Monday, January 20, 2025

Dịch giả Phan Cẩm Thượng ra mắt sách giải mã biểu tượng Phật giáo Tây Tạng

Tác phẩm – công trình nghiên cứu văn hóa Phật giáo ‘Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng’ (‘Handbook of Tibetan Buddhis Symbol’) của học giả người Anh Robert Beer do Phan Cẩm Thượng – Phan Tường Linh chuyển ngữ vừa ra mắt độc giả Việt.

Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng, có thể nói, là cuộc gặp gỡ của nhiều cái duyên, vừa của người dịch vừa của người đọc. Phan Cẩm Thượng là nhà nghiên cứu đã có 40 năm nghiên cứu văn hóa dân gian, đình, chùa… nên thâm niên đó phần nào đã “bảo chứng” cho bản dịch về Phật giáo – vốn gần gũi với người Việt này. Với bạn đọc, đây là lần hội ngộ tiếp theo cùng ông, sau quyển sách viết về văn hóa người Việt – Văn minh vật chất của người Việt

“Cảo thơm lần giở…”

Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng là 1 trong 2 công trình kinh điển của tác giả Robert Beer, xuất bản lần đầu năm 2003. Dịch giả Phan Cẩm Thượng và con gái ông là Phan Tường Linh đã được tiếp xúc với tác phẩm gốc tiếng Anh, ban đầu là đọc để hiểu. Sau đó, ông may mắn được một người bạn tặng cuốn này nhưng là bản dịch tiếng Trung của học giả Hướng Hồng Giá dưới tên Tạng truyền Phật giáo tượng trưng phù hiệu dữ khí vật đồ giải (2014).

Dịch giả Phan Cẩm Thượng ra mắt sách giải mã biểu tượng Phật giáo Tây Tạng
 
Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng có khổ lớn là 18x24cm, dày 396 trang; gồm 16 chương, 4 phụ lục và một bảng từ vựng. Ảnh: ZENBOOKS

Trong quá trình nghiên cứu về di sản Phật giáo Việt Nam, các dịch giả nhận thấy rất nhiều biểu tượng Phật giáo có nguồn gốc Tây Tạng. Sau chuyến đi Tây Tạng năm 2005, dịch giả càng khẳng định điều này. Đến đầu năm 2022, các dịch giả mới dịch chính thức tác phẩm sang tiếng Việt.

Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng là công trình đồ sộ. Sách có tổng cộng 16 chương, 4 phụ lục và một bảng từ vựng. 5 chương đầu của sách trình bày các nhóm chính về các biểu tượng, lễ vật, nhiều trong số này được coi là mô típ biểu tượng đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy; chương 6 trình bày về nguồn gốc động vật, thần thoại trong Phật giáo; chương 7 trình bày về các biểu tượng mặt trời, mặt trăng; chương 8 giới thiệu nghi thức chính Vajrayana (Kim cương thừa), vật dụng nghi lễ, pháp khí; chương 9, 10 và 11 liên quan đến các vũ khí cũng như pháp khí của các vị thần; chương 12, 13 trình bày về các vật dụng cầm tay; chương 14, 15 giới thiệu một số biểu tượng bí truyền hơn của Phật giáo Kim cương thừa; chương 16 trình bày văn bản về các cử chỉ tay chính hoặc Mudra (thủ ấn) được thực hiện bởi các vị thần.

Dịch giả Phan Cẩm Thượng ra mắt sách giải mã biểu tượng Phật giáo Tây Tạng
 
Bên trong ruột sách Sổ tay Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng ZENBOOKS

Trong quá trình lần giở về những kiến thức Phật giáo để dịch một cách chuẩn chỉnh, các dịch giả cho biết đã đối chiếu với các kiến thức Hán học, dịch đối chiếu song song bản tiếng Anh – tiếng Trung. Theo dịch giả Phan Cẩm Thượng, khi chuyển ngữ quyển của Robert Beer sang tiếng Trung, học giả Hướng Hồng Giá có chú thích kỹ lưỡng các khái niệm Phật giáo Phạn ngữ và Tạng ngữ để bạn đọc tiếng Trung hiểu rõ hơn. Những khái niệm Phật giáo Phạn ngữ và Tạng ngữ này đã được được chú dịch sang tiếng Hán cổ từ thời Trần Huyền Trang nhà Đường. 

Học giả Robert Beer có hơn 30 năm nghiên cứu và thực hành nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Ông là một trong những người phương Tây đầu tiên tích cực tham gia vào loại hình nghệ thuật này. 

Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Robert Beer. Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và vào top 100 cuốn sách bán chạy nhất hạng mục “Nghệ thuật & Nhiếp ảnh tôn giáo” (Religious Arts & Photography) trên Amazon.

Bản dịch cẩn trọng và những lưu ý quý giá

Bản dịch này của Phan Cẩm Thượng – Phan Tường Linh rất chú trọng không chỉ văn bản gốc mà còn lưu ý với độc giả những kiến thức quý giá.

Bản dịch giữ nguyên tinh thần văn phong của tác giả Robert Beer – chủ ý đi theo lối văn uyển nhã, đầy sự tôn kính, đồng thời cố gắng chuyển ngữ sát với tâm tưởng Phật giáo. Song, các dịch giả cũng cho biết một thông tin thú vị là ở bản tiếng Trung, có lẽ với học giả Trung Quốc, văn hóa Tây Tạng cũng chỉ là một phần văn hóa sắc tộc ở nước họ nên “vẻ đẹp của lòng xác tín nội tâm của tác giả, qua bản tiếng Trung đã mất đi nhiều”.

Tác phẩm này được mô tả như chuyến hành trình khám phá các biểu tượng, mô típ Phật giáo Tây Tạng nên bên cạnh lối hành văn uyển nhã, tác giả đã dành 8 năm ròng để vẽ minh họa với những nét vẽ tỉ mỉ cho những biểu tượng mà ông viết trong sách.

Dịch giả Phan Cẩm Thượng ra mắt sách giải mã biểu tượng Phật giáo Tây Tạng
 
Dịch giả Phan Cẩm Thượng. ZENBOOKS

Dịch giả Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Quá trình đọc và dịch, nhiều điều bất ngờ đã hiện ra”. Theo ông, thời gian qua, Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng đang được truyền bá ở trong nước theo nhiều cách, nhưng thực ra dòng Phật giáo này đã đến Việt Nam từ hàng ngàn năm qua, rồi bị che lấp bởi Phật giáo Đại thừa. Dịch giả nhận xét, thông qua Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng, tác giả đã lý giải cặn kẽ, sâu sắc nguồn gốc của các biểu tượng Phật giáo. 

Do Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng có ảnh hưởng đến rất nhiều biểu tượng Phật giáo ở Việt Nam nên hệ thống những biểu tượng trong cuốn sách này sẽ giúp độc giả hiểu hơn về các hình tượng liên quan đến nghệ thuật Phật giáo ở nước ta lẫn triết lý, lịch sử nhà Phật nói chung.

Tác giả, dịch giả, họa sĩ Phan Cẩm Thượng là nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng, nhất là mảng nghiên cứu văn hóa đình, làng, chùa, văn hóa dân gian nói chung và mỹ thuật – kiến trúc cổ. Ông đã xuất bản nhiều tựa sách nổi bật, quan trọng và có giá trị tham khảo như: Mỹ thuật của người Việt, Nghệ thuật ngày thường, Tập tục đời ngườiVăn minh vật chất của người Việt… Trong đó, cuốn Văn minh vật chất của người Việt đoạt giải B Giải thưởng sách quốc gia năm 2022.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img