Monday, May 6, 2024

XO mừng mừng tủi tủi, kể ‘sự nghiệp XO’ 20 năm, 30 năm của mình

Các thế hệ XO có dịp ‘hội ngộ’ cùng nhau dưới bài viết của Báo Thanh Niên, mừng mừng tủi tủi kể lại sự nghiệp XO 20 năm, 30 năm của mình.

Thế hệ XO – loạt bài trên Báo Thanh Niên những ngày qua thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. XO là cách các bậc phụ huynh đặt cho công việc đưa đón con đi học hằng ngày của mình, viết tắt của từ “xe ôm”.

Các XO đón con sau giờ tan lớp học thêm buổi tối

Các XO đón con sau giờ tan lớp học thêm buổi tối

NHẬT THỊNH

Không biết danh từ nghe là lạ, thương thương này có từ bao giờ, chỉ biết trên mạng xã hội có những hội, nhóm phụ huynh từ hàng chục ngàn tới hơn trăm ngàn thành viên, cập nhật tin tức thi cử của con em mà các cha mẹ gọi nhau là XO, cha mẹ của lứa học sinh này phân biệt với lứa học sinh khác bằng các danh từ như XO 2k8; XO 2k6; XO 2017 (có con sinh năm 2008; 2006; 2017)…

Loạt bài kể chuyện hành trình hàng ngày của các XO – là anh Lê Kinh Thi, 53 tuổi và có 22 năm làm XO, 3 lần nghỉ việc vì “sự nghiệp XO”; là chị Hoàng Thị Hiền, kế toán trưởng một công ty vẫn ngày ngày làm XO mấy ca, không sót bữa nào; là người mẹ đơn thân Hoàng Thị Mai, vừa là XO, là người bạn đồng hành cùng con trong những kỳ thi căng thẳng…

Và XO còn là những người cha người mẹ khác, họ không quản ngày, đêm, mưa gió, nắng nôi chở các con đến trường, tới các lớp học thêm, mong con nên người, sự nghiệp vẻ vang.

Các bài viết đã chạm tới trái tim của nhiều người làm cha mẹ. Phía dưới các bài viết, XO các thế hệ được hội ngộ, họ tâm tình những “sự nghiệp XO” của riêng mình.

“Tôi thấy bóng dáng mình trong bài viết”

Phụ huynh Vỹ Lê Triệu tâm sự như vậy. Anh viết: “Tôi thấy mình trong bài viết này. Thật cực nhọc khi phải đi làm và đưa đón hai con nhưng, tôi rất vui với công việc XO này”.

XO thời hiện đại là vừa lo việc tài chính, kiếm tiền nuôi các con ăn học, vừa đưa đón các con trong tất cả ca học

XO thời hiện đại là vừa lo việc tài chính, kiếm tiền nuôi các con ăn học, vừa đưa đón các con trong tất cả ca học

NHẬT THỊNH

“Tôi cũng làm XO miễn phí, chắc 12 năm nữa mới xong”, phụ huynh Lam Nguyen bình luận.

Phụ huynh Trung Quang thì tâm tình: “Tôi đọc câu chuyện của anh Thi, thấy y chang tôi, cũng đưa đón 2 con, giờ đứa sau của tui học lớp 12 nên tui cũng sắp rảnh rang. Nói thật là tôi ghiền đưa đón con đi học, tôi không ngại đường xa hay kẹt xe, mưa nắng vì đơn giản tôi thấy an tâm khi chính mình đưa con đến trường. Các con tôi cũng chỉ thích tôi chở đi học, vì ba chạy an toàn, luôn đúng giờ”.

