Saturday, May 4, 2024

Nhà đấu giá nghệ thuật Millon đến Việt Nam

Nhà đấu giá nghệ thuật Millon mở văn phòng tại Việt Nam sau khi bán ấn Hoàng đế chi bảo.

 

Phiên đấu duplex

Ngày 20.4, nhà đấu giá Millon sẽ có phiên đấu giá đặc biệt mang tên Nghệ thuật Việt Nam. Theo đó, phiên đấu giá này sẽ phối hợp hình thức trực tuyến “duplex” song song cùng lúc hai đầu VN và Pháp. Việc thực hiện phiên đấu giá này dựa trên thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa nhà đấu giá Millon Pháp và Công ty Blue Indochine (sau này sẽ trở thành Millon Vietnam). Bên cạnh đó, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt sẽ tư vấn, cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản và tất cả những vấn đề pháp lý cho hoạt động đấu giá của Millon Vietnam.

Nhà đấu giá nghệ thuật Millon đến Việt Nam

Ông Alexandre Millon, Chủ tịch Nhà đấu giá Millon, cho biết 80% người mua tác phẩm nghệ thuật VN tại nhà đấu giá này là người Việt

Trinh Nguyễn

Ông Alexandre Millon, Chủ tịch Nhà đấu giá Millon, nói: “Ngày 20.4 sẽ có một buổi đấu giá, cũng là lần đầu tiên có buổi đấu giá duplex vừa diễn ra ở Pháp lẫn VN. Có nghĩa là chúng tôi sẽ có những lô hàng giá trị ở Pháp và ở VN. Phiên đấu giá sẽ diễn ra đồng thời tại hai địa điểm, văn phòng đại diện của chúng tôi ở VN. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà đấu giá nghệ thuật châu Âu được mở văn phòng tại VN”.

Ông Alexandre Millon cũng chia sẻ giữa VN và Pháp có quan hệ lịch sử sâu sắc và thị trường nghệ thuật góp phần bộc lộ mối quan hệ lịch sử này. “Trong mối quan hệ này, đấu giá là cầu nối giao lưu tuyệt vời, để công chúng biết đến các tác phẩm nghệ thuật VN. Chúng có thể đang được lưu giữ ở Pháp, cũng có thể ở VN. Qua phiên đấu cũng có thể giới thiệu nữ trang, tác phẩm thiết kế của châu Âu, giúp làm phong phú thêm mối quan hệ. Đấu giá mang lại mức giá tốt nhất cho người bán lẫn người mua và các tác phẩm trong lần đấu giá này là một kho báu, chúng ta có nhiều tác phẩm của họa sĩ tên tuổi được trưng bày”, ông nói.

Theo ông Alexandre Millon, phiên đấu giá Nghệ thuật Việt Nam sẽ được thực hiện nghiêm ngặt theo luật về quản lý đấu giá công khai ở Pháp, nhưng với một đối tác VN, có tư cách pháp nhân tại VN. “Mục đích là nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa Pháp và VN, cũng như thúc đẩy thị trường nghệ thuật VN, vốn là một phần của mối quan hệ hợp tác này. Ví dụ chúng tôi sẽ có thể tiếp các nhà sưu tập VN tại Hà Nội và cung cấp cho họ tất cả sự đảm bảo và thông tin họ cần, đồng thời giới thiệu các tác phẩm ở Pháp”, ông nói.

Chờ sửa luật Đấu giá tài sản

Như vậy có thể thấy, dù có một “đầu cầu” đấu giá tại VN, phiên đấu giá này hoàn toàn được thực hiện theo luật về đấu giá của Pháp. Đấu giá viên Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, cho biết: “Hiện tại phiên duplex mà Millon về mở này như một đầu cầu trực tuyến thôi. Chúng ta có đấu giá viên ở Pháp điều hành và chúng ta đang ở trên môi trường mạng, theo khung giờ Pháp. Hoàn toàn là một phiên đấu giá do người Pháp thực hiện. Thay vì người VN phải sang Pháp để dự thì ngồi đây trực tuyến thôi”.

Nhà đấu giá nghệ thuật Millon đến Việt Nam

Một tác phẩm được cho là của danh họa Vũ Cao Đàm sẽ được đấu giá trong phiên duplex ngày 20.4

 

Cũng theo bà Hạnh: “Sắp tới, VN cũng đang có sửa đổi về luật Đấu giá tài sản. Hiện tại bên chúng tôi mới chỉ tham dự như một đầu cầu để kêu gọi khách hàng tham gia đấu giá với bên Pháp thôi. Sau này luật VN sửa đổi cho phép các nhà đấu giá VN tham gia đấu giá nghệ thuật với các nhà đấu giá quốc tế thì lúc đó chúng tôi mới chính thức hợp tác và dẫn phiên ở đây được. Còn hiện tại chúng tôi chưa thể làm như thế được. Chúng ta hiểu là chúng ta đang làm theo luật của Pháp. Bên Millon khi đấu giá xong các tác phẩm, người mua cũng phải trải qua các thủ tục nộp thuế ở bên đó, khi đưa về VN cũng phải làm thủ tục xuất nhập khẩu theo đúng quy định”.

Cho dù pháp luật VN hiện tại chưa cho phép có một buổi đấu giá của Millon tổ chức hoàn toàn tại VN, nhà đấu giá này vẫn đánh giá cao thị trường VN. Cá nhân ông Alexandre Millon đã có trải nghiệm thú vị về thị trường này khi bán đấu giá tranh của vua Hàm Nghi hồi 2010. “Tất nhiên tôi nhớ mình đã ngạc nhiên một cách thú vị trước giá rất tốt cho tác phẩm này ở Pháp vào thời điểm đó. Kể từ đó tôi đặc biệt quan tâm đến hội họa VN và nghệ thuật VN nói chung, nhận thức được rằng một phần lịch sử của hai nước chúng ta (Pháp và VN) gắn liền với nhau và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đã diễn ra không ngừng”, ông nói.

Ông Alexandre Millon cũng cho biết trong gần 7 năm qua, Millon đã tổ chức đấu giá dành riêng cho nghệ thuật VN tại Paris. “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy khoảng 80% người mua là nhà sưu tập VN, trong khi hầu hết người bán là người châu Âu. Hầu hết các đồ vật và tác phẩm nghệ thuật đã lưu hành trước đây đều quay trở lại làm phong phú thêm các bộ sưu tập của VN, đặc biệt nhờ các cuộc đấu giá công khai”, ông nói. Bên cạnh đó, những phiên đấu giá với thông tin công khai còn có thể cho phép hồi hương những báu vật của VN như trường hợp chiếc ấn Hoàng đế chi bảo vừa rồi.

Hầu hết các đồ vật và tác phẩm nghệ thuật đã lưu hành trước đây đều quay trở lại làm phong phú thêm các bộ sưu tập của VN, đặc biệt nhờ các cuộc đấu giá công khai.

 

Ông ALEXANDRE MILLON, Chủ tịch Nhà đấu giá Millon

 

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img