>> Ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, sắp được hỗ trợ lệ phí trước bạ?

Ô tô sẽ tăng giá?

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ Bộ Tài chính, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và giảm lệ phí trước bạ lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo nhận định của các doanh nghiệp, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thể được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 12/2024.

Theo tính toán, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng mua ô tô dưới 10 chỗ, sử dụng xăng dầu, sản xuất lắp ráp trong nước, sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ 15 – 300 triệu đồng, tùy mẫu xe.

Trong khi đó, do kinh tế khó khăn, sức mua ô tô hiện đang rất yếu. Rất nhiều mẫu xe đang được các doanh nghiệp và đại lý liên tục đại hạ giá, khuyến mãi lớn để kích cầu. Vì vậy, nhiều khách hàng hy vọng sẽ được hưởng lợi kép, khi vừa nhận được khuyến mãi lớn từ doanh nghiệp, lại vừa được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ. Liệu điều này có xảy ra?

Lệ phí trước bạ giảm, ô tô sẽ tăng giá?

Giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp kích cầu thị trường ô tô. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của các doanh nghiệp ô tô trong nước, bởi đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe. Nhưng khi được Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, rất có thể tạo cơ hội, để các doanh nghiệp cắt giảm bớt những chương trình khuyến mãi, kích cầu đang thực hiện với ô tô trong nước hiện nay.

Trên thực tế, điều này đã từng xảy ra vào những lần Chính phủ hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô trong nước trước đây. Vào thời điểm cuối tháng  6/2020, khi Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ với tô sản xuất lắp ráp trong nước (áp dụng từ 1/7/2020-31/12/2020), các doanh nghiệp và đại lý đã cắt giảm ưu đãi hoặc điều chỉnh tăng giá bán xe từ 5% – 8% để bù đắp.

Với đợt giảm 50% lệ phí trước bạ tiếp theo vào 1/12/2021 cũng tương tự, khi chính sách ban hành là các doanh nghiệp và đại lý ngay lập tức cắt giảm khuyến mãi, điều chỉnh tăng giá bán với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Khách hàng không thể mua được những chiếc ô tô sản xuất lắp ráp trong nước với giá thấp nữa.

Như vậy cũng có nghĩa là những hỗ trợ khách hàng từ doanh nghiệp đã chuyển sang Chính phủ. Người tiêu dùng kỳ vọng được hưởng lợi kép từ cả doanh nghiệp và Chính phủ đã không xảy ra.

Khách hàng có được hưởng lợi kép?

Tuy nhiên, vào lần giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ 1/7/2023 -31/12/2023 vừa qua lại khác. Do nhu cầu yếu, doanh số thấp, hàng tồn kho nhiều, hàng loạt mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước không chỉ được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ mà còn được nhận những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu từ các doanh nghiệp. Nhiều mẫu xe đã được hưởng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ và 50% lệ phí trước bạ từ doanh nghiệp, tổng cộng lên tới 100%. Nhiều mẫu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc cũng được doanh nghiệp hỗ trợ từ 50% -100% lệ phí trước bạ để cạnh tranh.

Thị trường ô tô Việt Nam hiện vẫn đang tăng trưởng âm. Doanh số bán 4 tháng đầu năm 2024 giảm 11% so với cùng kỳ 2023. Dự báo sức mua chưa thể cải thiện ngay, trong khi cung vẫn cao hơn cầu nhiều.

Lệ phí trước bạ giảm, ô tô sẽ tăng giá?

Thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang tăng trưởng âm. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 88.300 chiếc. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.772 chiếc. Như vậy, nguồn cung xe mới toàn thị trường ước đạt hơn 133.000 chiếc. Cộng với khoảng 65.000 xe tồn kho từ 2023, tổng nguồn cung gần 200.000 chiếc. Trong khi đó, theo ước tính của các doanh nghiệp, tiêu thụ toàn thị trường 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 130.000 xe các loại. Cung cao hơn cầu gần 70.000 chiếc.

Theo ông Lê Việt Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, chuyên kinh doanh xe đã qua sử dụng tại Cầu Giấy (Hà Nội), thị trường ô tô nửa cuối năm 2024 sẽ diễn biến theo 2 kịch bản: nếu nhu cầu vẫn thấp như hiện tại, xe ế ẩm nhiều, doanh nghiệp không thể mạnh tay cắt giảm khuyến mãi hay điều chỉnh tăng giá. Như vậy khách hàng mua xe sẽ được hưởng lợi kép. Ngược lại nếu nhu cầu về ô tô tăng nhanh, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá bán, cắt giảm bớt các chương trình khuyến mãi, như vậy khách hàng sẽ không được hưởng lợi kép.

Một số nhận định khác lại cho rằng, với xe mới, có thể sẽ không có những chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá sâu. Còn với hàng tồn kho, càng để lâu càng thiệt hại, vì vậy các doanh nghiệp vẫn phải giảm giá bán, khuyến mãi lớn, cho dù được Chính phủ hỗ trợ lệ phí trước bạ.