Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp DV Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V – Hải Phòng 2024 vào chiều ngày 28/05.
Chuyển đổi số trong logistics giúp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tăng tính liên kết trong nội bộ tổ chức và giữa các bên trong chuỗi cung ứng, từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng, của ngành dịch vụ logistics và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
“Số hóa” logistics
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục – đào tạo, viễn thông và CNTT, logistics và vận tải phân phối”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định logistics là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.
Với riêng ngành logistics, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là “Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”. Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Đặc biệt, Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương xây dựng được xem là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong ngành đã nêu rõ quan điểm “Phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế nhằm tạo đột phá cho phát triển dịch vụ logistics, kết nối sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, quá trình chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 (tin học hóa) và cấp độ 2 (kết nối). Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.
Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 (trực quan hóa), 2,2% ở cấp độ 4 (minh bạch hóa). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều, nhưng đây là các cấp độ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 (có khả năng dự báo) và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 (có khả năng thích ứng).
Nhìn chung, hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.
Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng
Với riêng Vùng đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.
Đặc biệt, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố tháng 5/2024 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đưa quan điểm xác định, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng. Phát huy tối đa những lợi thế của vùng và tác động lan tỏa của các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế và các cảng quốc tế. Tầm nhìn năm 2050, hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Hải Phòng là địa phương có vị thế đặc biệt quan trọng trong Vùng đồng bằng sông Hồng với hơn 1.000 doanh nghiệp logistics, chuyển đổi số logistics không chỉ tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực này tại Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển ngành logistics và kinh tế của cả Vùng đồng bằng sông Hồng.
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia” và “đến năm 2030, thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao”.
Tháng 12/2023, Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu “Đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa. Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế”.
Trong đó, định hướng thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích 20.000ha, để tận dụng lợi thế cảng Nam Đồ Sơn và sân bay quốc tế Tiên Lãng. Quy hoạch cũng định hướng sẽ thành lập Khu Thương mại tự do trong Khu kinh tế mới này để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế về thương mại tự do, áp dụng tại Hải Phòng, từ đó, tạo đòn bẩy đủ mạnh giúp đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất phía Nam Hải Phòng.
Hải Phòng là địa phương duy nhất ở miền Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông. Trên cơ sở đó, quy hoạch định hướng đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng để xứng tầm với vai trò là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Tập trung hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm, đầu tư phát triển các bến cảng khu Nam Đồ Sơn – Văn Úc.
Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hải Phòng về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu “xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước về phát triển các dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế”….
Là sự kiện kinh tế quan trọng được Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp DV Logistics Việt Nam (VLA) cùng các đơn vị liên quan tổ chức thường niên từ năm 2021 dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua bốn lần tổ chức tại các Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long,… Diễn đàn đã khẳng định được uy tín, tạo sức hút lớn với các Lãnh đạo Bộ ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các phóng viên báo chí truyền hình Trung ương và địa phương…
Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V – Hải Phòng 2024 sẽ được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số – Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng”.
– Thời gian: 13h00 – 17h30, Thứ Ba, ngày 28/05/2024
– Địa điểm: Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng – Số 18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng
Các Lãnh đạo Bộ ngành, chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam cùng với các quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp sẽ tham gia Diễn đàn và đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của Vùng đồng bằng sông Hồng cũng như TP Hải Phòng; Nhận diện những điểm nghẽn trong chuyển đổi số logistics đề xuất giải pháp; Nhận định xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế kết hợp thực tiễn phù hợp điều kiện của ngành logistics Việt Nam nói chung và Vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng trong mối tương quan với bối cảnh phát triển của khu vực và thế giới.
Diễn đàn cũng đề cập và phân tích các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thực thi chuyển đổi số ngành logistics tạo động lực tăng trưởng mới; Đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics theo hướng liên kết vùng, tận dụng lợi thế, cơ hội phát triển xứng tầm với tiềm năng; Sự tham gia trao đổi và phản hồi của đại diện các ban, bộ, ngành sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, xác thực thông tin và quyết định các định hướng phát triển phù hợp.… nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ, cắt giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Liên hệ:
* Nhà báo Thy Hằng: 0904 788 233. Email: hahang@dddn.com.vn
* Nhà báo Thu Duyên: 0963 046 382. Email: duyen.dddn@gmail.com
* Nhà báo Hồng Minh: 0972 662 626. Email: minhngoc.vcci@gmail.com
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn