“Ngày thương mại đồ cũ” đầu tiên

eBay đã bán đồ cũ được 3 thập kỷ

Vài năm trở lại đây, việc mua bán đồ cũ bỗng trở nên “hot” với nổi lên của nhiều nền tảng mua bán đồ cũ như ThredUp hay Poshmark. Nhưng nhiều người không để ý, eBay đã làm việc này suốt 30 năm qua, thâm niên thương mại điện tử chỉ kém Amazon có 1 năm.

Bây giờ eBay đang thể hiện sự tự hào của người đi đầu cho một trào lưu đang rất nổi hiện tại bằng cách: Tuyên bố ngày 21 tháng 5 là Ngày thương mại đồ cũ thường niên. Và hôm nay (ngày 21/5 theo giờ Mỹ) là ngày đầu tiên của “truyền thống này”.

Sự kiện này gây tác động lớn tới mức các nhà lập pháp ở tiểu bang California và cả ở thành phố San Jose, nơi eBay đặt trụ sở, đã đề xuất các dự luật để có thể biến ngày này trở thành ngày lễ chính thức ở đây.

Trong ngày “Đồ cũ” đầu tiên này, eBay hợp tác với diễn viên Alicia Silverstone, Batgirl trong bộ phim Batman & Robin. Cô “người dơi” này tuyên bố cho biết cô là tín đồ đồ cũ trên eBay và “mua bán đồ cũ mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui vì tôi biết mình không góp phần tạo ra chất thải gây hại cho hành tinh của chúng ta”.

Nữ diễn viên đang quyên góp các vật dụng cá nhân, bao gồm một chiếc áo khoác bomber bằng vải cotton mà cô mô tả trong một tờ giấy viết tay kèm theo là “rất được yêu thích” và đôi bốt Dr. Martin bằng da thuần chay mà tờ ghi chú đi kèm mô tả là hoàn toàn mới nhưng “quá lớn đối với tôi”. Các mặt hàng này sẽ được bán trong cuộc đấu giá trên eBay vào “Ngày đồ cũ”, với số tiền thu được sẽ được chuyển đến tổ chức từ thiện.

Để làm tăng thêm sức mạnh của đồ cũ, eBay cũng công bố bản Báo cáo thị trường thương mại đồ cũ năm 2024. Trong đó cho thấy 59% người tiêu dùng trên toàn cầu đã mua đồ cũ trong 12 tháng qua và 70% dự định làm như vậy trong 12 tháng tới. Dữ liệu được lấy từ cuộc khảo sát tháng 3 với 16.052 người tiêu dùng tham gia từ 9 quốc gia.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy từ “tiết kiệm” được sử dụng trong mô tả quần áo, giày dép và phụ kiện bán ra trong tháng 3 đã tăng hơn 400% so với tháng 3 năm ngoái.

Renée Morin, giám đốc phát triển bền vững của eBay, cho biết “tiết kiệm” đang trở thành một sự tự hào và phổ biến trong vài năm qua.

Morin nói: “Cách đây vài năm người muốn tránh xa từ ‘tiết kiệm’, nhưng bây giờ chúng tôi thấy nó ở khắp mọi nơi”. Chính vì vậy nên nó đang biến việc mua bán đồ cũ trở nên “thú vị”.

Có thể nhìn thấy sức nóng của trào lưu bán đồ cũ rõ nhất ở lĩnh vực hàng thời trang. Hàng loạt các ông lớn mảng này đều lần lượt nhẩy vào thời gian qua. Tháng 3 vừa rồi, Uniqlo thử nghiệm mở một số cửa hàng bán đồ cũ. Tùy thuộc vào phản hồi của khách hàng, công ty sẽ cân nhắc liệu có nên đưa sản phẩm này trở thành một nhánh kinh doanh chính thức hay không.

Thương hiệu Hennes & Mauritz (Thụy Điển) đã bắt đầu bán đồ cũ vào năm 2013 và thu thập quần áo của mọi thương hiệu. Zara đã ra mắt dịch vụ bán và sửa chữa đồ cũ tại Pháp, Anh và lãnh đạo hãng này cho biết dịch vụ này sẽ tiếp tục mở rộng sang Đức.

Gã khổng lồ thương mại điện tử giá rẻ Shein cũng đã sớm ra mắt dịch vụ bán lại ngang hàng trên ứng dụng – Shein Exchange. Shein Exchange sẽ giúp người bán đăng những bộ quần áo cũ của hãng mà họ không dùng nữa lên trên nền tảng. Nó cho phép người bán trao đổi ngang hàng, đổi lấy những bộ quần áo mình thích của người khác.

Các nhà quan sát cho rằng với sự quan tâm về môi trường và tình hình kinh tế chưa khả quan, thương mại đồ cũ sẽ còn có vai trò đáng chú ý trong thời gian tiếp theo. Việt Nam cũng từng có một vài thương hiệu chuyên đi bán đồ cũ nhưng số lượng này vẫn còn khá ít và chưa gây được tiếng vang nhiều bởi thị trường đồ cũ Việt Nam vốn tồn tại khá lâu và rất mạnh ở “nhỏ lẻ”, mang tính tự phát, cá nhân nhiều hơn là thành thương hiệu.