Hiện, nhiều cơ sở đào tạo đại học trên toàn quốc (35/300 trường) có chương trình đào tạo liên quan tới vi mạch bán dẫn. Tập trung đào tạo kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn là hướng đi chiến  lược.

Thứ nhất, Việt Nam đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trong đó một số lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh như AI, IoT, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ 5G, 6G… đều trên nền tảng quan trọng là vi mạch bán dẫn.

Đào tạo nhân sự bán dẫn: Bắt đầu từ nhu cầu doanh nghiệp

Ông Phùng Việt Thắng – Giám đốc quốc gia Intel tại Việt Nam

Thứ hai, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, trong đó, đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đang được xây dựng với mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn đến năm 2030.  

Tuy nhiên, công nghiệp vi mạch bán dẫn có rất nhiều công đoạn khác nhau như: thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng… Mỗi công đoạn có yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Việt Thắng – Giám đốc quốc gia Intel tại Việt Nam đánh giá mặt tích cực của nguồn nhân lực nói chung của Việt Nam là tính sẵn sàng rất cao, từ những ngành đào tạo gián tiếp, đào tạo cơ bản hay đào tạo trực tiếp. Chỉ có điều, để làm việc được độc lập vẫn còn khoảng cách không nhỏ.

Giám đốc quốc gia Intel tại Việt Nam cho rằng, các cơ sở đào tạo chính là một trong những cầu nối cho tính sẵn sàng cao của nguồn nhân lực với sự chấp nhận của ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đào tạo nhân sự bán dẫn, không chỉ cần những sinh viên giỏi mà còn yêu cầu thực hành tốt, có năng lực làm việc với những kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo… Các trường đại học cần phải tập trung hơn đào tạo tốt hơn nội dung này.

Từ những yêu cầu trên, dù ở đại học lớn đã có kinh nghiệm trong đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, song PGS.TS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận thấy rằng, việc đầu tiên cần làm khi xây dựng chương trình đào tạo là căn cứ vào nhu cầu thực tế về số lượng và chất lượng từ các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các trường cần xác định trong 50.000 kỹ sư vi mạch có các khối kiến thức, kỹ năng sau 4 năm đào tạo có thể làm việc được, làm việc ở đâu, trong lĩnh vực nào của vi mạch bán dẫn.

Đào tạo nhân sự bán dẫn: Bắt đầu từ nhu cầu doanh nghiệp

Cần cơ chế hợp tác công – tư giữa các trường đại học và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp thúc đẩy đào tạo nhân sự bán dẫn

Ngoài chương trình, đầu tư xây dựng hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm cũng rất quan trọng trong đào tạo nhân sự bán dẫn. Việc kết hợp trường đại học với các trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp góp phần giải bài toán trên.  

Thực tế, có rất nhiều mức độ phòng lab khác nhau, có thể là quy mô quốc gia, cũng có thể là quy mô trường đại học. Tuy nhiên, vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm là cơ chế sử dụng phòng lab một cách hiệu quả. Điều này liên quan đến hợp tác đầu tư công – tư cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia.

Theo ông Phùng Việt Thắng, hợp tác công tư không chỉ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp mà trong lĩnh vực bán dẫn còn là hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp toàn cầu nước ngoài. Hợp tác giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ tự động có các cơ chế về thương mại, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và qua đó sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới.