Chiều nay (3/5), Trung Quốc đã phóng tàu Hằng Nga-6, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa giấc mơ xây dựng cường quốc không gian của nước này.
Vào lúc 17h27 giờ địa phương (16h27 giờ Hà Nội), tên lửa đẩy Trường Chinh-5 Y8 đã được phóng lên từ Bãi phóng Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, đưa tàu thăm dò Hằng Nga-6 lên quỹ đạo thực hiện sứ mệnh lấy mẫu trên vùng tối của Mặt Trăng và đem trở về Trái Đất.
Sau gần 1 giờ 30 phút, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã ra thông báo về thành công của nhiệm vụ phóng lần này. Ông Trương Tác Thắng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy khu vực phóng sứ mệnh Hằng Nga-6 tuyên bố: “Theo dữ liệu bay của tên lửa đẩy Trường Chinh-5 và các tính toán giám sát của Trung tâm Kiểm soát bay Vũ trụ Bắc Kinh, tàu thăm dò Hằng Nga-6 đã chính xác đã đi vào quỹ đạo định sẵn, các tấm pin mặt trời đã mở ra và làm việc bình thường. Nay tôi xin tuyên bố, nhiệm vụ phóng lần này đã thành công tốt đẹp”.
Mặc dù chỉ làm việc trên bề mặt Mặt Trăng trong 48 giờ để lấy mẫu, với việc thu thập khoảng 2.000 gram vật chất, nhưng toàn bộ quá trình từ khi phóng đến khi trở về của Hằng Nga-6 sẽ kéo dài hơn 50 ngày.
Tàu thăm dò Hằng Nga 6 được xem là sứ mệnh Mặt Trăng bằng robot phức tạp nhất của Trung Quốc cho đến nay, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa giấc mơ xây dựng cường quốc không gian của nước này.
Sứ mệnh Hằng Nga-6 là một phần trong giai đoạn 4 Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng phiên bản cơ bản của Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS) vào năm 2035. Sứ mệnh này cũng tạo tiền đề cần thiết để các phi hành gia Trung Quốc đáp xuống Mặt Trăng dự kiến vào trước năm 2030.
Tiếp theo Hằng Nga-6, tàu Hằng Nga-7 sẽ được phóng vào khoảng năm 2026, thực hiện thăm dò tài nguyên và môi trường ở cực Nam Mặt Trăng; tàu Hằng Nga-8 sẽ được phóng vào khoảng năm 2028 để thực hiện các thí nghiệm sử dụng tại chỗ tài nguyên Mặt Trăng.
Không chỉ lấy mẫu từ Mặt Trăng, Trung Quốc còn đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên đem mẫu vật từ sao Hỏa trở về Trái Đất và xa hơn là khám phá khoa học ở những vùng cực xa xôi, tối tăm và lạnh lẽo chưa được biết đến vào giữa thế kỷ.
Nguồn: vov.vn