Nếu như chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thì những ca khúc ra đời trong chiến dịch để cổ vũ tinh thần cho quân và dân ta làm nên chiến thắng ấy, cũng vang dội vượt thời gian.
Những ca khúc bất hủ ấy cũng chính là động lực khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khích lệ nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ ngày nay tiếp tục sáng tác các ca khúc mới về chiến thắng Điện Biên Phủ, tôn vinh những con người làm nên trang sử vàng của dân tộc.
Nếu như ca khúc “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành viết trước khi có chiến dịch Điện Biên Phủ, những giai điệu đầy chất thơ và hiện thực, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của chiến sĩ Điện Biên khi ấy, thì ca khúc “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân như một liều thuốc tinh thần cổ vũ các chiến sĩ vượt qua bao làn đạn khói lửa, vững chí quyết thắng trên mọi mặt trận.
Đặc biệt, 3 bài hát do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác trong thời gian diễn ra chiến dịch đã khắc hoạ rõ nét tinh thần chiến đầu của quân và dân ta. Khẳng định sức mạnh tinh thần của các ca khúc này, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Có một kỷ lục, các nhà lý luận từng nói như 3 đỉnh núi âm thanh, Đó là “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, lúc đó cũng là một người lính vừa cẩm đàn và cũng cầm súng. Chúng ta có thể thấy rằng, trong thời gian đó, các văn nghệ sĩ nói chung bằng sự nhiệt tình, bằng ý thức của người lính nhưng cũng là cái hào khí của dân tộc, văn nghệ sĩ đã nắm bắt được những tình cảm, nguyện vọng quyết tâm đó, sáng tác tác phẩm. Có một điều kỳ diệu, cho đến bây giờ chúng ta khi nghe lại thì phần lớn những tác phẩm đó sáng tác ngay tại mặt trận, lấy từ những chất liệu cụ thể, những tấm gương hy sinh, những sự kiện cụ thể ngoài mặt trận như chúng ta gọi là những tác phẩm sống mãi với thời gian”.
Với giọng ca hào sảng, mạnh mẽ, NSND Thanh Vinh dù đã nhiều lần thể hiện ca khúc “Trên đồi Him Lam” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhưng những rung cảm về niềm tự hào dân tộc vẫn “bùng cháy” mỗi khi cất lên lời ca tiếng hát: “Chúng tôi nhớ lại những trang sử vàng của dân tộc, chúng ta có Điện Biên Phủ của năm 1954 và chúng ta có cả Điện Biên Phủ trên không. Bất kỳ kẻ thù nào đụng đến và xâm phạm bờ cõi của đất nước ta, chúng ta đều quyết chiến và quyết thắng. Tôi rất xúc động vì những trang sử vàng của dân tộc và đối với thế hệ chúng tôi cho đến bây giờ, không bao giờ quên được công lao của những người đã hy sinh ngã xuống để chúng tôi có được sự nghiệp như ngày hôm nay”.
Xuôi theo dòng chảy thời gian, bên cạnh những ca khúc bất hủ, các thế hệ văn nghệ sĩ không ngừng nối gót các nhạc sĩ gạo cội, tiếp tục sáng tác những ca khúc mới tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ. “Những bông hoa hỏa tuyến” của nhạc sĩ Đức Trịnh là một trong những ca khúc thành công, gây ấn tượng mạnh trong lòng người yêu âm nhạc, bài hát đã đạt giải A của Hội Nhạc sĩ về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 2020.
Chia sẻ về cảm hứng sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết: “Tôi thấy rằng đặc biệt trên chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất nhiều các chiến sĩ nữ, dân công hỏa tuyến lúc đấy như những bông hoa, có thể ngày đêm vất vả đẩy xe, kéo xe thồ, chuyên chở và hậu cần đạn dược lên trên chiến trường, nhưng buổi tối hoặc những lúc giữa hai trận đánh họ lại rất vui vẻ hát ca. Tôi thấy các chị góp phần rất lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài những chiến sĩ gan dạ, anh dũng, gan dạ, những chỉ huy lỗi lạc thì các chị cũng là một phần đóng góp cho chiến thắng, cho nên tôi viết bài “Những bông hoa hoả tuyến” để ca ngợi những chiến công của các chị, các em, các cô dân công hỏa tuyến”.
Đáng lưu ý, tháng âm nhạc “Bài ca Điện Biên” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên phát động trong năm nay đã ghi nhận sự hiện diện của những ca khúc mới, với nhiều giai điệu phong phú từ vui tươi, rộn rã đến hào hùng, oanh liệt.
Theo nhạc sĩ Giáng Son, việc sáng tác ca khúc về đề tài chiến tranh cách mạng là thử thách lớn đối với cô, nhưng đây cũng chính là động lực thôi thúc nhạc sĩ sáng tác bài hát “Âm vang Điện Biên”: “Có thể nói năm nay là 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thành ra ngay từ cuối năm trước tất cả các anh em nhạc sĩ đã rất háo hức với những đề tài về Điện Biên. Tôi cũng không nằm ngoài sự háo hức đó và rất may mắn tôi được anh Phạm Hồng Điệp gửi bài thơ “Âm vang Điện Biên”, anh Điệp là một người lính từng trải qua chiến tranh và rất thần tượng bác Giáp. Thành ra anh hiểu rõ bác Giáp và hiểu rõ về Điện Biên Phủ. Khi tôi đọc được bài thơ này, ngay lập tức trong đầu đã vang lên nhạc. Tôi viết ca khúc này trong vòng khoảng 2 tiếng, ca khúc này có 3 phần, để tạo sự hào hùng và chuyển tải hết được thông điệp của bài hát”.
Đã 70 năm, kể từ khi chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi danh vào lịch sử dân tộc như một mốc son rực sáng trong thế kỷ XX và ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không thể phai mờ. Những ca khúc “ra đời” trên chiến trường ngày ấy không những tạo không khí hừng hực, khí thế quyết tâm vang động cả núi rừng mà còn vang vọng đến ngày nay, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, trở thành những những áng ca bất hủ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Mốc son rực sáng ấy cũng là nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sĩ, nhạc sĩ ngày nay nối liền dòng chảy, sáng tác nhiều ca khúc mới tiếp tục ngân vang những giai điệu hào hùng của dân tộc.
Nguồn: vov.vn