Các yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn rất lớn nhưng vẫn còn tồn tại khó khăn và rủi ro trong nội tại.
Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” vào chiều nay (12/4).
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, dựa vào các số liệu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với những năm gần đây.
Theo ông Tú Anh, có hai yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tổng cung và tổng cầu. Xét về tổng cầu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu bắt đầu có tăng trưởng dương (hàng tháng so với cùng kỳ) bắt đầu từ tháng 9/2023.
Trong 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đã tăng 17% so với cùng kỳ được hỗ trợ bởi chính mặt hàng công nghiệp. Trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng hơn 26,2% vượt xa tốc độ tăng của doanh nghiệp FDI là 13,9%. Đà xuất siêu vẫn được tiếp tục, quý I xuất siêu hơn 8 tỷ USD. Dự kiến năm 2024 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 11%-12%.
Xuất khẩu thuận lợi, xuất siêu duy trì đà tăng mạnh từ năm 2023 tạo điều kiện thuận lợi cho ổn định tỷ giá, điều hành lãi suất, sản xuất công nghiệp, và kỳ vọng của nền kinh tế.
Một yếu tố đáng chú ý khác là giải ngân vốn đầu tư FDI cũng có xu hướng tăng. Theo ông Tú Anh, giải ngân đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm nhưng bắt đầu tăng nhanh trong 6 tháng cuối năm và cả năm đã tăng 3,5% so với năm 2022. 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD tăng 7,1% mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Đây sẽ là một cú huých quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Đầu tư công cũng là yếu tố đáng chú ý. Năm 2023 đầu tư công đã có đà tăng trưởng tốt hơn 19,7% tạo ra cú huých lớn cho tăng trưởng và 3 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy đà tăng trưởng trên 22%. Ông Tú Anh đánh giá, năm 2024 được kỳ vọng là năm tăng tốc giải ngân đầu tư công.
Chỉ số PMI có giảm nhẹ 49,9 điểm vào tháng 3 sau khi vượt ngưỡng 50 trong tháng 1 và tháng 2, ghi nhận số lượng đơn đặt hàng giảm Tuy nhiên, mức giảm của sản lượng là nhỏ, và chỉ giới hạn trong các công ty sản xuất hàng hóa trung gian, trong khi các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản vẫn ghi nhận tăng trưởng
Ông Tú Anh đánh giá, bối cảnh bên ngoài có 1 số yếu tố thuận lợi để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của Quý I/2024. Lãi suất điều hành của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) sẽ không tăng và có nhiều khả năng giảm trong năm 2024. Hiện nay NHTW Thụy Sĩ đã giảm 0,25 điểm % ls điều hành. Các NHTW khác như ECB, Fed, BOJ, PBoC (TQ), BOE (Anh) vẫn giữ nguyên lãi suất nhưng phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất. Áp lực dòng tiền và lãi suất trong nước giảm hơn.
Giá hàng hóa cơ bản năm 2024 được dự báo giảm 3,3%, giá năng lượng giảm 3,8% so với năm 2023. Giá dầu Brent trung bình năm 2024 dự kiến chỉ đạt khoảng 81USD/thùng giảm 2,1 USD/thùng so với năm 2023. Mức giá các hàng đầu vào sẽ có xu hướng giảm sút hơn so với trước đại dịch COVID-19. Sự sút giảm giá đầu vào trên thị trường quốc tế là yếu tố thuận lợi cho những nước đầu vào quá trình sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nhu Việt Nam.
Mặc dù lạm phát không giảm nhanh như kỳ vọng nhưng vẫn đang cho thấy có xu hướng giảm. Điều này cũng góp phần giảm áp lực lên chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.
Đồng thời, một yếu tố quan trọng khác là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR đạt 8% từ năm 2018 đến năm 2022 (các ngành dệt may, điện tử tiêu dùng và xe điện,…).
Cùng với đó, dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc cũng tăng. Kể từ tháng 4/2022 dòng vốn ròng liên tục chảy ra khỏi Trung Quốc lũy kế đến tháng 12/2024 thì tổng dòng vốn ròng chảy ra khỏi Trung Quốc đã đạt 1697,2 tỷ USD. Ông Tú Anh cho rằng, Việt Nam tận dụng được xu hướng này để
Tuy nhiên, ông Tú Anh cho rằng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi vẫn còn tồn tại những điểm khó khăn. Cụ thể, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp khó do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc. Vị chuyên gia lưu ý, cả hai yếu tố này sẽ tác động đến khả năng cung ứng của nền kinh tế và cần tập trung để khơi thông trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, ông Tú Anh đánh giá, Việt Nam cần lưu ý đến một số yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, các rủi ro địa chính trị như bùng nổ căng thẳng tại Trung Đông sẽ làm giá dầu, việc đóng cửa biển Đỏ do chiến sự sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chiến sự Nga –Ukraine có thể lan rộng ngoài tầm kiểm soát sẽ dẫn đến tổn hại đến dòng chảy thương mại.
Mặt khác, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đang ngày càng sâu sắc làm ảnh hưởng tiêu cực đến các dòng vốn và thương mại. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được khơi thông, gần 300 nghìn tỷ đến hạn trong năm 2024 có thể tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản không được khơi thông sẽ trở thành điểm nghẽn lớn.
Hiện yếu tố thuận lợi còn rất lớn nhưng vẫn còn khó khăn trong nội tại và rủi ro. Tuy nhiên, ông Tú Anh cho biết, nếu các yếu tố thuận lợi được tận dụng tối đa, hạn chế khó khăn và các rủi ro được nhận kiểm soát chặt chẽ, cùng với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% có thể đạt được.
Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn:
– Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank)
– Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
– Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam – Công cy Cổ phần (PV Power)
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn