Tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về ESG. Từ châu Âu sang châu Á, nhiều nước bắt buộc doanh nghiệp thực hiện báo cáo bền vững hay yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG. Các đối tác nước ngoài cũng xem ESG là một trong những yếu tố quan trọng để cân nhắc ký kết hợp tác.

Động lực tăng trưởng từ ESG

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, ở cả quy mô lớn và nhỏ. Trong tương lai gần, chắc chắn việc công bố dữ liệu ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và là xu thế không thể đảo ngược.

Ở góc nhìn khác, ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: năm 2024 sẽ ghi nhận sự phát triển bùng nổ về ESG bởi đây là yếu tố quan trọng với các bên liên quan như Chính phủ, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức và người tiêu dùng. Năm 2024, kinh tế toàn cầu được dự báo đang dần dần phục hồi; trí tuệ nhân tạo, công nghệ mới, kỹ thuật số ngày càng phát triển mạnh mẽ, song các nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bởi biến đổi khí hậu.

Dù chịu tác động của kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu và sử dụng nhiều vốn tài nguyên, Việt Nam càng có nhiều động lực hơn để chuyển đổi sang mô hình bền vững hơn. Thực tế, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Những chuyển động chính sách và yêu cầu của đối tác về phát triển bền vững đã tác động đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Theo khảo sát của PwC thực hiện gần đây, 80% công ty được hỏi cho biết có kế hoạch cam kết ESG từ 2 – 4 năm tới.

Theo ông Patrick Haverman, đưa ESG vào hoạt động của mình, doanh nghiệp có thể nhận được nhiều giá trị dài hạn thông qua việc cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp cận các thị trường quốc tế nguồn vốn tốt hơn; đóng góp vào việc hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

Đặc biệt, từ ESG doanh nghiệp có thể đạt tăng trưởng tốt hơn so với trước đây. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.

>>>ESG – “bệ đỡ” để doanh nghiệp tồn tại và phát triển
Động lực tăng trưởng từ ESG

Ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Yêu cầu đẩy mạnh thực hành ESG tại Việt Nam càng trở nên cấp thiết hơn trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh thêm: với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho bước nhảy vọt về phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Các doanh nghiệp cũng vậy, đang có cơ hội to lớn để chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiểu rõ về ESG sẽ mang tới cho các doanh nghiệp Việt những cơ hội to lớn hơn, tiếp tục tham gia vào các thị trường lớn, các chuỗi giá trị quốc tế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hành tốt ESG, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với USAID công bố sáng kiến ESG năm 2024, với chủ đề “Đón đầu cơ hội xanh” nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững, thực hành khung đánh giá ESG để đo lường các yếu tố liên quan tới phát triển bền vững cũng như những tác động từ hoạt động của doanh nghiệp tới cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh; là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức.