Tuesday, May 7, 2024

ĐH Quản lý Singapore đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam, trao nhiều học bổng

ĐH Quản lý Singapore vừa đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam nhằm thúc đẩy nghiên cứu với doanh nghiệp, trao đổi tri thức, đào tạo nguồn nhân lực Việt.

Trao nhiều học bổng, hỗ trợ tài chính

Tối 25.4, ĐH Quản lý Singapore (SMU), một trong số những ĐH công lập hàng đầu của Singapore, chính thức khai trương văn phòng đại diện ở Việt Nam, đặt tại TP.HCM (gọi tắt là OCHCMC).

OCHCMC là trường ĐH Singapore đầu tiên khai trương văn phòng đại diện tại TP.HCM. Theo bảng xếp hạng ĐH 2024 của tổ chức QS (Anh), SMU xếp hạng 44 thế giới về nhóm ngành kinh doanh, quản trị và đứng thứ 3 tại Singapore, sau 2 cái tên lớn là ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang.

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch SMU, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng nhanh, sở hữu nguồn lao động trẻ, năng động, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của châu Á. Ngoài ra, nền kinh tế số của Việt Nam còn ghi nhận mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao gấp 3 lần so với mức tăng trưởng GDP. Các yếu tố trên thúc đẩy SMU chọn Việt Nam để mở văn phòng đại diện, bà Kong nhận định.

Theo bà Kong, qua OCHCMC, SMU sẽ mang đến những chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính cho người Việt theo học bậc cử nhân, sau ĐH, nhất là với các trường hợp đã và đang kinh doanh hoặc khởi nghiệp. Học bổng có giá trị từ 5.000 SGD (93 triệu đồng) đến toàn phần kèm trợ cấp hằng tháng, với tiêu chí xét duyệt dựa trên thành tích học thuật hoặc gia cảnh của ứng viên.

Lễ khai trương văn phòng đại diện của SMU tại TP.HCM

Lễ khai trương văn phòng đại diện của SMU tại TP.HCM

PHƯƠNG ANH

SMU cũng có nhiều chương trình trợ cấp cho những tổ chức khởi nghiệp, lên đến 50.000 SGD (930 triệu đồng) nếu ý tưởng kinh doanh được chấp nhận vào chương trình thúc đẩy đổi mới kinh doanh thuộc Viện đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của trường. Và nếu sinh viên hệ cử nhân, sau ĐH của trường có dự án khởi nghiệp riêng, SMU cũng trao nhiều giải thưởng, lên đến 3.500 SGD (65 triệu đồng).

Mang đến nhiều lợi ích cho người Việt

OCHCMC cũng sẽ tổ chức, quản lý chương trình trao đổi sinh viên giữa SMU và các trường ĐH Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hoạt động học tập trải nghiệm, trao đổi chuyên sâu và khóa đào tạo dành cho cấp quản lý, người đi làm. “Chúng tôi đặt mục tiêu kiến tạo một trung tâm tri thức không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho người Việt mà còn góp phần vào sự phát triển và cường thịnh của Việt Nam”, giáo sư Kong bộc bạch.

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam, cho rằng phát triển nguồn nhân lực là một trong những trụ cột nền tảng của mối quan hệ song phương giữa Singapore và Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu mà chính phủ và các trường ĐH Singapore hướng đến. Hơn 21.000 cán bộ, đại diện từ chính phủ Việt Nam tham dự các chương trình hợp tác của Singapore kể từ năm 1992 là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Thời gian tới, ông Vũ Việt Anh, Giám đốc OCHCMC, cho biết SMU sẽ triển khai nhiều hoạt động mang tính ứng dụng cao, như tổ chức hội thảo trực tuyến và phiên thảo luận chuyên sâu giữa lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành; tạo diễn đàn giao lưu, kết nối giữa cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp; hay tổ chức sự kiện gặp gỡ giữa cựu sinh viên, sinh viên đang theo học tại SMU và học sinh Việt Nam.

Sinh viên quốc tế tại ĐH Quản lý Singapore

Sinh viên quốc tế tại ĐH Quản lý Singapore

SMU

Tiêu chuẩn ứng tuyển

Để ứng tuyển vào SMU, ở bậc cử nhân, ứng viên cần có điểm học bạ tốt và chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0 hoặc tương đương. Trong khi đó, ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ, ngoài điểm học bạ cử nhân và IELTS 6.5, ứng viên cần có thêm điểm GMAT hoặc GRE, là các bài thi đánh giá năng lực phổ biến tại Mỹ. Mức học phí tự túc tại trường dao động từ 44.950 – 47.510 SGD/năm tùy ngành (837 – 885 triệu đồng).

Hiện trong khoảng 13.000 sinh viên đang theo học tại SMU, có 60 người Việt. Số lượng sinh viên Việt Nam đến học tại trường có xu hướng tăng trong những năm gần đây, và đến nay có khoảng 500 người Việt đã tốt nghiệp tại SMU. Việt Nam là điểm đến thứ 3 mà SMU đặt văn phòng đại diện, sau Indonesia (2022) và Thái Lan (2023), giáo sư Kong nói thêm.

Xu hướng chung

Trước SMU, nhiều trường ĐH cũng đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, như ĐH Bangkok (Thái Lan), ĐH Hồng Kông ở TP.HCM, hay ĐH Chuo (Nhật Bản) ở Hà Nội. ĐH Auckland và Study Melbourne (tổ chức thuộc bang Victoria, Úc) thì thành lập các trung tâm học tập tại TP.HCM dành cho sinh viên Việt Nam, là nơi tổ chức các sự kiện giáo dục cũng như hỗ trợ người Việt trên hành trình du học.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img