Saturday, May 4, 2024

Người xưa trọng sách: Làm sách gian, sách cấm có thể bị tử hình

Pháp luật thời xưa xử rất nghiêm đối với tội làm, tàng trữ và lưu hành sách cấm. Thậm chí có điều luật quy định mức án tử hình, cho thấy chính quyền xử rất nghiêm với loại tội này.

 

Cấm khắc in, lưu hành sách mê tín dị đoan

Trong Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức), có những điều luật liên quan tới việc răn cấm việc tàng trữ, giấu sách. Điều 21 chương Vi chế (Làm trái pháp luật) quy định: “Những nhà người nào giấu giếm đồ xem thiên văn và sách cấm (như sách lịch, sấm, chiêm tinh đồ, thái ất, lôi công…) thì xử tội lưu đi châu ngoài”. Sau này thời Lê Trung hưng, Đại Việt sử ký tục biên cho biết năm Canh Tuất (1730), triều đình cấm người dân trong nhà không được chứa các sách thiên văn, tượng vĩ, tinh tú, tức các loại sách xem sao ứng dụng vào bói toán sấm ký.

Người xưa trọng sách: Làm sách gian, sách cấm có thể bị tử hình

Lê triều hình luật (tức Quốc triều hình luật)

TL

Cùng tội tàng trữ, việc lưu hành, phát tán sách cấm bị quy tội rất nặng, như điều 119 chương Vi chế xử nghiêm những người khắc in sách Phật, Lão “bán lấy tiền của dân, làm rối loạn lòng dân, thì bị tội đồ [giam, làm việc khổ sai]; các quan sở tại thấy mà không bắt tâu lên thì bị biếm [hạ chức]”. Điều luật này cũng là lệnh cấm năm Ất Dậu (1465) được Thiên Nam dư hạ tập ghi với nội dung tương tự. Quan viên đi nước ngoài, mua sách nước ngoài mà không khai báo bị xử tội biếm hoặc bãi chức, điều 125 chương Vi chế lưu ý.

Trong điều 3 chương Đạo tặc (Trộm cướp) nghiêm cấm: “Những kẻ làm ra yêu thư, yêu ngôn (nghĩa là làm ra những cuốn sách hay câu nói về điềm lành điềm gở hoặc truyện quỷ thần nói về sự cát hung không hợp lẽ phải) thì xử tội giảo [tội chết, thắt cổ]. Những kẻ huyên truyền hay dùng những sách và câu yêu quái kể trên để xúi giục dân chúng thì cũng bị tội như kẻ tạo ra”. Như vậy, việc làm, sử dụng sách mê tín đều bị tội cả. Sau này, khi tôn giáo mới của phương Tây du nhập vào Đại Việt từ thế kỷ 16, nhiều triều vua ra lệnh cấm việc truyền đạo nhưng mãi không dứt, Phong tục sử cung cấp thông tin năm Quý Mão (1663) vua Lê có lệnh cấm “sách đạo nhất thiết tiêu hủy để tuyệt đường dị đoan”.

Ngoài Quốc triều hình luật là bộ luật khung, qua thời gian, luật lệ được các vua Lê bổ sung, chế định. Quốc triều chiếu lệnh thiện chính thời Lê Trung hưng trong phần “Lễ thuộc” có đoạn răn cấm “Nếu là các sách Đạo, Thích tà thuyết dị đoan hoặc các truyện Nôm và thơ ca dâm đãng đều không được khắc in mua bán làm tổn hại đến phong hóa”.

Thời Lê sơ, hằng năm nhà nước đều có ban cấp sách công dạy học, các loại sách thuốc cho các địa phương để phục vụ giáo dục, chữa bệnh. Hiềm nỗi, việc làm tốt đẹp ấy lại bị tệ tham ô của quan lại địa phương ngăn trở khi sách công ban xuống cho các phủ, có phủ quan tham ô giữ sách cho mình mà không giao cho học quan (quan giữ việc dạy học) và y quan (quan y tế). Toàn thư cho biết năm Giáp Thìn (1484), nhà nước quy định “Hiến ty các xứ hãy kiểm soát các phủ trong hạt mình, nếu thấy những sách nói trên mà quan bản phủ cố tình giữ riệt, sách học không giao cho học quan, sách thuốc không giao cho y quan, thì cứ thực tình tâu hặc lên, giao cho Hình bộ trị tội”.

Viết sách mê tín có thể bị xử trảm giam hậu

Thời nhà Nguyễn, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long) được chế định, ban hành đời vua Gia Long. Trong bộ luật này, cũng có những nội dung liên quan tới việc cấm, xử tội tàng trữ, phổ biến sách mê tín dị đoan.

Người xưa trọng sách: Làm sách gian, sách cấm có thể bị tử hình

Bản dịch Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ

TRẦN ĐÌNH BA

Phần “Lễ luật” của Hoàng Việt luật lệ có chế định đối với tội cất giấu sách cấm: “Phàm tư gia cất giấu các dụng cụ thiên văn như các loại Toàn cơ ngọc hành, Hồn thiên nghi, các họa đồ lời sấm như sách về họa đồ sấm vĩ, suy đoán trị loạn, các sách phải cấm, và tượng ảnh vẽ đế vương các đời, các ấn phù ngọc tỷ mà không trình quan thì bị xử đánh 100 trượng. Kẻ nào cáo giác thì tịch thu của phạm nhân 10 lạng bạc ban thưởng cho (các thứ đó đều tịch thu sung công)”. Sách sấm vĩ ở đây được giải thích là các loại như Xuy bối đồ, Thấu thiên kinh… đoán sự thịnh suy.

Sau khi Hoàng Việt luật lệ ra đời trước, tiếp đó Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca thành hình, diễn giải Hoàng Việt luật lệ bằng thơ cho dân dễ hiểu. Trong diễn ca này có câu quy định mức phạt trượng và cả tiền đối với tội tàng trữ sách cấm:

Số trăm bốn bảy đối thay

Thu tàng thư cấm [Thu chứa sách cấm] vật này thủ quan

Chẳng thì cáo xuất mưu gian

Trượng trăm chịu trước ngân hoàn chịu sau.

Vẫn ở bộ luật này trong phần “Hình luật”, có định tội “Viết sách đặt lời hoang đường nhảm nhí”, lưu ý kẻ viết sách đặt lời sấm hoang đường, truyền bá sự mê tín để mê hoặc dân chúng sẽ bị “xử trảm giam hậu”… “nếu chưa truyền bá cho dân chúng thì lưu đày 3.000 dặm”. Những sách đó được giải thích là Xích lục phù, Đồ lục, Thiên tượng khí vật, Đồ sấm, Lục đồ khí vật… toàn là những sách ghi lời sấm hoặc chiêm nghiệm điều lành dữ. Đồng thời thêm tội chứa giấu sách mê tín “kẻ nào có sách hoang đường nhảm nhí mà cất giấu không nộp quan thì bị phạt đánh 100 trượng, đồ 3 năm”.

Trong thực tế thời Nguyễn, Quốc sử di biên cho hay năm Tân Tỵ (1821) vua ban chiếu cấm sách Tứ bình thực lục “vì những điều ghi chép phần nhiều tô vẽ quá”. Sách này là sách ghi chép sự chinh phạt của chúa Trịnh. Năm Đinh Dậu (1837), theo Minh Mệnh chính yếu ghi những sách ảnh hưởng xấu tới phong hóa, vua Minh Mạng cũng cấm phổ biến. 

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img