Cần một “nền” môi trường kinh doanh thực sự tốt để doanh nghiệp phát triển, từ đó mới tạo ra được những doanh nghiệp lớn.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ về mục tiêu từ nay đến 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới.
TS. Võ Trí Thành đánh giá, Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 66/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định vai trò của doanh nhân, bất kể họ làm trong khu vực kinh tế nào.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW nhấn mạnh vai trò và đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban ngành và cơ quan có chuyên môn để hướng tới các mục tiêu chính từ năm 2024 đến 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Trong đó, hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Đặc biệt, mục tiêu từ nay đến 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…
Theo TS. Võ Trí Thành, để thực hiện được mục tiêu này bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có cách thức thích hợp trong môi trường, thị trường hội nhập để phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp dẫn dắt.
Để có được một doanh nghiệp lớn cần có 3 yếu tố, đó là năng lực sáng tạo công nghệ, thương hiệu không chỉ ở tầm quốc gia mà phải vươn tầm quốc tế, phải có tính dẫn dắt và lan tỏa.
Một doanh nghiệp được đánh giá là lớn khi nhìn vào doanh số, nguồn vốn, nguồn nhân lực. “Nếu “đo” 3 yếu tố trên để khẳng định số doanh nghiệp thực sự lớn mạnh thì doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, vì chưa dẫn dắt được chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu”, TS. Võ Trí Thành nói.
Để các doanh nghiệp trong nước thực sự lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có hai việc cần làm. Thứ nhất, phải tái cấu trúc doanh nghiệp, phát triển theo hướng hợp thời và đón đầu tương lai. Thứ hai, đón nhận hỗ trợ nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, thực tế số đông doanh nghiệp hiện có quy mô nhỏ và vừa nên cần môi trường kinh doanh thực sự tốt để họ phát triển kinh doanh.
“Đây là “nền” tạo ra những doanh nghiệp lớn. Điều này cũng liên quan đến tạo dựng những doanh nghiệp dẫn dắt để tạo sự lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ sinh thái, chuỗi cung ứng”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận, nhìn vào các tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu của các tỉ phú USD hiện nay, chúng ta cần tôn vinh những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất.
“Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, chỉ những doanh nghiệp sản xuất mới lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, sản xuất”, TS. Nguyễn Minh Thảo khẳng định.
Vẫn theo TS. Nguyễn Minh Thảo, những doanh nghiệp đi lên từ sản xuất sẽ tạo tính lan tỏa, dẫn dắt cao hơn, một số doanh nghiệp sau khi thành công với bất động sản cũng đang chuyển hướng đầu tư vào sản xuất.
Tạp chí Forbes mới công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2024. Theo đó, Việt Nam có 6 đại diện, đó là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) và ông Trần Bá Dương (Thaco). Theo bảng xếp hạng của Forbes, 6 tỷ phú USD Việt Nam hiện có tổng tài sản 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 12,6 tỷ USD cùng thời gian này năm ngoái. |
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn