Ông Nguyễn Quốc Khanh,  Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP. Hồ Chí Minh:

Sớm ban hành hướng dẫn chứng chỉ gỗ rừng trồng

Thời gian tới, các thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ dần có động thái kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong các sản phẩm gỗ nhập khẩu. Do đó, sẽ chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Nên dù muốn hay không, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bắt buộc phải khắc phục các điểm khó để chuyển đổi xanh.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe như: tuân thủ quy định của châu Âu về chống phá rừng; giải trình của ngành gỗ để thực hiện tốt hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nhằm tạo khung pháp lý cho mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu (VPA/FLEGT).

Được biết, đến hết năm 2027 Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon… Từ năm 2028 sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức. Để tạo thuận lợi cho ngành gỗ đón đầu xu hướng của thế giới, nhanh chóng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sớm ban hành hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam.

Đồng thời, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết phát thải bằng 0; hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải carbon.