Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công, thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao. Nguyên nhân khiến các DNNVV chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi cung ứng chuỗi cung ứng toàn cầu là do chi phí sản xuất cao.

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong khi, hơn 90% số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại các nước như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào nguyên liệu, thiết bị sản xuất trong nước, nhưng ở Việt Nam con số này vẫn còn hạn chế.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí.

Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai chuỗi này. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), đã có không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa trong nước đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các doanh nghiệp, đối tác và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần nhiều hơn sự kết nối và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, trong đó vai trò quan trọng nằm ở các Hiệp hội ngành nghề”, ông Nguyễn Vân nói.

Ông Nguyễn Vân cho rằng, việc tham gia các Hiệp hội sẽ giúp các doanh nghiệp hội viên kết nối với nhau cũng như tạo được nhiều chương trình quảng bá, kết nối doanh nghiệp hội viên với những đối tác trong nước và quốc tế.

Để nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, tín dụng và thị trường.

“Các kế hoạch về quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ phải gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế, cũng như các doanh nghiệp trong nước với chính sách hợp lý. Các cơ quan quản lý cũng cần có hỗ trợ về năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia”, ông Nguyễn Vân bày tỏ.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành. Qua đó thu hút đầu tư từ nhóm các doanh nghiệp đầu đàn, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế doanh nghiệp.

Hiện nay, Cục Công nghiệp đang đẩy nhanh xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các DNNVV.

Ngoài ra, Cục cũng hỗ trợ và khuyến khích các địa phương xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp, từ đó mở ra điều kiện cho phát triển công nghiệp ngay tại các địa phương.

Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội và tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota… cùng hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao được năng lực cũng và khả năng kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.