Thursday, December 5, 2024

Các di tích, làng nghề truyền thống ngày càng thu hút du khách trẻ

Trước đây, việc thu hút du khách trẻ là một trong những bài toán được cho là khó đối với các di tích lịch sử, làng nghề, nhưng nay điều đó đã thay đổi.

Những năm gần đây, hoạt động du lịch, trải nghiệm tại các khu di tích đã có nhiều những đổi mới tích cực từ cách thức hoạt động cho đến việc truyền thông quảng bá, qua đó giúp các bạn trẻ có thể tiếp cận gần hơn, dễ dàng hơn với lịch sử văn hoá truyền thống của đất nước.

Ngoài ra thời gian gần đây nhiều bạn trẻ dành thời gian rảnh của mình tới các địa điểm mang nhiều yếu tố lịch sử truyền thống như các viện bảo tàng, di tích cổ….

Đang theo học tại một trường Đại học Quốc tế tại Hà Nội, tiếp cận nhiều kiến thức và văn hóa nước ngoài, tuy vậy Khánh Linh cùng những người bạn của mình thường tìm đến bảo tàng vào thời gian rảnh, vừa để thư giãn vừa học hỏi được nhiều kiến thức về lịch sử đất nước.

Em Nguyễn Thái Khánh Linh chia sẻ: “Hiện tại mình đang học đại học nhưng ở trường không có quá nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa về dân tộc. Cho nên, nếu muốn tìm hiểu thêm thì chúng mình sẽ tự đến các địa điểm mang nhiều nét về văn hóa lịch sử”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Trong thời gian gần đây, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đón nhiều bạn trẻ, trong đó có nhiều sinh viên của các trường đại học. Khi trao đổi với các bạn trẻ, tôi thấy họ đều có đam mê và yêu thích di sản”.

Các di tích, làng nghề truyền thống ngày càng thu hút du khách trẻ

Đi xa hơn khỏi trung tâm thành phố, các địa điểm làng nghề cũng ghi nhận nhiều bạn trẻ tìm đến để trực tiếp tìm hiểu về văn hoá lâu đời. Đi sâu vào làng cổ Bát Tràng, những chứng tích lâu đời như lò bầu nung gốm 100 năm tuổi, giếng làng 400 năm tuổi hay quy trình mà các nghệ nhân làm ra một sản phẩm gốm… đã thu hút được rất nhiều người trẻ tới tham quan tìm hiểu.

Em Nguyễn Thị Kim Oanh (Huyện Thanh Hà, Hải Dương) cho biết: “Lúc đến đây, em cảm thấy rất thích thú, vì nơi đây có những nét văn hoá lịch sử mà em chưa từng biết”.

Em Ngô Quỳnh Anh (Huyện Thanh Hà, Hải Dương) hồ hởi chia sẻ: “Em ấn tượng với con đường gốm, xung quanh được trang trí bởi những tác phẩm. Em thấy nó rất đặc biệt”.

Cũng không phải ngẫu nhiên, các di tích tiếp cận được gần hơn với nhóm du khách trẻ. Các di tích, làng nghề tại Hà Nội đã tích cực làm mới mình, như đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội, hay áp dụng những công nghệ hiện đại mang lại nhiều trải nghiệm mới cho khách tham quan, như tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, việc kết hợp không gian di tích với công nghệ âm thanh ánh sáng đã gây ấn tượng và thu hút nhiều du khách trẻ.

Em Bùi Thu Hiền, một sinh viên, nhận xét: “Nó rất bắt mắt. Em nghĩ đó là một cách tiếp cận khá mới để giúp tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa lịch sử”.

Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đã áp dụng công nghệ thông tin vào việc truyền thông về di tích Văn Miếu. Trong đó có việc thực hiện 3D Mapping – một công nghệ mới, giúp thu hút thêm một lượng học trò, học sinh, người trẻ đến tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám vào buổi tối”.

Theo các chuyên gia, người trẻ nói riêng và người Việt Nam có tinh thần yêu nước, yêu lịch sử văn hoá nên chỉ cần có phương thức truyền thông, làm du lịch đúng đắn thì những địa điểm, di tích lịch sử sẽ ngày càng tạo ra sức hút với tệp du khách này, trở thành nguồn lực lớn góp phần cho sự tăng trưởng du lịch của nước ta.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img