Chia sẻ với Doanh Nhân, CEO Tân Việt Books Nguyễn Kim Thoa cho biết, văn hóa đọc là một trong những thành tố then chốt tạo nên tri thức, sự tiến bộ của dân tộc đó. 

"Đọc sách điều bình thường mà vĩ đại"

 

Doanh nhân Nguyễn Kim Thoa cho biết: Sách được ví như một kho tàng tri thức vô tận, là nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Vì vậy tôi luôn nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều độc giả, để sách luôn là người bạn gối đầu giường của các thế hệ người Việt. Sách liên quan đến việc phát triển trí tuệ cho thế hệ trẻ, tôi đã dành thời gian đọc rất nhiều tài liệu, các cuốn sách của các giáo sư, nhà nghiên cứu trên thế giới và tìm ra các điểm chung để trả lời câu hỏi tại sao người Do Thái họ giỏi và giàu? Tại sao Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… lại có sự phát triển nhanh chóng?

Những điều đó, những tinh hoa, những công thức, kinh nghiệm được mình chắt lọc trong tác phẩm đầu tay: “Đọc sách, điều bình thường mà vĩ đại”, hy vọng đây sẽ là cuốn cẩm nang cho các bậc phụ huynh trong hành trình nuôi dưỡng các mầm non, thế hệ tương lai của Việt Nam.

Nguồn “dinh dưỡng” cho não bộ

– Vậy, chị mong muốn điều gì từ các bậc phụ huynh để họ hiểu được giá trị của sách đối với thế hệ trẻ ngày nay?

Tôi mong muốn tất cả các bậc phụ huynh hiểu được giá trị của việc đọc và đọc rất sớm, đặc biệt trong giai đoạn vàng từ 0 đến 8 tuổi. Đến khi trưởng thành việc đọc chỉ là bổ sung kiến thức chứ không thể khai mở được tiềm thức, không khai mở được những năng lực đặc biệt thuộc về tự nhiên.

Năng lực thuộc về tiềm thức có giá trị rất lớn được tạo hoá trao tặng cho con người mà chúng ta không biết cách để khai mở món quà vĩ đại của tạo hoá. Khi mọi người hiểu được giá trị của việc nuôi dưỡng và tạo thành thói quen cho con đọc từ sớm, tác động cho con nhiều ngôn ngữ, âm thanh từ sớm mới đủ đầy để các năng lực tiềm ẩn được khai mở, những đứa trẻ sẽ có một trí nhớ tuyệt vời, đó chính là nền tảng của trí tuệ.

"Đọc sách điều bình thường mà vĩ đại"

CEO Tân Việt Books Nguyễn Kim Thoa – Người truyền lửa văn hoá đọc.

Giáo sư về văn hóa đọc cho thanh thiếu niên và nhi đồng, bà Cyndi Giorgis đã nói: “đọc sách là trái tim của trí tuệ, là trục lái của tri thức”. Tôi đã đúc kết từ hàng trăm cuốn sách mà mình đã đọc và đang “thai nghén” đúc kết viết một cuốn sách để đem đến cho độc giả những gì tinh hoa nhất, dễ hiểu nhất, đưa các kiến thức của giáo sư, những ngôn ngữ của học thuật, chuyển tải tới người đọc bằng những cách diễn đạt dễ hiểu dễ nhớ qua cuốn “Đọc sách, điều bình thường mà vĩ đại”.

Đây là cuốn sách đầu tiên nên tôi muốn sẽ được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và sẽ được phát hành trong thời gian sắp tới.

– Như chị đã nói: “Văn hoá đọc không tốn nhiều tiền nhưng tạo ra một giá trị vô cùng to lớn”, và chị dùng cách thức nào để “khai mở” giá trị to lớn đó?

Bức tranh toàn cảnh xã hội hiện nay cho thấy văn hoá đọc đang có những điểm khuyết. Chúng ta đang bị mất đi một tiềm lực to lớn mà ít người còn chưa biết cách khai mở để nắm lấy món quà vĩ đại này của tạo hóa trao tặng cho con người chúng ta đặc biệt ở những năm tháng đầu đời của con trẻ.

Tôi nhớ có câu nói rằng: “Bạn không phải là một thiên tài, nhưng bạn có thể trở thành cha mẹ của thiên tài nếu như bạn biết đến phương pháp nuôi dạy con đọc sách từ sớm”.

Đọc cũng là học, đọc là cách tự học chủ động. Nếu đọc muộn chỉ giải quyết bài toán về kiến thức, mà không giải quyết được bài toán về tiềm thức. Tiềm thức là năng lực vô hạn, kiến thức chỉ là năng lực hữu hạn. Tại sao có những đứa trẻ 8 tuổi, 10 tuổi đã được nhận vào các trường đại học lớn của Mỹ?

"Đọc sách điều bình thường mà vĩ đại"

Nhà sáng lập Tập đoàn Sony Ibuka Masaru đã từng xuất bản cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” và cuốn “Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con”. Các cuốn sách này đều khẳng định vai trò của người mẹ, người luôn gần gũi nhất và đồng hành với con trong giai đoạn vàng phát triển.

Chúng ta cần nhận thức việc đọc sớm sẽ có tác động tốt đến não bộ của con người. Tôi mong rằng làm thế nào để mỗi gia đình, phụ huynh hiểu được điều này. Mọi người thấy được giá trị và hành động để tạo ra kết quả.

Bản thân tôi là một người mẹ nhưng cũng đã làm ngược trong việc chăm sóc, nuôi dậy các con. Lúc các con còn nhỏ tôi chỉ quan tâm đến cho ăn mà không tác động nhiều đến phát triển trí não.

– Vậy, còn dinh dưỡng cho não bộ là gì? Đó là ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, đọc sách cho con nghe…

Tôi rất nuối tiếc đã để trôi qua thời gian vàng khai mở tiềm thức cho các con mình, tôi nghĩ đây không chỉ là sự tiếc nuối của bản thân mình mà còn của nhiều bà mẹ khác, của xã hội, của quốc gia.

Chính điều này đã thôi thúc tôi nghiên cứu, chắt lọc để viết cuốn: “Đọc sách, điều bình thường mà vĩ đại”. Tôi hy vọng qua cuốn sách này các bậc phụ huynh sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển trí lực cho con, não bộ của các con sẽ không bị “bỏ đói”.

Kinh doanh sản phẩm “bậc thầy”

– Nhưng viết sách và kinh doanh sách là hai phạm trù tương đối khác nhau. Có thể nói kinh doanh sách thực sự rất khó khăn trong thời điểm hiện nay, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, thưa chị?

Tôi có may mắn có một người cha làm trong ngành văn hoá, xuất bản, được ông định hướng theo ngành và mình cũng là một người yêu sách và thích đọc sách.

Thời sinh viên khi vào đại học tôi đã được đọc nhiều cuốn sách của các tác giả tên tuổi, tôi nhận thấy trưởng thành hơn rất nhiều từ việc đọc nên ngày càng yêu nghề.

Tôi cũng đã từng chia sẻ với nhân viên không có nghề gì khó hơn nghề “bán sách” và cũng không có nghề nào giá trị hơn nghề này, bán những sản phẩm bậc thầy.

– Vậy có thời điểm nào chị nản trí và muốn chuyển sang một lĩnh vực khác hay không?

Chưa khi nào tôi có ý định rẽ ngang mà chỉ có suy nghĩ phải thích ứng bằng mọi cách để vượt qua những khó khăn.

Nhờ đọc sách mà tôi luôn bình tĩnh trước khó khăn.

– Chị và Tân Việt Books làm gì để thực hiện sự lan toả văn hoá đọc trong thời gian qua?

Tôi đã triển khai mô hình nhà sách cộng đồng tại một số nhà văn hoá tại quê hương, tôi đã tài trợ mấy trăm triệu đồng và kêu gọi sự hỗ trợ từ những người bạn lên tới hàng tỷ đồng. Các tủ sách đã được triển khai tại các nhà văn hoá. Giai đoạn đầu khi tôi và đội ngũ cùng đồng hành thì hiệu quả nhưng khi chúng tôi rút ra thì không gian đọc sách cộng đồng này lại hoạt động chưa hiệu quả. Thời gian tới, tôi sẽ tập trung vào tủ sách tại các trường học nhưng tôi nhận thấy tủ sách tại các gia đình mới thật sự phát huy giá trị.

Tại sao người Mỹ đạt được những thành tích về giáo dục rất lớn, người ta tính số lượng sách trong các gia đình Mỹ lớn hơn rất nhiều so với các thư viện cộng lại. Điều đó chứng tỏ việc nuôi dưỡng được niềm đam mê đọc sách của mỗi đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ phải xuất phát từ môi trường gia đình sẽ đạt được những hiệu quả rất cao.

Tôi luôn sẵn sàng gác công việc để tham gia các buổi nói chuyện về giá trị của sách, văn hoá đọc với các thầy cô giáo, các doanh nghiệp, các phụ huynh, sinh viên… Tôi hiểu cái gốc để phát triển văn hoá đọc là phải tác động và thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh, đặc biệt là người mẹ.

– Nhưng để phát triển văn hoá đọc, chúng ta rất cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, thưa chị?

Đúng vậy, những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến sự phát triển văn hóa đọc. Nhiều chương trình giới thiệu về sách, các trang báo điện tử có các mục đọc sách. Đặc biệt, ngày Sách và Văn học đọc Việt Nam 21/4 hằng năm các bộ ban ngành đều có những hành động cụ thể. Tôi hy vọng trong thời gian không xa sẽ có một thế hệ yêu sách, dành nhiều thời gian đọc sách. Mỗi gia đình đều có một tủ sách.

Trân trọng cảm ơn chị!