiều người, đã giúp kết nối qua nhiều quốc gia, để rồi đi đến kết quả hôm nay. Đến được kết quả này, tôi xúc động đến không nói nên lời. Tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của mọi người để đạt được kết quả hôm nay”.

Để đưa bức tranh về Tokyo, cô Naruse đi tàu cao tốc về thành phố Sendai để đóng gói và vận chuyển về. Buổi tối ngày 22.3, vợ chồng ông Naruse Tadahiro là con trai họa sĩ Naruse, cô cháu Naruse Asuna, anh Konishi Nobuyuki đã lên máy bay từ phi trường Haneda để bay sang TP.HCM. Trong ngăn hành lý là bức tranh lớn của họa sĩ Nguyễn Văn Minh được đóng gói cẩn thận. Toàn bộ chi phí chuyến đi do gia đình Naruse, anh Konishi tự trang trải. Tất cả chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sáng hôm sau tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. (còn tiếp) 

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img