Sunday, November 24, 2024

Sông Mã lại bị ô nhiễm nghiêm trọng

Một lần nữa sông Mã lại bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến hơn 14 tấn cá lồng của người dân các huyện miền núi Cẩm Thủy, Bá Thước (Thanh Hóa) chết trắng.

Tai họa lại ập đến với người nuôi cá lồng

Từ ngày 20.3 – 8.5, hàng trăm hộ dân sống dọc sông Mã đoạn qua các huyện miền núi Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bất lực nhìn từng lồng cá chết trắng do nước sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Sông Mã lại bị ô nhiễm nghiêm trọng

Cá trên sông Mã chết trôi dạt vào bờ

MINH HẢI

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, cá lồng và các loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã chết, xuôi từ hướng H.Quan Hóa về hướng hạ du sông, qua địa bàn các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy. Nhiều đoạn nước sông đen kịt, bốc mùi hôi tanh bất thường, nhất là khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2, thuộc địa phận xã Điền Lư và Lương Ngoại (H.Bá Thước).

Bà Nguyễn Thị Hậu (59 tuổi, ngụ phố Vận Tải, TT.Cành Nàng, H.Bá Thước) cho biết gia đình bà là hộ nghèo, sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản trên sông Mã. Nhưng vừa qua nước sông bỗng dưng đen kịt, cá lồng chết trắng, thủy sản trên sông cũng đang chết dần chết mòn khiến gia đình bà không còn nguồn sống.

“Hồi tháng 3.2021, nước sông Mã cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến gia đình tôi và nhiều hộ khác phá sản nghề nuôi cá lồng. Khi đó, thủy sản tự nhiên cũng chết không còn gì. Một thời gian sau, nước sông Mã dần trở lại bình thường, dân chúng tôi nuôi lại cá lồng, ngỡ rằng sẽ ổn định, ai ngờ nay tai họa lại ập đến. Cuối tháng 3 vừa rồi, nước sông Mã bất ngờ đen ngòm, mùi hôi tanh, mấy trăm cân cá trắm cỏ đã lớn từ 1 – 2 kg/con của nhà tôi chết hết. Đó là số cá mà chính quyền hỗ trợ giống nuôi, bao nhiêu công sức mấy năm nay giờ lại trắng tay lần nữa, giờ không biết phải làm thế nào”, bà Hậu cho hay.

Còn gia đình chị Ngô Thị Minh (38 tuổi, ngụ TT.Cành Nàng) đợt vừa rồi bị chết khoảng 1 tấn cá lăng và cá leo, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Sông Mã lại bị ô nhiễm nghiêm trọng

Hến trên sông Mã đoạn qua H.Bá Thước cũng đang chết dần chết mòn, khi đánh bắt lên chủ yếu là vỏ

MINH HẢI

“Vợ chồng tôi phải vay tiền ngân hàng để đầu tư nuôi cá lồng. Cứ ngỡ sau đợt ô nhiễm năm 2021, các doanh nghiệp chế biến lâm sản dọc sông Mã bị xử lý rồi thì nước sông Mã sẽ không ô nhiễm nữa, ai ngờ nay lại tiếp tục ô nhiễm khiến cá chết. Giờ lại lâm cảnh nợ nần, rồi tiền cho con cái ăn học mà nguồn thu khác thì không có, không biết người nuôi cá lồng trên sông Mã như vợ chồng tôi bao giờ mới hết khổ”, chị Minh nói giọng đầy bất lực.

Xuôi theo dòng sông Mã, PV tiếp tục đến khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 thuộc địa bàn các xã Điền Lư và Lương Ngoại (H.Bá Thước), chứng kiến nước cả khu vực hồ thủy điện rộng hàng chục héc ta chỉ một màu đen kịt, hôi tanh. Dọc bờ hồ thủy điện, hàng chục gia đình nhiều tuần qua mất ăn mất ngủ, thay nhau canh trực bơm nước từ suối, ao phía ngoài vào các lồng cá để tạo ô xy nhằm cứu vớt những con cá cuối cùng.

Ông Cao Văn Hùng (55 tuổi, ngụ thôn Điền Giang, xã Điền Lư) bức xúc cho hay: “Hơn 3 tuần nay rồi, ngày nào tôi cũng canh cả ngày lẫn đêm để bơm nước vào tạo ô xy cho cá thở, nếu dừng máy bơm khoảng 30 phút là cá chết ngay. Giờ cá bán cũng không ai dám mua vì dân bảo cá bị nhiễm độc, di chuyển đi nơi khác thì không có chỗ, mà giờ cá đang yếu, chuyển đi còn dễ chết hơn là để lại đây chờ may rủi. Nước trong lòng hồ thủy điện này đen ngòm, hôi thối như thế thì cái gì sống nổi”.

Khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 hiện có gần 100 hộ gia đình nuôi cá lồng, tuy nhiên phần lớn cá nuôi ở đây đã bị chết. Chỉ còn số ít lồng cá người dân đang cố cứu vớt, nhưng cũng không ai biết số phận những con cá đó sẽ như thế nào khi tình trạng ô nhiễm vẫn đang diễn ra.

Cần điều tra nguồn ô nhiễm

Thông tin từ UBND H.Bá Thước, tính đến 15 giờ ngày 4.5, toàn huyện đã có 231 lồng cá của 175 hộ dân ở 8 xã, thị trấn bị chết, với tổng khối lượng cá chết hơn 13,1 tấn. Tại H.Cẩm Thủy có gần 1 tấn cá lồng của người dân ở xã Cẩm Thành bị chết. Riêng các loài thủy sản tự nhiên bị chết không được các địa phương thống kê.

Sông Mã lại bị ô nhiễm nghiêm trọng

Người nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 đang cố gắng dùng nhiều cách cứu những con cá cuối cùng

MINH HẢI

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Bá Thước, bày tỏ lo lắng về số phận của ngành nuôi trồng thủy sản trên sông Mã, khi liên tục xảy ra tình trạng nước sông bị ô nhiễm. “Sau đợt cá chết năm 2021, cứ ngỡ môi trường sông Mã sẽ trở lại bình thường, ổn định nên từ hơn 700 lồng cá khi đó, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển lên hơn 1.000 lồng cá. Nhưng nay cá lại chết nhiều, tình hình này có lẽ nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Mã của huyện rất khó phát triển khi người dân phải gánh chịu thiệt hại nhiều lần”, ông Tâm nói.

Còn ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND H.Bá Thước, cho biết sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết, các sở TN-MT, NN-PTNT đã cử đoàn về kiểm tra, lấy mẫu để tìm nguyên nhân. UBND H.Bá Thước cũng đang lên phương án hỗ trợ người dân có cá bị chết.

Nói về kết quả xét nghiệm mẫu cá, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Thanh Hóa (thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa), cho biết mẫu phân tích, xét nghiệm cá chết nguyên nhân không phải do dịch bệnh, cũng không phát hiện các loại vi khuẩn nào khiến cá chết.

Đối với mẫu phân tích nước sông Mã lấy ở nhiều thời điểm, nhiều vị trí khác nhau do Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT Thanh Hóa) thực hiện, kết quả phát hiện hàm lượng ô xy hòa tan trong nước thấp hơn mức bình thường, và một số vị trí trên sông Mã nước có chất lượng thấp, không đảm bảo môi trường sống cho các loài thủy sản. Sở TN-MT Thanh Hóa cũng không loại trừ khả năng nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp.

Như vậy, nước sông Mã có dấu hiệu bất thường từ ngày 20.3 đến nay, tuy nhiên các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa mới dừng lại ở việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, cảnh báo người dân tìm cách cứu cá chứ chưa quyết liệt trong việc truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Khi chưa tìm được nguồn gây ô nhiễm, không truy được thủ phạm thì sông Mã sẽ trở thành dòng sông “chết” bởi không loài thủy sản nào có thể sinh sống, và đe dọa nguồn nước tưới, nước sinh hoạt của hàng ngàn người dân.

Từ tháng 3 – 4.2021, nước sông Mã đoạn qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều chỉ số vượt ngưỡng cho phép, không đảm bảo môi trường sống cho các loài thủy sản. Thời điểm đó, đã có hơn 60 tấn cá lồng của người dân bị chết. Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, điều tra phát hiện có 9 doanh nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất giấy, vàng mã dọc sông Mã có hành vi chôn đường ống ngầm để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Sau đó, các doanh nghiệp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, và buộc khắc phục bằng cách đầu tư, xây dựng đầy đủ hệ thống xử lý nước thải.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img