Hồ tiêu không chỉ đang tăng gần 45% mà kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cũng tăng mạnh ở nhiều thị trường, đặc biệt tại thị trường Đức tăng 113%, Hàn Quốc tăng 179%…
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm khoảng 26% do sụt giảm xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ở nhiều thị trường khác, kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến như Pakistan, Hoa Kỳ, Ấn Độ; đặc biệt tại thị trường Đức tăng 113%, Hàn Quốc tăng 179%…
Tương tự như mặt hàng cà phê, so với cùng kỳ năm ngoái, hồ tiêu – mặt hàng giao dịch lớn trong ngành hàng gia vị – đang tăng giá mạnh. Giá tiêu mua tại vườn tăng từ 67.000đ/kg lên 97.000đ/kg (tăng gần 45%) ở thời điểm cuối tháng 4. Mức giá này gần đạt đến mức đỉnh điểm (từ 120.000 – 150.000đ/kg) vào năm 2014 – 2015.
Theo bà Hoàng Thị Liên, sở dĩ giá tiêu tăng do hạn chế nguồn cung trên thế giới, từ các nước xuất khẩu chính là Indonesia, Ấn Độ, Malaixia; nhất là Brazil, Việt Nam – 2 quốc gia quyết định nguồn cung thế giới. Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết El Nino nắng hạn và không có mưa khiến sản lượng hồ tiêu thu hoạch bị ảnh hưởng.
VPSA dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong năm nay giảm từ 10 – 15%, tương đương 160.000 – 170.000 tấn. Trong khi đó, từ 2-3 năm tới, nhu cầu về hồ tiêu và các loại gia vị tiếp tục tăng; người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến sức khoẻ và có nhu cầu tìm đến các loại gia vị.
Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, đại diện VPSA cho biết, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp và bà con thực hiện 2 công việc quan trọng.
Thứ nhất, củng cố vùng sản xuất để duy trì sản lượng như hiện nay từ 170.000 – 190.000 tấn. Nếu để sản lượng tiêu giảm hàng năm sẽ ảnh hưởng đến vị thế của tiêu Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Hiệp hội mong muốn các bộ ngành, địa phương hỗ trợ bà con ưu tiên quan tâm giữ diện tích canh tác, không thay thế cây tiêu bằng một số loại cây đang rất “hot” hiện nay là sầu riêng và cà phê.
“Trong 25 năm qua, chưa bao giờ giá cà phê lại đuổi kịp và vượt cây tiêu như thời điểm này. Nói gì thì nói, không duy trì được sản lượng, Việt Nam không thể giữ thế chủ động, có vai trò điều tiết giá thị trường thế giới, qua đó, tạo điều kiện và có nguồn lực để hỗ trợ các cây gia vị khác rất có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm đầu tư tương ứng để bứt phá như cây quế, cây hồi. Hiện nay, những thay đổi về giá tiêu, người mua trên thế giới đều đến Việt Nam để quan sát và tìm nguồn hàng” – bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo đồng đều, đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn, yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ.
Trong từ 3-5 năm tới, VPSA đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho ngành hàng gia vị Việt Nam ở quy mô quốc gia. Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), VPSA đang thực hiện Chiến lược truyền thông xây dựng thương hiệu cho ngành hàng gia vị Việt Nam, trọng điểm là hồ tiêu, sau đó tạo hiệu ứng lan toả sang các loại cây tiềm năng như quế, hồi, ớt, gừng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn