Sunday, June 16, 2024

“Bên Lăng Bác Hồ” – Bài hát hay đầu tiên về Lăng Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ ở tầm vóc, công đức mà còn ở khía cạnh khác: Trên thế giới không có lãnh tụ nào lại có nhiều tác phẩm văn nghệ – trong đó có âm nhạc – nói đến nhiều như Người. Càng độc đáo hơn khi đã từ trần, về cõi vĩnh hằng, nhưng những bài ca về Người vẫn tiếp tục ra đời, trong đó ca khúc đề cập đến công trình kiến trúc đặc biệt là lăng Bác chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Cũng có nhiều lãnh tụ vĩ đại trên thế giới sau khi qua đời, nhân dân đã xây lăng mộ để ghi nhớ công đức. Nhưng có nhiều bài hát hay về lăng thì chỉ có các nhạc sĩ Việt Nam mới dành nhiều tác phẩm để nói đến lãnh tụ của mình. Trong số những bài hát về chủ đề này không thể không nhắc đến Bên Lăng Bác Hồ của nhạc sỹ Dân Huyền – bài hát đầu tiên viết về công trình xây lăng Bác của một tác giả quen biết, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền, vì ông có nhiều năm là Trưởng phòng biên tập dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Là người am hiểu sâu sắc dân ca Việt Nam, qua mấy chục năm gắn bó với làn sóng phát thanh, ông từng biên soạn, đặt lời mới cho hàng trăm làn điệu dân ca nổi tiếng, góp công sức đáng kể cho việc bảo tồn, phát triển nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Mấy chục năm qua, hẳn là nhiều người đã rất quen biết và từng thuộc lòng bài hát của Dân Huyền: “Niềm ao ước bấy lâu, nay đã thoả nỗi chờ mong. Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng. Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng. Xin hiến dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông”. Nhưng không thể rõ bài hát đã được hình thành ra sao, trong bối cảnh như thế nào?

“Bên Lăng Bác Hồ” - Bài hát hay đầu tiên về Lăng Bác

Nhạc sỹ Dân Huyền

Đó là vào dịp tháng 10 năm 1974. Đài Tiếng nói Việt Nam có tổ chức cho một đoàn văn nghệ sĩ đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác ở quảng trường Ba Đình (gồm các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ…) Dân Huyền đã có mặt trong đoàn. Đó là một công trường lớn với không khí lao động hết sức khẩn trương của toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng. Giữa bề bộn, ngổn ngang các giàn giáo, nổi lên khối nhà Lăng Bác uy nghi, sừng sững. Nhạc sĩ đã đắm mình vào thực tế lao động này, cảm nhận được tình cảm hân hoan, náo nức của mọi người đang làm việc. Ông thấy ai cũng muốn công trình sớm được hoàn thành để đón Bác vào yên nghỉ ngàn thu. Trên gương mặt của những kỹ sư và công nhân luôn lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng rạng ngời niềm vui. Tất cả đều cùng suy nghĩ hướng về vị lãnh tụ kính yêu.

Giữa không khí đó, Dân Huyền lại phát huy trí tưởng tượng của người sáng tác, đã hình dung tới những đoàn người đủ cả già, trẻ, gái trai từ khắp mọi miền đất nước về thủ đô viếng Người, được nhìn thấy Người, dẫu đã yên nghỉ – điều mà cả đời họ vẫn mong ước. Và đặc biệt hơn là đồng bào, chiến sĩ miền Nam sẽ được ra Hà Nội, vào với Bác. Họ sẽ sung sướng, cảm động biết chừng nào. Và nước mắt họ sẽ trào tuôn khi được tận mắt nhìn thấy Bác nằm ngủ trong lồng kính như một giấc ngủ bình thường sau một ngày Người làm việc cật lực, vất vả…

Mạch suy nghĩ của nhạc sỹ chẳng những xuất hiện ở lần đến thăm công trường xây dựng hôm ấy mà còn chi phối ông trong suốt nhiều ngày sau đó. Ông chộn rộn cảm xúc, thôi thúc ngồi vào đàn sáng tác. Nhưng trước đó đã có quá nhiều bài hát hay về Bác được công chúng rất ưa thích và truyền tụng. Làm sao để vượt qua được những cái “bóng” khổng lồ đó? Những Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Ca ngợi Hồ chủ tịch, Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Người là niềm tin tất thắng, Người sống mãi trong lòng miền Nam, Lời ca dâng Bác, Tình Bác sáng đời ta… đã quá nổi tiếng. Nhất là lại có ý định viết về một sự việc cụ thể: Lăng Bác – tức là ít nhiều phải liên quan đến sự kiện xây Lăng chứ không phải là viết về Bác chung chung như trước.

Xin bạn đọc nhớ rằng: Ở thời điểm này (tháng 10 năm 1974), công trình xây Lăng chưa xong, chưa có các bài hát nổi tiếng Vào Lăng viếng Bác của Hoàng Hiệp, Vầng trăng Ba Đình của Thuận Yến, Chúng con canh giấc ngủ của Người của Nguyễn Đăng Nước. Phải viết sao đây để công chúng chấp nhận? Phải lựa chọn một giai điệu thế nào để hấp dẫn người nghe? Dân Huyền nghĩ nhiều đến những đoàn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Nam vượt hàng ngàn cây số để ra với Bác. Mạch liên tưởng khiến ông nghĩ đến câu nói quen thuộc của Người: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” và 2 câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha”. Thế là ông đã tìm được chất liệu cho tác phẩm của mình bằng việc sử dụng dân ca Nam Bộ. Và ta đã thấy chất liệu này được xuất hiện ngay ở đoạn đầu bài hát (đã dẫn ở trên). Nhưng cái khó của Dân Huyền là chất dân ca này chỉ thoáng hiện, lướt qua (chủ yếu là ở đoạn A) rồi được phát triển hoàn toàn mới mẻ, đi rất xa dân ca gốc khiến ca khúc có dáng dấp hiện đại, nhưng lại thấm đẫm hồn dân ca. Và phải rất tinh, người có lỗ tai nghe âm nhạc chuyên nghiệp mới nhận ra chất liệu dân ca Nam Bộ này.

