Monday, June 17, 2024

Các “ông trùm” phân phối thế giới săn hàng Việt

Hàng loạt sản phẩm của VN đã được bán đi khắp thế giới qua Walmart, Amazon, IKEA, Carrefour… với số lượng ngày càng tăng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) dệt may tại TP.HCM cho biết công ty ông nhiều năm qua đã thực hiện đơn hàng cho tập đoàn bán lẻ Walmart, nhưng đều thông qua các nhà phân phối trung gian. Các nhãn hàng khác cũng tương tự. Vì vậy, hầu hết DN đều mong muốn có cơ hội sẽ trở thành nhà phân phối trực tiếp cho Walmart. Thực tế, VN cũng là thị trường nằm trong chiến lược của “người khổng lồ” Walmart.

Các “ông trùm” phân phối thế giới săn hàng Việt- Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm tại sự kiện có đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài

Ảnh: Chí Nhân

Walmart, Amazon, Carrefour, IKEA… đều có mặt

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart, cho biết VN đang là địa điểm thu mua chiến lược của tập đoàn này, trong top 5 trên thế giới và đứng thứ 2 tại châu Á. VN đang cung ứng lượng hàng hóa trị giá khoảng 7 tỉ USD trong năm 2023 cho hệ thống Walmart với hơn 10.500 siêu thị tại 19 nước trên thế giới, từ điện tử, dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh… Có khoảng 500 DN VN đang bán hàng cho Walmart, nhưng phần lớn là DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn DN Việt chỉ là nhà cung ứng thứ cấp. Tuy nhiên, định hướng của tập đoàn này trong thời gian tới là ưu tiên phát triển các nhà cung ứng địa phương, tạo điều kiện cho họ cung cấp trực tiếp hàng vào Walmart thay vì chỉ là nhà sản xuất thứ cấp.

Ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu VN (thuộc Tập đoàn Aeon – Nhật Bản), cũng thông tin theo hợp tác chiến lược giữa Aeon và Bộ Công thương, đến năm 2025 Aeon sẽ xuất khẩu 1 tỉ USD hàng Việt qua hệ thống phân phối của tập đoàn trên thế giới.

Do đó, Aeon luôn muốn gia tăng số lượng nhà cung cấp, ví dụ như thu mua xoài, chuối tươi từ VN, thay thế hoàn toàn nguồn cung từ các nước Đông Nam Á khác. Năm 2023, đơn vị này đã mời đại diện nhà thu mua từ nhiều nước tới tham gia sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa do Bộ Công thương tổ chức và sau đó đã ký hợp đồng mua số lượng lớn chuối, vải, thanh long, tôm, cá da trơn… Không chỉ riêng Aeon hay Walmart, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn Decathlon, IKEA, Carrefour… đều có nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp với các DN trong nước thông qua sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đối với nhiều DN VN, dù chưa trao đổi trực tiếp được với các nhà thu mua lớn thì việc các tập đoàn tăng cường đến VN cũng như bày tỏ quan tâm đến hàng hóa VN cũng là cơ hội để gia tăng xuất khẩu.

Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc kinh doanh Công ty CP XNK thương mại Blue Ocean, kể năm 2023 công ty đã tham gia sự kiện kết nối chuỗi cung ứng để giới thiệu những sản phẩm là thế mạnh của công ty gồm trái cây tươi, trái cây chế biến như nhãn, xoài, bưởi, vú sữa… Nhưng quan trọng hơn, đây là cơ hội để các DN giao lưu, giới thiệu thương hiệu với nhiều khách hàng.

“Các DN tham gia nhiều triển lãm, hội chợ quốc tế để kết nối với khách hàng cũ lẫn khách hàng mới bởi đơn vị nào cũng mong muốn sẽ bán được hàng cho các hệ thống phân phối lớn như Walmart, Carrefour… Việc hàng loạt các tập đoàn cùng đến VN cho thấy sản phẩm của VN ngày càng được ưa chuộng. Nhưng bản thân các DN cũng sẽ tự “lượng sức” mình để xem có phù hợp với điều kiện, yêu cầu của những tập đoàn lớn hay không. Nếu sản phẩm, quy mô DN quá nhỏ thì cũng sẽ là trở ngại và chắc chắn các nhà mua hàng nước ngoài có tầm cỡ cũng không quan tâm”, ông Nam nói.

Hơn 17 triệu sản phẩm Việt bán qua Amazon

Hàng Việt lên chợ mạng lớn nhất thế giới Amazon không phải là chuyện xa lạ. Thế nhưng có tới 17 triệu sản phẩm nội địa được bán qua sàn này vẫn gây kinh ngạc cho nhiều người. Đáng chú ý, không chỉ có DN mới có cơ hội đưa hàng Việt tỏa đi muôn nơi mà nhiều đơn vị khởi nghiệp, nhiều cá nhân cũng đang ngày đêm bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy sự hiện diện của hàng Việt ra thị trường toàn cầu với những sản phẩm quen thuộc.

Các “ông trùm” phân phối thế giới săn hàng Việt- Ảnh 2.

Công ty Organic Viet Food đóng hàng xuất khẩu qua Amazon

Trước đây, hộp dầu cao sao vàng của VN trở thành sản phẩm bán chạy trên Amazon dù giá cao gấp mấy chục lần so với thị trường trong nước. Hay chiếc chổi đót đơn sơ cũng được bán với giá 13 USD; những chiếc giỏ mây làm từ lục bình “made in Vietnam” đã từng lọt top 10 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn Amazon sau một tuần nhà bán hàng đưa lên mạng…

Là một người quyết định tìm cơ hội mới thông qua Amazon, bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thực phẩm sạch, hữu cơ VN (Organic Viet Food), chia sẻ sau gần 1 năm tìm hiểu các quy định, điều kiện từ sàn Amazon cũng như thị trường nông sản, người tiêu dùng Mỹ… đến cuối năm 2022 công ty mới bắt đầu chào hàng. Từ con số 0, năm 2023 công ty đã bán được gần 4 tấn hạt điều với thương hiệu New Bam. Doanh số tăng đều đặn 20-25% mỗi tháng. Từ đầu năm nay, công ty mở rộng việc bán hàng qua TikTok Shop tại Mỹ. Ước tính, năm nay công ty sẽ bán được số lượng hạt điều lên gấp 3 lần vào thị trường Mỹ.

Một đơn vị khác là Công ty CVI Pharma đã có hơn 10 năm phát triển trong nước với mô hình bán hàng truyền thống. Để xuất khẩu ra thế giới, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc CVI Pharma, cho biết đã tham gia sàn Amazon nhằm có cơ hội tiếp cận thị trường ở 22 quốc gia. Đầu năm 2024 mới bắt đầu bán 2 sản phẩm, nhưng công ty đã ghi nhận được kết quả khi doanh số đạt khoảng 20.000 USD/tháng và quan trọng hơn là những đánh giá tích cực về sản phẩm của người sử dụng.

Ông Hiệu nhấn mạnh: Bán hàng qua sàn TMĐT thì phản hồi của người tiêu dùng rất quan trọng bởi nó quyết định sự tồn tại của gian hàng. Ở giai đoạn hiện nay, công ty tập trung vào trải nghiệm của khách hàng để có được những đánh giá tích cực, xây dựng câu chuyện về thương hiệu cho sản phẩm là chính. Thông qua các hỗ trợ của nền tảng về logistics, thanh toán, ứng dụng quản lý và hoàn thiện đơn hàng… sẽ giúp DN nhỏ và vừa nhanh chóng thâm nhập thị trường thế giới.

Một trong những DN đã gặt hái được kết quả khi thu về doanh số triệu USD qua sàn TMĐT là thương hiệu mỹ phẩm Abera “Made in Vietnam”. Ông Đồng Thanh Sơn, đồng sáng lập Abera, chia sẻ sau nhiều năm kinh doanh theo mô hình TMĐT nhưng chỉ tập trung bán hàng qua trang web, lãnh đạo công ty đã bất ngờ khi có khách hàng hỏi tại sao sản phẩm không có trên Amazon để họ dễ dàng tìm mua. Khi đó, những nhà quản lý của Abera đã nhận ra rằng khách hàng bên Mỹ luôn tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên Amazon trước khi mua hàng.

Đó chính là tiền đề dẫn đến quyết định chiến lược của Abera là hợp tác với Amazon. Kết quả vượt ngoài mong đợi của chính những người sáng lập, bởi ngay trong năm đầu tiên 2023, doanh số đã đạt mức 1 triệu USD. Công ty đã chọn sản phẩm ngách để giảm bớt sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi sản xuất ra những sản phẩm đặc trị như trị nám, thâm, sẹo…

“Thực sự kết quả đạt được khá bất ngờ so với kế hoạch của chúng tôi khi bắt đầu tham gia trên Amazon. Kết quả vẫn đang tăng tốc khi doanh thu quý 1/2024 đã cán mốc triệu USD. Chúng tôi hy vọng cả năm 2024 doanh số có thể nhân 7, nhân 10 lần so với năm vừa qua”, ông Sơn chia sẻ.

Báo cáo cuối năm 2023 của Amazon Global Selling VN cho biết có hơn 17 triệu sản phẩm của DN Việt đã được bán ra trên Amazon trong năm 2023, giá trị xuất khẩu tăng 50%, số lượng đối tác bán hàng tăng 40%…

Cơ hội xuất khẩu tăng

Các “ông trùm” phân phối thế giới săn hàng Việt- Ảnh 3.

