Sunday, November 24, 2024

Thay đổi sinh kế từ di sản

Sống chung với sự khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, những câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo dưới đây cho thấy người trẻ miền Tây không ngừng tìm kiếm cách thích ứng, thay đổi sinh kế để vươn lên.

Di sản từ cây ô rô vùng nhiễm mặn

Lâm Quốc Nhựt (29 tuổi, ngụ xã Phú Tân, H.Phú Tân, Cà Mau) gọi hạn mặn bằng một cách khá lạ – “người gợi ý”. Bởi sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật cơ khí, học tiếp ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật rồi ở TP.HCM trải qua khá nhiều công việc, cuối cùng Nhựt nhận ra di sản nông nghiệp quan trọng từ cây ô rô rồi quyết tâm khởi nghiệp với loại cây này.

Ðông y gọi ô rô là sơn ngưu bàng, có tác dụng trong chữa đau nhức xương khớp do phong thấp, chứng vàng da do gan, ứ huyết, rong huyết, trị hen suyễn… Các thầy thuốc dùng rễ ô rô chữa bệnh hạch bạch huyết, đau dạ dày, gan lách sưng to, u ác tính, hen suyễn.

Thay đổi sinh kế từ di sản

Anh Lâm Quốc Nhựt khởi nghiệp xanh ở vùng mặn

DUY TÂN

Tháng 6.2022, Nhựt quyết định trở về quê nhà Phú Tân, dựng nhà xưởng gần 200 m2 theo tiêu chuẩn ISO. Anh đầu tư máy móc chế biến, sử dụng công nghệ chân không, sấy lạnh, năng lượng mặt trời, máy đóng gói, máy nghiền, chiết rót… đủ để tạo ra 3 dòng sản phẩm: viên uống ADOLI (thành phần: cao ô rô nước mặn, cao lá quao nước, cao cà gai leo, cao xạ đen và phụ liệu gelatin, bột talc, lactose); nước ép trái sơ ri; và mật ong nguyên chất từ rừng U Minh kết hợp cao ô rô. Bất ngờ hơn, từ quy trình chế biến ô rô, Nhựt đã làm ra dòng muối trắng có ưu thế cân bằng giữa natri và kali.

Với Công ty TNHH Nông nghiệp mặn (HALOFAI) của con trai, cha mẹ Nhựt kỳ vọng về mô hình đa tầng, sơ ri trồng trên bờ vuông (600 gốc), ô rô trồng ven bờ, dưới nước nuôi tôm cá… “Có nhà máy rồi, xóm mình đừng chặt bỏ ô rô nữa”, Nhựt giữ đúng lời hứa với xóm giềng mua ô rô chế biến thành thuốc. Từ quy trình chế biến ô rô, bã dược liệu trở thành nguồn thức ăn bổ sung cho tôm, cua hoặc giúp vệ sinh ao nuôi… Thu nhập lúc bình thường từ 45 – 60 triệu đồng/năm/ha, nay có thể tăng gấp đôi theo mô hình đa tầng. Có 16 gia đình tham gia chuỗi cung ứng, giao kèo làm ăn với Nhựt.

Hiện nay, công suất nước ép sơ ri và mật ong nguyên chất từ rừng U Minh kết hợp cao ô rô 3.000 hộp/tháng; 5.000 hộp ADOLI/tháng (gia công tại Long An – nhà xưởng đạt chuẩn GMP). 10 người dưới quê được gửi đi học. Nhựt hứa dành 2/3 lợi nhuận để tái đầu tư, lập quỹ học bổng khuyến khích trai tráng con nhà nghèo đi học nghề rồi về địa phương cùng phát triển mô hình.

Câu chuyện khởi nghiệp từ cây ô rô và mong muốn thay đổi sinh kế của Nhựt khiến PGS-TS Xuân Trang, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, đồng cảm. Bà đồng ý làm mentor cố vấn, dìu dắt về chuyên môn cho công ty. Hiện nay, đội ngũ mentor của HALOFAI gồm 5 người, chuyên về công nghệ sinh học, bào chế – công nghiệp dược, sinh học phân tử, công nghệ thực phẩm và phát triển thị trường.

“Không chỉ là muối từ ô rô”, một nhà đầu tư ở Mỹ trao đổi với Nhựt rằng sản phẩm muối thực vật từ vùng mặn là ý hay và nhà đầu tư này sẽ đồng hành để mọi người hiểu rằng vùng mặn cũng “sống được”, nếu tìm ra cách thích ứng.

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa

Muối trắng từ ô rô cân bằng natri và kali là sản phẩm hiếm có, khớp với ý tưởng làm món ngon từ dừa sáp ở Trà Vinh của Trần Duy Linh, CEO Công ty Vicosap. Đối với Linh, dừa sáp (Macapuno) là viên ngọc quý, độc đáo khi người xưa chọn trồng loại trái huyền diệu này. Năm 2024, đúng 100 năm kể từ khi hòa thượng Thạch Sô (MongKolThero) đưa 2 trái dừa sáp từ tự viện PoVeal, Battambang, Campuchia về H.Cầu Kè (Trà Vinh).

Thay đổi sinh kế từ di sản

Anh Trần Duy Linh (phải) với sản phẩm từ dừa sáp

HOÀNG LAN

Thuở đầu, Linh đối diện với rất nhiều câu hỏi: làm kẹo từ dừa sáp thì sản phẩm lại tương tự của Bến Tre, bán dừa sáp nguyên trái thì nhiều người làm còn người mua vẫn cứ phàn nàn về sự “hên xui” khi mua ven đường. Rồi chuyện dừa sáp cấy phôi mở rộng vùng trồng thì câu chuyện chỉ dẫn địa lý dừa sáp Cầu Kè sẽ giải thích với du khách ở Cầu Kè như thế nào? Câu trả lời của Linh là nghiên cứu lời giải thật kỹ, từ những giá trị di sản nông nghiệp để nói về thực phẩm đặc hữu này.

Tương tự, dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm, CEO Công ty Hygie & Panacee, giải bài toán cộng sinh nơi mình sinh ra và lớn lên từ gừng mật ong, gừng chanh sả, trà diếp cá, trà đinh lăng, trà rau om, trà cà gai leo, trà lạc tiên tâm sen, trà tía tô… Hai năm liên tiếp, Thắm đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL, giải nhì cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Năm 2022, Thắm tự tin đưa hàng đến Thaifex Anuga Asia (Thái Lan), hội chợ thực phẩm và đồ uống có tiếng của châu Á. Tại đây, hầu hết sản phẩm của Công ty Hygie & Panacee được gọi là dược trà.

Theo dược sĩ Thắm, hoàn toàn có thể thay đổi tình thế “sáng tươi – chiều rác” của các loại rau nếu ứng dụng công nghệ chế biến bỏ bã, cô đặc hoạt chất, tăng thời hạn bảo quản – sử dụng từ 12 đến 18 tháng. Ngoài ra, rau dù giàu vitamin, bổ dưỡng, có dược tính cao cỡ nào thì con người cũng không thể ăn ngày này qua ngày khác cùng một loại. Trong khi đó, bột trà thành phẩm dùng 1 – 2 muỗng tương đương 100 gram rau; uống một ly dược trà dễ hơn rất nhiều so với ăn 100 gram rau sống. “Bột” dược trà là ngôn ngữ gắn liền nhu cầu tiện dụng cho mọi người; đặc biệt thích hợp với người làm việc công sở, người không có nhiều thời gian “chè chén” theo thói quen.

Thay đổi sinh kế từ di sản

Chị Đoàn Thị Hồng Thắm với sản phẩm dược trà

HOÀNG LAN

Sau đại dịch Covid-19, hệ thống phân phối sản phẩm của Hygie & Panacee phát triển hơn 60 nhà phân phối/đại lý trên toàn quốc. Doanh thu bình quân từ 250 – 300 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, dược sĩ Thắm cần ít nhất 3 – 4 tấn rau nguyên liệu dược liệu là gừng, tía tô, om tía, diếp cá…

“Với Hygie & Panacee, thay vì mỗi năm nghiên cứu đưa ra thị trường ít nhất một sản phẩm mới thì mỗi quý có thể ra mắt sản phẩm mới từ nguồn dược liệu bản địa”, dược sĩ Thắm đặt kỳ vọng vào cộng đồng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img