 

“Bên Lăng Bác Hồ” - Bài hát hay đầu tiên về Lăng Bác

Đoàn người xếp hàng vào Lăng viếng Bác

Nghe kỹ Bên Lăng Bác Hồ, ta thấy bài hát có giai điệu tha thiết, rất xúc động, với cảm xúc vừa dào dạt vừa lắng đọng, bằng tiết tấu thong thả, hơi chậm rãi, trang nghiêm, tôn kính mà vẫn dung dị, ngọt ngào. Những lời ca ngợi công đức vị lãnh tụ vĩ đại tưởng không thể còn lời nào hơn, nhưng lại rất dễ hiểu, chân thành, thấm đượm tình cảm gần gũi, thân thương của lãnh tụ với dân như ruột thịt trong nhà mà không một chút cầu kỳ, sáo rỗng. Bài hát của Dân Huyền đã thoát ra được cái sụt sùi, ít nhiều buồn thảm, bi luỵ của nhiều ca khúc ra đời ngay sau sự kiện đau thương của dân tộc ta vào ngày 2/9/1969 – ngày Bác vĩnh biệt chúng ta. Điều này cũng dễ hiểu vì Dân Huyền sáng tác tháng 10/1974 – đã 5 năm sau ngày Bác mất, đã “năm tháng nguôi dần chuyện xót đau”.

Bên lăng Bác Hồ ngoài việc “chế biến” chất liệu rất sáng tạo cộng với khả năng xử lý hoà thanh, phát triển giai điệu khéo léo còn có sự bố cục chặt chẽ, hợp lý với các câu cú, đoạn mạch khúc triết. Tác giả cũng để lộ một khả năng tư duy văn học phong phú với phần lời ca sâu sắc, nhất là những câu “Ngọn đuốc Bác thắp đêm đông. Để có non sông tươi sắc hồng ngày xuân trong hào quang của Bác. Tiếng Người giờ đây vẫn âm vang và mai sau vẫn truyền thiêng liêng tiếng dịu hiền, ngân vang nắng Ba Đình tràn đầy niềm tin”.

Trong “sê-ri” bài hát nói đến lăng Bác, ca khúc của Dân Huyền là bài hát ra đời sớm nhất, đã gặt hái ngay được thành công ngoài mong đợi. Bản thân tác giả không nghĩ tác phẩm của mình lại sớm được công chúng rộng rãi đón nhận đến thế. Ngay sau lần đầu tiên phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát Kiều Hưng đã lập tức được rất nhiều thính giả gửi thư đến Đài yêu cầu phát lại trong chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả”. Rồi nhiều ca sĩ chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư đưa bài hát lên các sân khấu hội diễn ca múa nhạc những dịp sinh nhật, giỗ Bác. Bên lăng Bác Hồ lại được vang lên ở khắp nơi cùng với nhiều ca khúc nổi tiếng khác.

Hồi đứng đầu một cơ quan văn hoá ở Hà Nội, tôi thường xuyên gặp hiện tượng: Thường năm nào cứ vào dịp 19/5, thủ đô lại tổ chức hội diễn văn nghệ mừng sinh nhật Bác. Tôi chứng kiến có tới cả chục diễn viên cùng đưa lên sân khấu bài hát này. Là Trưởng ban tổ chức, tôi gợi ý một số diễn viên hãy tìm đến những bài khác để tránh sự trùng lặp, nghèo nàn cho hội diễn, vì còn rất nhiều bài hát hay khác về Bác. Họ đều chung ý kiến: Sở dĩ tìm đến Bên lăng Bác Hồ của Dân Huyền vì bài hát trước hết rất hay, có giai điệu ngọt ngào, tha thiết, có nhiều chỗ ngân rất “đã”, rất “sướng”, mà lại dễ hát, không rắc rối, cầu kỳ, khó hát như một số bài khác. Mới hay, để một bài hát “vào” được công chúng rộng rãi, yếu tố giản dị là rất quan trọng. Và ở đây đã chứng minh rõ một luận thuyết: Cái hay, cái giá trị thường là cái giản dị (chứ không phải là đơn giản, dễ dãi, sơ sài).

Nhiều chục năm đã trôi đi, mỗi lần đi qua quảng trường Ba Đình, ngước nhìn lăng Bác, lòng ta lại bồi hồi nhớ thương vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Lăng Bác, ngôi nhà vĩnh hằng của Bác đã là nơi hội tụ của gần trăm triệu trái tim người Việt càng in sâu trong tâm khảm mỗi người, qua những lời ca mà các thế hệ con cháu sẽ mãi mãi còn truyền tụng, không thể quên: “Tổ quốc thống nhất vinh quang. Lòng Bác vui khi con cháu về càng đông trong tình thương của Bác. Với ngàn đài hoa ngát hương sen, toàn dân yêu kính Người, hôm nay đứng bên Người, con xin khắc sâu lời Người trọn đời thuỷ chung. Tình thương của Bác ấm lòng toàn dân”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img