Thursday, December 5, 2024

Những ngôi chợ độc đáo: Phiên chợ sâm tiền tỉ

Dù chỉ họp mỗi tháng một lần nhưng khi kết thúc, phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện vùng cao Quảng Nam đã thu về hàng chục tỉ đồng và trở thành “điểm hẹn” của người dân, du khách khắp nơi. Phiên chợ cũng trở thành nơi thẩm định chất lượng sâm thật – giả.

GÙI SÂM XUỐNG NÚI MANG TIỀN TỈ VỀ NHÀ

Từ “bài thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng, sâm Ngọc Linh đã có hành trình bước ra khỏi đại ngàn Trường Sơn một cách ngoạn mục, để trở thành quốc bảo VN. Là một trong hai tỉnh sở hữu “báu vật” trên đỉnh Ngọc Linh ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, Quảng Nam từ lâu có chiến lược tổ chức các lễ hội, phiên chợ về sâm Ngọc Linh…

Những ngôi chợ độc đáo: Phiên chợ sâm tiền tỉ

Khách lựa chọn mua sâm Ngọc Linh tại phiên chợ. Ảnh: Mạnh Cường

Ra đời vào năm 2017, phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức từ ngày 1 – 3 hằng tháng. Trung tâm trưng bày ở xã Trà Mai (H.Nam Trà My) trở thành “điểm hẹn” của người dân, du khách khắp nơi có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh. Tại mỗi kỳ chợ được tổ chức sẽ có khoảng 20 gian hàng của các cá nhân, đơn vị có sâm trồng ở đỉnh Ngọc Linh đưa đến giao dịch. Ngoài mặt hàng chính là sâm, chợ còn bán một số sản vật vùng cao của Nam Trà My. Cảnh trao đổi, mua bán và… đếm tiền ở chợ đông vui như hội.

Ở chợ sâm, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân đi xe máy, ăn mặc lấm lem cõng ba lô. Nhưng, đừng nhìn bề ngoài của bà con mà đánh giá sai lầm, bởi trên lưng mỗi người khi xuống chợ đều cõng những gốc sâm Ngọc Linh. Mỗi gốc sâm có giá thấp cũng vài chục triệu, cao nhất gần cả tỉ đồng. Minh chứng rõ nhất cho việc này là tại phiên chợ sâm lần thứ 5 diễn ra mới đây, anh Đinh Hồng Thắng (39 tuổi, dân tộc Xê Đăng, chủ hộ trồng sâm ở thôn 2, xã Trà Linh) đã bán một gốc sâm “khủng” với giá gần 900 triệu đồng.

Anh Thắng cho biết củ sâm này được gia đình trồng từ cách đây hơn 20 năm. Sau thời gian chăm sóc, cây sâm nặng 0,9 kg bao gồm cả thân, rễ và gốc. Cây sâm mọc ra 8 nhánh đang cho hoa và hạt, với dáng chuẩn “chưa từng thấy”. Chỉ tính riêng việc mỗi năm, từ 8 nhánh của cây sâm này đã cho ra hàng trăm hạt sâm. Mỗi hạt trị giá khoảng 150.000 đồng, chưa kể sâm ở độ tuổi này có chất lượng rất cao.

Tham gia chợ từ phiên đầu tiên năm 2017, cũng ngần ấy thời gian chị Hồ Thị Mười (tiểu thương người Xê Đăng) gắn bó với phiên chợ sâm tiền tỉ. Để được vào chợ, chị Mười cũng như tất cả người bán khác phải đưa hàng đến tổ thẩm định để kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, xác định trọng lượng. Những củ sâm được người am hiểu về loại dược liệu quý hiếm này kiểm tra bằng mắt thường, công đoạn này mất khoảng 5 – 15 phút. “Nhờ cây sâm Ngọc Linh, nhiều hộ dân đồng bào đã đổi đời và trở thành tỉ phú. Phiên chợ cũng trở thành địa chỉ uy tín thẩm định chất lượng sâm Ngọc Linh thật – giả”, chị Mười nói.

NƠI THẨM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG SÂM

Trước phiên chợ, những cá nhân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh đều phải đăng ký và cam kết số lượng sâm sẽ bày bán.

Những ngôi chợ độc đáo: Phiên chợ sâm tiền tỉ
 
Củ sâm khủng được bán với giá gần 900 triệu đồng

 

Với sâm trồng ở từng thôn, sau khi nhổ, chủ vườn phải ghi lại số lượng để được cán bộ thôn, xã xác nhận. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Sâm Ngọc Linh khi được đưa vào phiên chợ còn phải được kiểm tra kỹ càng từng củ bằng mắt thường, cảm nhận từ việc tiếp xúc và ngửi mùi. Nếu nghi ngờ không giống sâm bản địa, tổ thẩm định yêu cầu giữ lại, báo cơ quan chức năng lập biên bản và lấy mẫu xác định thật – giả.

Tổ thẩm định sâm Ngọc Linh của H.Nam Trà My ra đời cùng lúc với phiên chợ, riêng anh Hồ Văn Dang (31 tuổi, người Xê Đăng), Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh, đã có khoảng 6 năm tham gia thẩm định. Với nhiều năm kinh nghiệm, vị phó chủ tịch xã này được giới buôn bán sâm tặng biệt danh “cao thủ thẩm định sâm”. “Để các thương gia yên tâm tìm mua đúng loại dược liệu mình cần, huyện đã thành lập một nhóm người có kinh nghiệm về sâm làm nhiệm vụ thẩm định chất lượng sâm Ngọc Linh tại phiên chợ, giúp bảo vệ thương hiệu “quốc bảo” trước nạn sâm giả có nguy cơ trà trộn”, anh Dang chia sẻ.

Theo anh Dang, để phân biệt được sâm giả, sâm thật có rất nhiều cách. Mặc dù là sâm bản địa, nhưng nếu được trồng ở các thôn, xã khác nhau thì màu sắc củ sâm cũng có điểm khác, do yếu tố đất trồng. Do đó, đôi khi phải đưa lên mũi ngửi, hoặc nếm. Củ sâm Ngọc Linh có hương vị đắng, ngọt, mùi thơm nhẹ và ít nồng chứ không phải đắng, chát như các loại sâm khác. Ngoài ra, mỗi đốt tương ứng với một chu kỳ sinh trưởng, là một năm. Vì thế, người trồng sâm thường nhìn vào đó để đoán tuổi. “Với những người trồng sâm lâu năm, ăn ngủ cùng sâm như tụi tôi thì chỉ cần nhìn qua là có thể phân biệt ngay, xem qua một lần là biết cây sâm bản địa hay đưa từ nơi khác đến”, anh Dang nói.

Cách anh Dang kể, thoạt nghe có vẻ rất dễ nhận biết độ chính xác về sâm, nhưng để làm được điều đó, phải dành rất nhiều thời gian, công sức và tình yêu với “cây thuốc giấu”. Bởi ngoài sự tinh tế, phải có thêm con mắt tinh tường để quan sát quá trình sinh trưởng của sâm cho cả một vòng đời…

Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết từ khi sâm Ngọc Linh có giá trị cao trên thị trường đã xuất hiện tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có gắn mác sâm Ngọc Linh trên không gian mạng. Điều này gây ảnh hưởng thương hiệu, uy tín các sản phẩm đặc hữu địa phương. Vì vậy, muốn mua được sâm Ngọc Linh thật hãy đến phiên chợ sâm hằng tháng.

“Sâm đưa vào phiên chợ sẽ được kiểm soát chặt nguồn gốc, doanh nghiệp tham gia cũng phải có chứng nhận nguồn gốc, vùng trồng rõ ràng, chưa kể “cửa ải” tổ thẩm định gồm nhiều thành viên”, ông Mẫn khẳng định. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img