Monday, November 25, 2024

Nguyên tắc giữ ấm, tránh bị ốm khi trời lạnh sâu

Theo ThS.BS Đoàn Thị Anh Đào – Phó trưởng khoa Nội (Bệnh viện Thanh Nhàn), vào các năm trước đây khi thời tiết chuyển lạnh, số bệnh nhân tới khám, nằm viện thường tăng lên ở người già và trẻ nhỏ, bệnh nhân có bệnh lý nền.

Nguyên nhân là do sự thay đổi thời tiết là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn trong đường hô hấp nhân lên nhan chóng, xâm nhập vào mô và gây bệnh. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh giá, mọi người thường ở trong phòng kín khiến các bệnh lý đường hô hấp lây qua giọt bắn dễ lây lan hơn.

Để có một sức khoẻ tốt trong mùa đông, bác sĩ Đào lưu ý mọi người cần phải giữ ấm cơ thể, mặc áo đủ ấm, giữ ấm những vùng quan trọng trên cơ thể như cổ, gan bàn chân,… và nên đeo khẩu trang.

Bác sĩ Đào lý giải thêm: “Việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài rất quan trọng vì ngoài việc làm ấm được không khí khi đi vào đường hô hấp còn hạn chế được việc lây nhiễm bệnh từ những giọt bắn qua đường không khí.

Để phòng ngừa mắc bệnh trong mùa đông, theo bác sĩ Đào, sau khi tắm bằng nước ấm phải lau khô người, mặc ấm khi ra khỏi phòng tắm; giữ vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch có tính sát khuẩn nhẹ.

Ngoài ra, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh là một trong những cách đơn giản giúp nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật. Theo đó, mọi người cần phải ăn cân đối các nhóm thực phẩm phù hợp với thể trạng cơ thể.

Nguyên tắc giữ ấm, tránh bị ốm khi trời lạnh sâu

Thời tiết lạnh giá không giữ ấm dễ bị ốm, ảnh minh hoạ.

Đối với người đang điều trị các bệnh lý nền cần thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ; Duy trì hoạt động thể dục đều đặn và phù hợp; Tiêm phòng vắc xin hàng năm, đặc biệt là vắc xin cúm, phế cầu với trẻ em và người cao tuổi.

Bác sĩ Đào khuyến cáo: “Mọi người không nên tự mua thuốc khi có các triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi…)”.

Nguyên tắc giữ ấm cho trẻ nhỏ

Bác sĩ Phí Xuân Thi, Khoa Nhi (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), cho biết khi thời tiết lạnh, không ít phụ huynh băn khoăn không biết con mặc đủ ấm hay chưa, nếu cho trẻ mặc ít sợ lạnh, mặc nhiều sợ trẻ vận động ra mồ hôi bị thấm ngược trở lại.

Khi mặc quần áo cho con, cha mẹ chú ý đảm bảo 4 điểm trên cơ thể con luôn cần giữ ấm, đó là: bàn tay, bàn chân, ngực và lưng. Phần đầu đảm bảo thoáng mát.

1. Bàn tay ấm: Giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không đổ mồ hôi.

2. Lưng ấm: Cũng như bàn tay, lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải vì nếu đổ mồ hơi ở lưng và không được lau kịp thời, mồ hôi sẽ thấm ngược vào trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh. Nếu bố mẹ thấy cổ và lưng của trẻ lạnh, điều đó có nghĩa con cần được mặc thêm quần áo.

3. Bụng ấm: Bụng được giữ ấm sẽ giúp bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của con.

4. Bàn chân ấm: Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể bé bởi vì dưới bàn chân có rất nhiều mạch và huyệt. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.

Theo các chuyên gia, khi ở trong nhà, để đầu trẻ thông thoáng, thoải mái, không cần đội mũ. Chỉ khi đi ra ngoài, trẻ mới cần đội mũ để giữ ấm. Nguyên tắc giữ ấm cho trẻ trong ngày lạnh:

– Mặc quần áo theo lớp: Một số mẹ thấy trời lạnh thường mặc áo len, áo khoác dày cho trẻ nhưng đây không phải cách mặc đồ lý tưởng cho trẻ. Cách tốt nhất là mặc đồ theo lớp để dễ dàng điều chỉnh quần áo phù hợp với nhiệt độ cơ thể trẻ. Đảm bảo không mặc quá 4 lớp áo, nếu không trẻ sẽ cảm thấy khó cử động và bí bách, thậm chí ra mồ hôi.

Lớp quần áo trong cùng nên cho trẻ mặc các loại áo quần phông, cotton ôm khít cơ thể, tiếp theo là áo len, áo khoác, khi đi ra ngoài trẻ cần thêm mũ và găng tay. Khi đi ngủ, trẻ cần đắp thêm chăn hoặc dùng túi ngủ.

– Mặc quần áo từ từ: Khi thời tiết chuyển lạnh, không nên ngay lập tức cho em bé mặc quần áo quá dày đột ngột. Mẹ nên để bé mặc nhiều đồ dần dần và từ từ tăng thêm số lượng. Việc này sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng chịu lạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh.

– Không ủ hay quấn trẻ quá mức: Việc quấn bé quá nhiều lớp có thể cản trở quá trình hô hấp của trẻ. Tránh sử dụng những chiếc khăn dài quanh cổ hoặc mặt của em bé; thay vào đó, che chắn trẻ khỏi những cơn gió nhẹ với sự trợ giúp của xe đẩy hoặc đưa trẻ vào nơi kín gió.

– Những thứ cần tránh: chăn dày và nặng; nệm mềm và nhẹ; chăn điện hay đệm điện, máy sưởi… Đây là những đồ vật có thể khiến trẻ đối mặt nguy cơ nghẹt thở, bỏng hay mắc kẹt.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img