Sáng 22/5, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng so với hồi đầu tháng. Dù vậy, vẫn có một vài kỳ hạn, lãi suất đi ngược chiều.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa tăng lãi suất tiền gửi cho nhiều kỳ hạn từ 0,1-0,2%/năm. Lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn từ 1-3 tháng tại MB hiện dao động từ 2,3-2,9%/năm tùy theo số dư tiền gửi; kỳ hạn từ 6-9 tháng dao động từ 3,6-3,9%/năm.
Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại MB, lãi suất huy động niêm yết từ 4,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất đối với tiền gửi tại quầy là 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng.
Ngoài ra, khách hàng cá nhân tại các chi nhánh thuộc miền Trung và miền Nam khi gửi tiền tại MB sẽ được áp dụng mức lãi suất cao hơn biểu nêu trên khoảng 0,1%/năm, trừ các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng.
Cùng xu hướng nhích tăng, lãi suất huy động trực tuyến tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tiếp tục tăng 0,3%/năm với kỳ hạn 1 tháng lên thành 2,8%/năm và tăng thêm 0,1%/năm với kỳ hạn 3-5 tháng lên mức 3,1%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 của VIB kể từ đầu tháng đến nay sau các điều chỉnh vào ngày 4 và 8/5.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) tăng lãi suất các kỳ hạn 3 và 6 tháng thêm 0,3%/năm lên mức lần lượt là 2,75%/năm và 4,8%/năm.
Mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp của nhiều năm
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… Các bước tăng phổ biến từ 0,1-0,4%/năm và tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Ở chiều ngược lại, VIB điều chỉnh giảm 0,1%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 24 và 36 tháng, hiện còn 5%/năm với tiền gửi tại quầy và 5,1%/năm với tiền gửi trực tuyến.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) hồi đầu tháng 5 đã có bước giảm nhẹ lãi suất từ 0,1-0,2%/năm với tất cả các kỳ hạn. Biểu lãi suất mới nhất tại VietBank đang niêm yết từ 3-3,3%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng; từ 4,4-4,6%/năm cho kỳ hạn từ 6-9 tháng và từ 5,1-5,7%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Quan sát chung trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đang niêm yết lãi suất cao nhất tới 9,5%/năm cho khoản tiền gửi đặc biệt tối thiểu 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 12-13 tháng.
Tương tự, với số dư tối thiểu 500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng niêm yết mức lãi suất hấp dẫn 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với số dư tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính – Học viện tài chính đánh giá mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp của nhiều năm. Xu hướng lãi suất huy động “ấm” lên cũng là tín hiệu giúp kênh đầu tư này lấy lại sự hấp dẫn với dòng tiền nhàn rỗi. Còn đối với lãi suất cho vay, có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: vtv.vn