Monday, January 20, 2025

Mở mạng là gặp ‘bẫy lừa’: Đừng tin dịch vụ lấy lại tiền!

Các hình thức lừa đảo trên internet ngày càng nhiều, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư… Các chiêu trò lừa đảo rất tinh vi, nếu người sử dụng internet không tỉnh táo để nhận diện sẽ rơi vào “bẫy lừa” giăng sẵn…

Nếu tin vào dịch vụ lấy lại tiền đang được quảng cáo nhan nhản trên mạng xã hội, có thể sẽ tiếp tục bị “bẫy lừa”, “nỗi đau lại nhân đôi”.
Mở mạng là gặp 'bẫy lừa': Đừng tin dịch vụ lấy lại tiền!

Kẻ lừa đảo cho biết PV “có tên trong danh sách được quyền hỗ trợ thu hồi vốn” với số tiền 840 triệu đồng

THANH NAM

Mở mạng là gặp 'bẫy lừa': Đừng tin dịch vụ lấy lại tiền!

Kẻ lừa đảo yêu cầu PV chuyển 3.840.000 đồng để làm “thủ tục ủy quyền hồ sơ”, chuyển khoản vào tài khoản Nguyễn Thị Diễm

THANH NAM

“HỖ TRỢ LẤY LẠI TIỀN, CAM KẾT UY TÍN…”

Chính vì mở mạng là gặp “bẫy lừa”, nên có nhiều người bị mất tiền. Lợi dụng tâm lý nạn nhân cần lấy lại tài sản, nhiều kẻ tiếp tục “tung chiêu” để rồi nạn nhân lại một lần nữa trải qua tình cảnh bị lừa gạt, càng mất thêm tiền.

Anh Nguyễn Hoàng Nhân (33 tuổi), ngụ ở Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết có tham gia một chương trình “ủng hộ từ thiện, nhận quà gấp đôi” trên mạng xã hội. Sau 3 tháng, anh nhận ra mình bị lừa 70 triệu đồng. Bất lực trong việc đòi lại tiền, anh tìm đến dịch vụ lấy lại tiền trên Facebook.

“Tôi liên hệ với fanpage Giải quyết tranh chấp luật Nam Sơn vì thấy lời giới thiệu đây là “đơn vị luật đầu tiên kết hợp với Cục An ninh mạng đã hỗ trợ cho 1.863 bộ hồ sơ trên các nền tảng xã hội và trên sàn giao dịch chứng khoán. Hãy liên hệ ngay để chúng tôi hỗ trợ tốt nhất”, anh Nhân kể.

Sau quá trình trao đổi, anh Nhân được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng… Anh đồng ý và chuyển khoản 4 triệu đồng với hy vọng được “những luật sư (LS) của fanpage Giải quyết tranh chấp luật Nam Sơn” giúp lấy lại tiền. “Dù họ cam kết uy tín, nhưng sau đó họ chặn tài khoản của tôi. Tôi không biết phải đòi lại 4 triệu đồng ấy như thế nào”, anh Nhân rầu rĩ.

Mở mạng là gặp 'bẫy lừa': Đừng tin dịch vụ lấy lại tiền!

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội, cảnh báo về “bẫy lừa” lấy lại tiền

THANH NAM

Chia sẻ với PV Thanh Niên, rất nhiều người kể đã từng bị lừa thêm tiền bởi quá tin vào dịch vụ lấy lại tiền mà các fanpage quảng cáo.

Hiện tại trên Facebook có vô số trang quảng cáo dịch vụ này. Các fanpage mạo danh các cơ quan chức năng, LS… nhận lấy lại tiền lừa đảo. Có thể kể như: “Công ty luật – hỗ trợ thu hồi tiền treo”, “Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05”, “Cổng thông tin – Học viện Cảnh sát nhân dân”, “Hướng dẫn thu hồi vốn treo hiệu quả”, “Văn phòng LS – hỗ trợ thu hồi vốn treo”…

“Tôi từng liên hệ fanpage Cổng thông tin – Học viện Cảnh sát nhân dân để cung cấp thông tin và nhờ lấy lại 400 triệu đồng. Số tiền này tôi bị lừa khi tham gia một nhóm làm thêm trên Telegram. Đại diện fanpage cho biết phải đóng số tiền 5,5 triệu đồng để làm chi phí. Đồng thời hứa hẹn “tiền sẽ về trong ngày”. Tuy nhiên tôi tiếp tục bị lừa”, anh Hồ Thanh Nhựt (31 tuổi), ngụ ở H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre, ngậm ngùi cho biết.

DỄ SẬP “BẪY lừa”

PV Thanh Niên đã liên hệ fanpage “Dịch vụ hỗ trợ thu hồi vốn treo” và cho biết bị kẹt 840 triệu đồng trong một sàn giao dịch tiền điện tử, nhờ lấy lại giúp. Đại diện fanpage cho biết sẽ kết nối tới chuyên viên chuyên phụ trách xử lý những trường hợp treo tiền trên các nền tảng app hoặc sàn giao dịch tiền điện tử.

Mở mạng là gặp 'bẫy lừa': Đừng tin dịch vụ lấy lại tiền!

Một fanpage quảng cáo về dịch vụ lấy lại tiền

CHỤP MÀN HÌNH

Sau đó, PV được kết nối với tài khoản Facebook tên Chu Thị Linh. Người này yêu cầu PV cung cấp họ và tên, tên ngân hàng, số tài khoản, số điện thoại, số tiền treo “để mình kiểm tra hệ thống giúp bạn”.

PV làm theo và được báo: “Hồ sơ Nguyễn Thanh Nam qua kiểm tra đã có tên trong danh sách được quyền hỗ trợ thu hồi vốn. Hiện tại bạn đang bị treo tổng số tiền là 840 triệu đồng. Vui lòng liên hệ chuyên viên để được hướng dẫn và xử lý hồ sơ và thu hồi vốn”. Người này nói với PV: “Trường hợp của bạn bên công ty mình đã nắm bắt được rồi. Muốn thu hồi số vốn này về cũng không khó. Quan trọng cần sự hợp tác của bạn để hoàn thành thủ tục và xử lý thu hồi toàn bộ số tiền về”.

Khi được hỏi về “sự hợp tác” là thế nào? Người này yêu cầu PV đóng 3.840.000 đồng để “làm thủ tục ủy quyền hồ sơ” và cam kết: “Sau khi chuyển tiền sẽ được giải ngân với số tiền 843.840.000 đồng”, “Đóng tiền xong, việc giải ngân sẽ được thực hiện sau 10 – 15 phút và không còn bất cứ ràng buộc nào khác”.

Kể lại câu chuyện này để thấy, dù PV “vẽ chuyện” và con số 840 triệu đồng là không có thật nhưng đại diện fanpage “Dịch vụ hỗ trợ thu hồi vốn treo” cũng như “chuyên viên” nói trên vẫn có thể biến không thành có, vẫn khẳng định “hồ sơ Nguyễn Thanh Nam qua kiểm tra đã có tên trong danh sách được quyền hỗ trợ thu hồi vốn với số tiền 840 triệu đồng”. Đây chính là minh chứng rõ nét cho việc các fanpage lập ra chỉ để lừa đảo.

Rất nhiều LS đã lên tiếng cảnh báo về chiêu lừa này. LS Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng LS Tinh Thông Luật, Đoàn LS TP.HCM, cho biết LS không có khả năng để giúp thu hồi tiền cho nạn nhân mà chỉ có thể tư vấn giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Nếu nạn nhân tin vào dịch vụ lấy lại tiền thì chắc chắn rơi vào cảnh “nỗi đau nhân đôi”, tiếp tục bị lừa. LS Bình cũng nhận định chiêu lừa này ngày càng nở rộ và mọi người rất dễ sập “bẫy lừa”.

Một giảng viên của Trường ĐH An ninh nhân dân (TP.HCM) cũng cho biết thời gian qua nhiều trường hợp bị lừa đảo khi đặt niềm tin vào “dịch vụ giúp lấy lại tiền bị lừa đảo”. Những kẻ lừa đảo rất tinh vi khi tạo ra nhiều fanpage, để tên có liên quan đến “công an”, “LS”… sau đó chạy quảng cáo trên Facebook nên dễ dàng qua mặt những người nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt tài sản.

“Khi bị lừa, việc cần làm là trình báo đến cơ quan công an để tố giác tội phạm. Phải tỉnh táo và tuyệt đối không tin vào những fanpage quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền dù cho có đăng hình của công an, LS, viện kiểm sát, tòa án… hoặc “nổ” có hợp tác với ngân hàng để giải quyết lấy lại tiền trong thời gian nhanh chóng. Có như vậy mới không tiền mất tật mang”, LS Bình khuyến cáo.

Trước tình trạng chiêu lừa này ngày càng bủa vây người dùng mạng xã hội, Công an TP.Hà Nội cũng vừa đăng bài đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Theo đại diện Công an TP.Hà Nội, khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. “Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy lừa”, bài viết nêu.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img