Không chỉ công chúng, những chuyên gia âm nhạc cũng đồng tình rằng ILLIT có quá nhiều sự tương đồng với nhóm nhạc NewJeans.
Trang cãi về việc ILLIT bắt chước NewJeans là một trong những nguyên nhân chính khiến HYBE và Ador xảy ra nội chiến. Sau những tuyên bố của Min Hee Jin, khán giả cũng đồng tình rằng nhóm nhạc nữ mới của HYBE quá giống với “đàn chị” cùng tập đoàn và ngay cả các chuyên gia âm nhạc Hàn Quốc cũng cho rằng đây là hành vi vi phạm tới tính sáng tạo.
Thực tế là từ khi ra mắt, ILLIT đã bị cho là quá giống với NewJeans. Cả hai đều ghi dấu ấn với những ca khúc nhạc điện tử nhịp điệu nhanh, sôi động, quảng bá với concept đồng phục học sinh mơ mộng, nhiều vũ đạo có phần giống nhau. Thậm chí, việc xuất hiện tại các sự kiện của thương hiệu thời trang ngay sau khi ra mắt cũng là điều cả hai nhóm từng làm. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả bìa album và các sản phẩm đi kèm cũng là hình ảnh các nhân vật hoạt hình và có nét giống nhau.
Một chuyên gia âm nhạc nhận xét về những điểm tương đồng này: “Điều cốt lõi của một thần tượng là ý tưởng của họ. Mặc dù các chi tiết có thể khác nhau nhưng khái niệm tổng thể của hai nhóm đều giống nhau. Đây có thể coi là hành vi vi phạm”.
Sự giống nhau giữa ILLIT và NewJeans khiến cả công chúng lẫn các chuyên gia nghi ngờ. (Ảnh: Ador/ HYBE)
Trong khi đó, một CEO từ công ty âm nhạc cũng cho rằng hai nhóm nhạc này có concept tương tự nhau và việc cùng lên lịch để họ ra sản phẩm cùng thời điểm khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn.
Nhiều chuyên gia khác cũng phân tích hình ảnh của ILLIT và nhận thấy rằng nhóm tân binh này chịu ảnh hưởng đáng kể từ nhóm nhạc của Ador. “Hành vi vi phạm sự sáng tạo gốc đáng bị chỉ trích. So sánh phông chữ và các sản phẩm đi kèm album của hai nhóm, tôi tin rằng nó đã đạt tới mức xâm phạm công sức của người sáng tạo. Vấn đề này không chỉ gây ra sự bức xúc cho công chúng mà còn cho những người làm nghệ thuật”, một chuyên gia về thị giác phân tích.
Các chuyên gia cho rằng vì NewJeans quá thành công nên HYBE quyết định đi theo công thức này “một cách mù quáng” và đây là việc làm “coi thường lương tâm của người làm sáng tạo”. Thậm chí, một số người chỉ trích hành động của tập đoàn là thiếu đạo đức nghề nghiệp.
Nói về sự sao chép hiện tại, luật sư Noh Jeong Eon phân tích: “Nếu công ty mẹ sao chép ý tưởng từ công ty con, nhãn hiệu này sẽ không có cách nào tự bảo vệ mình như đã nêu trong thoả thuận cổ đông. Việc bảo vệ thực tế có thể gặp khó khăn do thiếu các điều khoản. Một trong những điểm đáng chú ý trong thoả thuận là việc thiếu quy định liên quan tới tình huống công ty mẹ đánh cắp bất hợp pháp từ tài nguyên công ty con. Các concept và vũ đạo hiện đang ở điểm mù, không được bảo về về quyền sở hữu trí tuệ như các nguồn âm nhạc”.
Nguồn: vtv.vn