Phụ huynh xuanbinh.vu15 nhắn gửi: “Tôi thì không XO nhiều năm như ông bạn được nêu, nhưng với hai con từ khi đi học mẫu giáo đến lúc tự đi được đều là tôi cả, hồi cháu lớn học lớp 9, mỗi tuần có 7 ngày mà tôi phải 44 lượt đưa đón 2 con, sau này cháu học trường chuyên xa nhà nắng cũng như mưa cứ 6 giờ sáng là hai bố con chở nhau ra bến xe buýt, chiều lại đón về. Có hôm tắc đường, hay ngủ quên nhỡ chuyến lại 34 km, 2 lượt đi về. Không biết sau này chúng có biết cái công xe ôm của bố không… Giờ nhìn hai chàng trai trưởng thành, lại lo sắp đến ngày ông lại phải làm XO đưa đón cháu”.

Hay XO Đức Bùi Xuân cảm thán: “Tôi cũng đã làm XO tầm 20 năm rồi mà chưa tốt nghiệp”.

Một phụ huynh tên Quangta giãi bày: “Thật sự việc học hành ở Việt Nam rất là khó khăn, ai làm XO thì mới thấm cái cảnh XO từ sáng tới tối. Đâu có phụ huynh nào muốn con mình phải học thêm, học hành như vậy. Nhưng nếu như không học thì không hiểu bài, không theo kịp bạn bè, chương trình học… Cứ nghe cải cách giáo dục, giảm tải chương trình học của học sinh mà mỗi năm lại thấy học sinh con em chúng ta ngày càng mệt mỏi… Không biết đến bao giờ việc học đối với học sinh được nhẹ nhàng, thoải mái hơn… Chắc là khoảng mấy chục năm nữa quá”.

XO đâu chỉ là đưa rước, phía sau còn bao nhiêu lo toan, trăn trở cùng con

XO đâu chỉ là đưa rước, phía sau còn bao nhiêu lo toan, trăn trở cùng con

NHẬT THỊNH

XO đâu chỉ là chuyện đưa rước, sau đó là bao nhiêu trăn trở, chọn lựa

Một XO tên Lap Tran chia sẻ có những niềm vui nho nhỏ với công việc này: “Mỗi sáng chở thằng cu đến trường, hắn ôm chặt daddy và tranh thủ ngủ ngon lành. Một ngày mới thật hạnh phúc”.

Phụ huynh Hùng Thiết tâm sự: “Đọc bài xong mà tự nhiên rưng rưng nước mắt. Tôi đã xa “sự nghiệp XO”, làm xe ôm cho các con hơn chục năm rồi. Con út tôi đã tốt nghiệp đại học và năm nay 32 tuổi. Tôi cũng “tham nhũng” giờ làm việc để đưa rước các con ròng rã mấy mươi năm. Giờ đây nghĩ lại tự thấy “sự nghiệp” của mình cũng “vĩ đại” thật. Chúc các bậc phụ huynh tiếp tục “sự nghiệp XO” cho con mình. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp, nỗi vất vả qua mau thôi”.

Một XO lấy tên Owh… bộc bạch: “XO đâu phải chuyện đưa rước, sau đó là bao nhiêu trăn trở, chọn lựa”.

Còn bạn đọc tên thanhtruyen Tran chia sẻ: “Tình yêu thương gắn với trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ thật không dùng từ ngữ nào để nói hết được. Nhưng ngược lại có một số phụ huynh để con ra đường khi không trang bị kiến thức về luật giao thông đường bộ cho con, gây ra những sự việc đáng tiếc”.

“Sao không cho con tự đi học, cho rèn tự lập?”

Phía dưới loạt bài viết Thế hệ XO, cũng một số phụ huynh gửi các bình luận cho rằng tại sao phải vất vả đưa con đi học sáng chiều, không để con tự đi cho rèn tính tự lập, rồi tiết kiệm thời gian của cha mẹ. Tuy nhiên, cũng ngay dưới các bình luận này, các XO khác vào tranh luận và cho rằng, cần đặt trong bối cảnh giao thông phức tạp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, để các con tự chạy xe rất nguy hiểm. Có thể nhìn vào số liệu thực tế các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Chưa kể, trẻ em dưới 18 tuổi, chưa có bằng lái xe, nếu giao xe máy trên 50 phân khối cho con là vi phạm luật giao thông đường bộ và vô cùng nguy hiểm.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img