Dù vẫn an toàn, nhưng tình hình chiến sự căng thẳng, liên tục phải vào hầm trú ẩn, phòng an toàn khiến nhiều người Việt đang sống tại Israel không khỏi lo lắng.
Đó là chia sẻ của một số người Việt đang sống, làm việc và học tập tại Israel khi trả lời Thanh Niên về cuộc sống trong vài ngày qua, kể từ lúc lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel.
Những lần chạy đua sinh tử trong 90 giây
90 giây là khoảng thời gian mà mỗi khi nghe tiếng còi báo động, thì chị Kim cùng các con phải chạy qua mấy tầng lầu rồi xuống hầm trú ẩn.
Lấy chồng rồi sống tại Tel Aviv, khu nhà chị Kim đang ở hiện có 7 tòa nhà nhưng chỉ có 2 tòa nhà được xây dựng gần đây thì đáp ứng tiêu chuẩn có phòng an toàn trong từng căn hộ. Vì thế, mỗi khi tiếng còi báo động vang lên, hoặc ứng dụng trên điện thoại thông báo có rốc két phóng đến, thì chị Kim cùng gia đình phải chạy xuống sân rồi đến khu trú ẩn chung.
“Ban ngày, đang lúc thức mà chạy cũng phải mất 57 giây anh à. Còn ban đêm, lúc đang ngủ thì 90 giây là không kịp”, chị Kim kể khi trả lời Thanh Niên vào tối qua (9.10). Chị gửi một đoạn video ghi lại cảnh chị cùng gia đình chạy khi có báo động, nhưng một số người già sống trong các căn hộ lân cận thì cam chịu vì không thể chạy kịp.
Xem nhanh 20h ngày 10.10: Người Việt Nam trong chiến tranh Israel-Hamas
Theo hướng dẫn của nhà chức trách, người dân ở Tel Aviv có 90 giây để trú ẩn nơi an toàn. Với tâm trạng nơm nớp, nên chị cũng thường xuyên mở ti vi để kịp theo dõi tin tức hoặc nghe báo động, dù tiếng còi báo động bên ngoài luôn vang lên rất to.
“Rốc két rơi liên tục”, chị Kim kể rồi minh họa bằng cách gửi các đoạn phim vừa ghi lại cảnh bên ngoài kèm tiếng nổ vang vọng đâu đó.
Chị cho biết đã sống ở Israel được 14 năm, làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Hằng năm, nhà chức trách đều tiến hành tập dượt cho người dân cách lánh nạn trước các nguy cơ tấn công rốc két. “Và thường cứ 2 năm, tụi em trải qua 1 cuộc xung đột nên cũng chạy hoài. Lần này khác là quy mô cuộc chiến tàn khốc và nhắm vào dân thường”, chị Kim lo lắng. Nỗi lo càng lớn hơn khi mới đây có một số thông tin những lao động người Thái Lan cũng bị sát hại.
Về sinh hoạt hằng ngày, chị cho biết Tel Aviv vẫn còn trong vùng cảnh báo màu cam nên vẫn được ra đường để đi mua thực phẩm. Và theo chị thì cũng nhờ ở vùng cam nên “mới có đến 90 giây để trú ẩn”. Trong khi đó, một số bạn ở vùng đỏ gần dải Gaza thì nguy hiểm hơn rất nhiều.
Nỗi lo ở vùng đỏ
Không rời khỏi nhà, ngoài mối nguy rốc két bắn đến thì còn sự sợ hãi các tay súng Hamas khiến cho những người đang ở lân cận dải Gaza phải lo sợ. Đó là chia sẻ của T., một thực tập sinh vừa từ Việt Nam đến Israel cách đây khoảng 1 tháng để tham gia khóa đào tạo của một trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp. T. đang sống tại TP.Sderot nằm ngay sát dải Gaza.
“Chỗ tụi em chịu ảnh hưởng bởi rốc két và các cuộc tấn công trực tiếp của các tay súng Hamas. Hiện tại tất cả người dân ở đây đều ở trong phòng tránh bom ngay trong nhà và không ra ngoài. Rốc két bắn liên tục”, T. kể khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào hôm qua. Hiện cô và 3 người bạn đều là người VN đang sống trong khu căn hộ, dạng ký túc xá của trung tâm đào tạo. Cách chỗ cô ở khoảng 800 m, còn có gần 20 thực tập sinh khác đều là người VN.
“Thực phẩm thì tụi em vẫn còn duy trì được và bên trung tâm đang mang thêm thực phẩm đến cho tụi em”, T. cho biết và kể thêm rằng: “Hôm nay (9.10) thì tấn công còn dày và nhiều hơn hôm qua (8.10)”. Căn hộ có sẵn 1 phòng an toàn, T. và các bạn ở cùng vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ là tránh xa cửa sổ và theo sát ứng dụng trên điện thoại để nhận tin báo có rốc két tấn công. Mỗi lần như thế, T. cùng các bạn lại chạy nhanh vào phòng an toàn.
Israel sẽ chịu trách nhiệm cho công dân Việt Nam
Ngày 9.10, trả lời báo chí về vấn đề công dân Việt Nam khi đang ở Israel trong giai đoạn nổ ra xung đột, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer cho biết hiện tại ở Israel có công dân Việt Nam gồm cả du học sinh và các du khách. Các cơ quan có thẩm quyền tại Israel sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các công dân Việt Nam và không hề phân biệt đối xử.
“Cho đến hiện tại, thật sự may mắn khi các sinh viên, học sinh và khách tham quan người Việt Nam chưa phải chịu bất kỳ tổn hại nào”, Đại sứ Mayer khẳng định. Sân bay vẫn đang hoạt động và các máy bay vẫn được bay đến và đi. Đại sứ quán Việt Nam tại Tel Aviv cũng đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tại Israel và Bộ Ngoại giao nước này sẵn sàng hỗ trợ những người cần trợ giúp.
Đậu Tiến Đạt
Nguồn: thanhnien.vn