Chỉ còn 10 ngày nữa, hàng loạt tập đoàn phân phối lớn gồm Walmart, Amazon, Safeway, Carrefour, Decathlon, Central Group, IKEA, Coppel, LuLu… sẽ tập trung đến TP.HCM để tìm kiếm nhà cung cấp VN tại sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024”.

Danh sách sản phẩm mà các tập đoàn muốn thu mua, tìm nhà cung cấp khá đa dạng. Từ quần áo thời trang, giày dép, phụ kiện công nghệ, đồ nội thất gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ đến trái cây, rau củ quả đông lạnh, bún miến phở, trà, gia vị, đồ dùng nhà bếp, văn phòng phẩm… Ví dụ, Tập đoàn Coppel của Mexico hiện có nhu cầu nhập khẩu số lượng lên đến 500.000 chiếc lốp xe hơi hằng năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hãng bán lẻ danh tiếng này cũng đặc biệt quan tâm đến các mặt hàng có xuất xứ từ VN như quần áo thời trang, giày dép, phụ kiện công nghệ, đồ nội thất gia dụng.

Theo ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam (thuộc Tập đoàn LuLu – UAE), tập đoàn muốn thu mua chuối, cà phê VN để xuất khẩu sang Trung Đông và thị trường các nước Hồi giáo. Hàng hóa VN có nhiều lợi thế xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo trong khi nhu cầu của thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, DN Việt chưa đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm và chưa xây dựng được nền công nghiệp sản phẩm Halal nên chưa tận dụng được cơ hội…

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, nhận định: Trong hoạt động xuất khẩu, các DN luôn luôn cần các hoạt động, sự kiện kết nối với đối tác, nhà mua hàng. Cho dù hiện nay các phương tiện thông tin liên lạc online diễn ra hằng ngày nhưng việc gặp mặt trực tiếp để cùng trao đổi vẫn rất quan trọng. Câu chuyện hàng loạt tập đoàn trên thế giới đến VN là cơ hội lớn để DN trong nước tiếp xúc và kết nối mở rộng hơn.

“DN gặp nhau trực tiếp tại sự kiện này cũng có thể chưa ký được hợp đồng ngay vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố sau đó. Nhưng ít nhất trước mắt là cơ hội cho DN mở rộng quan hệ bước đầu với nhiều khách hàng tiềm năng, tạo đà phát triển trong tương lai”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ thêm.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương quốc tế luôn cần thiết. Trong đó, xu hướng TMĐT là tất yếu và ngày càng phát triển. Vì thế, DN Việt cần mạnh dạn tham gia cả các kênh bán lẻ lẫn bán sỉ để mở rộng cơ hội bán hàng nhiều hơn. Ví dụ, khi tham gia bán hàng qua Amazon, dù theo hình thức bán lẻ nhưng sau khi thương hiệu sản phẩm đã lớn mạnh thì có thể sẽ bán được các đơn hàng sỉ với khối lượng lớn cho nhiều nhà bán lẻ khác. 

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024

Sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Vietnam International Sourcing 2024) diễn ra tại TP.HCM từ ngày 6 – 8.6 có quy mô gấp đôi năm 2023, với 10.000 m2 dành cho 500 DN, đại diện các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế, tập trung vào các ngành hàng: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất…

Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, các hội thảo chuyên đề và kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt, với sự góp mặt của các tập đoàn lớn như Aeon, Uniqlo, Walmart, Amazon, Safeway, Carrefour, Decathlon, Central Group, IKEA, Coppel, LuLu… cũng như các nhà thu mua chuyên nghiệp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tham dự.

Tăng trưởng đột phá

Trong vòng 5 năm qua (2019-2023), số lượng sản phẩm Việt bán trên sàn Amazon tăng 300%; Số lượng DN VN đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng vọt gấp 10 lần; Số lượng đối tác bán hàng VN đăng ký thương hiệu (Amazon Brand Registry) tăng hơn 35 lần…

Chúng tôi đã chứng kiến các DN VN mở rộng toàn cầu ở một tầm cao mới. Sở hữu kinh nghiệm sản xuất, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, và nhiều ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, VN liên tục mang đến những sản phẩm chất lượng, độc đáo, góp phần mở rộng lựa chọn sản phẩm cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của VN và sẽ tiếp tục triển khai các sáng kiến nhằm hỗ trợ DN VN mở rộng danh mục ngành hàng, xây dựng thương hiệu và kinh doanh toàn cầu.

Ông Gijae Seong (Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling VN)



Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img