Friday, November 1, 2024

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 4

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 818 triệu đồng trong tháng 4/2024.

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 4

 

Chiều 13/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành thông tin và truyền thông trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của bộ trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành thông tin và truyền thông đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 1.365.758 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).

Về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, trong tháng 4/2024, số cuộc tấn công mạng là 370 cuộc, giảm 25,7% so với cùng kỳ tháng 4/2023 (498 cuộc). Số lượng địa chỉ IP botnet là 439.886 địa chỉ, giảm 12,5% so với cùng kỳ tháng 4/2023 (502.826 địa chỉ).

Về công tác giám sát tỷ lệ thông tin trên báo chí, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí là 19,03%, tăng 0,92% so với tháng trước (giảm 7,69% so với cùng kỳ). Tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí là 60,23%, giảm 2,17% so với tháng trước (giảm 2,48% so với cùng kỳ).

Trong tháng 4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 818 triệu đồng. Trong đó bao gồm: xử phạt Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Thành Đạt số tiền 170 triệu đồng do có hành vi cung cấp dịch vụ nội dung theo định kỳ trên mạng viễn thông di động mà không có sự đồng ý của người sử dụng bằng tin nhắn ngắn; xử phạt Công ty Cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) số tiền 85 triệu đồng do có hành vi cung cấp chương trình, kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình có nội dung không được thông tin trên báo chí, không được phép phổ biến, có nội dung bị cấm hoặc có quyết định thu hồi, tịch thu; xử phạt Viện Nghiên cứu pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và Người tiêu dùng số tiền 60 triệu đồng do có hành vi thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp tại tên miền phapluat24g.vn khi chưa được cấp phép; xử phạt Tạp chí điện tử VnMedia số tiền 110 triệu đồng do có hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, mở chuyên trang đối với tạp chí điện tử mà không có giấy phép.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Quyết định đình chỉ Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (lần 2) trong thời hạn 3 tháng đối với 49 doanh nghiệp, với các lỗi vi phạm được xác định là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ G1 không đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng quy định sau khi đã được Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu khắc phục bằng văn bản và không thực hiện báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong tháng 4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thành công Lễ khai mạc và Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đem đến tinh thần mới: “Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển ở đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó”.

Bộ cũng đã tổ chức phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; tọa đàm cấp cao về an toàn thông tin mạng “Nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu và ứng phó sự cố tấn công mạng trong kỷ nguyên số”.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Bộ cũng đã ra mắt Sổ tay hướng dẫn tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (Phiên bản 1.0) và Cẩm nang phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công ransomware nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực chủ động ứng phó và phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định công nhận kết quả Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024) của Việt Nam. Theo đó, bức thư của em Nguyễn Đỗ Quang Minh, lớp 9/1, trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng đã xuất sắc giành giải nhất quốc gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53.

Trong tháng 4, Bộ đã khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài, tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; phát hành bộ tem 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tổ chức trình chiếu bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” bằng công nghệ 3D Mapping” tại Tượng đài Cảm tử, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai mạc Ngày hội Game Việt Nam – Vietnam GameVerse 2024 quy tụ 50 gian hàng từ 45 nhà phát hành, công ty công nghệ…, không gian triển lãm mở rộng ra bên ngoài nhà thi đấu với khu Wonderland để đáp ứng nhu cầu lớn từ cộng đồng game, cosplay, doanh nghiệp.

Cũng tại họp báo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về tình hình tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cử tri trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, trong Kỳ họp thứ 6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận và xử lý và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ 45 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 42 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến và 3 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển đến.

Nội dung kiến nghị của cử tri tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật Bưu chính, Luật Báo chí, Luật Xuất bản; sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ; giải quyết tình trạng “SIM rác”, tin nhắn rác, “tài khoản rác”; phủ sóng các thôn, bản nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn tình trạng quảng cáo không đúng sự thật về công dụng của thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông; có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm soát, kiểm duyệt hiệu quả hơn đối với các thông tin được truyền tải trên Internet… và một số vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một số giải pháp cụ thể đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện bao gồm: trình Chính phủ hồ sơ Luật Báo chí (sửa đổi); Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; tiếp tục triển khai phủ sóng vùng lõm, thúc đẩy tắt sóng 2G theo lộ trình; gắn trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi), Luật Xuất bản (sửa đổi); tham mưu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, như: Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Nghị định sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin… và tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img