Monday, June 17, 2024

Có nên xây đảo nổi giữa sông Sài Gòn?

Trong khi đơn vị tư vấn khẳng định các đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn sẽ trở thành điểm nhấn độc đáo cho TP.HCM, không ít chuyên gia lo ngại công trình sẽ phá vỡ cảnh quan giá trị nhất của dòng sông.

Thu hẹp khoảng cách đôi bờ

Liên danh Tổ chức Khoa học và chuyên gia VN toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đang hỗ trợ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM nghiên cứu quy hoạch, phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn. Trong đó, trên đoạn sông chảy qua khu trung tâm (Q.1 – Thủ Thiêm) được đề xuất xây các đảo vườn kết hợp với cầu đi bộ.

Theo đơn vị tư vấn, ý tưởng này xuất phát từ thực tế trung tâm TP.HCM thiếu không gian xanh và kết nối đi bộ giữa 2 bờ Q.1 – Thủ Thiêm. TP đã xây nhiều công trình lớn kết nối Thủ Thiêm như hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm 1, tương lai là cầu đi bộ với quy mô lớn và 2 cầu nối sang các quận 7, 4. Tuy nhiên, hai bờ sông Sài Gòn qua trung tâm vẫn thiếu liên kết. Điều này gây trở ngại và giảm tính cân bằng trong quá trình đô thị hóa hai bờ sông, nhất là bán đảo Thủ Thiêm.

Có nên xây đảo nổi giữa sông Sài Gòn?- Ảnh 1.

Phối cảnh những đảo vườn nổi trên sông theo đề xuất của đơn vị tư vấn

ĐVTV

“Nếu TP xây thêm một hoặc hai cầu cho người đi bộ và xe đạp bắc ngang sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm sẽ tạo tác động tích cực kết nối không gian hai bờ”, đơn vị tư vấn đề xuất. Tuy nhiên, các chuyên gia từ Pháp đánh giá đoạn sông ở khu vực này lại khá rộng, chừng 250 m – khoảng cách lớn hơn so với sông Singapore và gấp đôi sông Seine (Pháp). Do vậy, giải pháp đưa ra là những cây cầu này sẽ nối xuống một số đảo vườn xây trên mặt sông, tạo ra những điểm “dừng chân”, chuyển tiếp từ Q.1 trước khi đến Thủ Thiêm.

Đảo vườn có thể xây cố định hoặc nổi ở gần bờ – nơi dòng chảy chậm hơn. Các đảo sẽ tạo ra một loại rào cây tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi tàu thuyền đi lại. Trên đảo, TP.HCM có thể tổ chức các hoạt động giải trí như quán nhạc, cà phê, nhà hàng nổi… Điều này sẽ giúp tăng “trải nghiệm xanh” độc đáo cho người dân và du khách, tạo nên điểm du lịch, giải trí hấp dẫn. Khi thiết kế hài hòa, những đảo này không chỉ hình thành không gian sống đẹp, phù hợp nhu cầu hiện đại mà sẽ đảm bảo sự cân bằng về không gian ở khu vực.

Nhận xét đây là ý tưởng lạ, độc đáo, nguyên Phó kiến trúc sư (KTS) trưởng TP.HCM – TS Võ Kim Cương đồng quan điểm với đơn vị tư vấn rằng sông Sài Gòn khá rộng nên việc nối kết không gian hai bên gặp nhiều bất lợi. Việc có công trình kết nối, tạo sự gần gũi cho không gian hai bên, tạo không gian vừa phải, vừa tầm mắt của con người để hình thành nên cảm xúc là một nghệ thuật trong kiến trúc. Đảo vườn có thể kết hợp với công viên sinh thái trong khu Thủ Thiêm, kết hợp quảng trường phía Thủ Thiêm, trong tương lai sẽ đem tới những trải nghiệm tốt hơn cho người dân, du khách. Những đảo vườn nổi này sẽ đóng vai trò kết nối không gian, tạo liên kết đôi bờ, đồng thời tạo thêm không gian cho mảng xanh và điều kiện để khai thác kinh tế trên đặc điểm sông nước của TP.

“Bất cứ công trình nào cũng sẽ ít nhiều tác động tới dòng chảy của sông Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu các đảo vườn được thiết kế xây dựng bên phía Thủ Thiêm thì sẽ ít tác động hơn bởi đó là khu vực bồi lắng. Đồng thời, nguyên tắc chung là muốn tránh tác động tới dòng chảy của sông thì cần mặt cắt dòng chảy tương đương. Nghĩa là chắn bao nhiêu thì phải bồi bù lại bấy nhiêu. Mở rộng trên tầng mặt thì phải đào sâu tương ứng xuống dưới để đảm bảo dòng chảy. Đây cũng là khu vực cạn, ít tàu thuyền qua lại, chủ yếu neo đậu. Mang đến lợi ích về cảnh quan, không tác động nhiều đến giao thông, tác động đến môi trường có thể xử lý được… về cơ bản, đây là phương án kiến trúc khả thi, không gây trở ngại cho sự phát triển của sông Sài Gòn”, TS Võ Kim Cương nêu quan điểm.

Lo phá vỡ cảnh quan dòng sông

Đồng tình với cách tiếp cận của đơn vị tư vấn là cần tăng tính kết nối giữa khu trung tâm hiện hữu và phía bờ Thủ Thiêm, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh giá trị lớn nhất của khu Thủ Thiêm là nằm gần sông Sài Gòn. Đáng ra, quy hoạch đôi bờ sông phải được làm song song, đồng bộ ngay từ đầu, có kết nối trực tiếp thì mới có thể nâng giá trị cho Thủ Thiêm. Song, trước đây TP quy hoạch đôi bờ sông là 2 quy hoạch tách rời bờ Đông – bờ Tây nên sự kết nối cả về giao thông và không gian đôi bên rất kém. Vì thế, kéo gần khoảng cách đôi bờ, tạo liên kết về cả không gian và giao thông là nhiệm vụ tối quan trọng để khai thác tiềm năng kinh tế của dòng sông cũng như đẩy mạnh phát triển cho Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá ý tưởng xây đảo vườn nổi trên bờ sông là không phù hợp. Cụ thể về cảnh quan, dù sông Sài Gòn rộng hơn sông Seine nhưng hai bên bờ sông Seine không có nhà cao tầng. Các tòa nhà dọc sông tại Paris chỉ giới hạn cao khoảng 5 – 6 tầng nên bên dưới lòng sông có thể làm các công trình tăng không gian xanh. Còn với sông Sài Gòn, nhất là tại khu vực trung tâm nơi tư vấn đề xuất xây vườn nổi, dọc đôi bờ đều là các tòa nhà thấp nhất cũng trên dưới 20 tầng, gần đó có tòa Bitexco cao tới 60 tầng. Với tương quan đôi bờ như vậy, mặt sông sẽ trở nên không quá rộng và cần có không gian dưới nước đủ lớn để những tòa nhà cao tầng soi bóng xuống, mới đảm bảo không gian đô thị đẹp. Chưa kể các công trình này chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng môi trường, tác động tới dòng chảy và hạn chế giao thông thủy.

Có nên xây đảo nổi giữa sông Sài Gòn?- Ảnh 2.

TP.HCM đang xây dựng đề án khai thác kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn

Ngọc Dương

“Nếu muốn có thêm không gian độc đáo, có thể làm những đảo nổi di động đặt trên các sà lan, khi TP có sự kiện đặc biệt, cần không gian sinh hoạt giữa sông thì sử dụng, sau sự kiện thì kéo đi chỗ khác. Không gian mặt nước sông Sài Gòn giữ nguyên là tốt nhất, không nên có thêm bất cứ công trình nhân tạo cố định nào”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Nhìn vào hình ảnh mô phỏng các vườn nổi giữa đôi bờ sông Sài Gòn theo đề xuất của đơn vị tư vấn, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM) nhận xét vị trí các đảo nổi được xếp quá dày đặc. Khi nhìn từ trên cao, có thể hình dung khúc sông như một cái đầm, không còn là hình ảnh dòng sông. “Con sông đẹp nhất là có bề mặt rộng, thoáng đãng, tầm nhìn mênh mang, việc thu hẹp lòng sông bằng nhiều công trình đan xen sẽ làm mất đi giá trị to lớn này của sông Sài Gòn”, TS Nguyên nói.

Theo ông, đơn vị tư vấn phải xác định đâu là mục đích chính của công trình. Nếu là tạo nơi xây trụ cầu cho vững, đỡ độ dài của dòng sông thì không hợp lý vì giá thành làm những đảo vườn nổi này đắt hơn rất nhiều so với xây thêm một trụ cầu ở giữa. Nếu làm chỉ để trồng cây xanh thì giá trị môi trường của cây xanh so với giá trị môi trường của mặt nước không lớn hơn là bao. Diện tích mặt nước bốc hơi lên, giảm nhiệt độ cho nội đô TP rất tốt. 

Sông Sài Gòn hiện không giống như Cần Giờ ngày trước cần khôi phục rừng ngập mặt để thanh lọc môi trường sau hậu quả của chiến tranh. Đảo nổi xây tại khu vực sông này không mang lại nhiều giá trị về môi trường mà thậm chí còn mang tác dụng ngược, trở thành nguồn ô nhiễm mới cho dòng sông. Những hoạt động bán hàng quán, sinh hoạt của con người chắc chắn sẽ gây nguồn phát thải. Đồng thời, thu hẹp lòng sông thì giao thông đường thủy ngược sông Sài Gòn đi lên sẽ ảnh hưởng.

Có nên xây đảo nổi giữa sông Sài Gòn?- Ảnh 3.

“Vấn đề môi trường cần đặc biệt quan tâm. Quy luật dòng chảy là bên lở bên bồi. Dòng chảy bào mòn một bên bờ nhưng không phải bồi ngay đối diện bờ bên kia mà có thể dịch chuyển xuống vị trí khác. Dòng sông hẹp lại, dòng chảy siết hơn sẽ tác động tới xói mòn đôi bờ sông. Thực tế, hiện TP đã phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đang phải thích ứng và khắc phục sự thay đổi của dòng sông. Nếu còn tác động thêm vào dòng chảy thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn và chúng ta chưa đủ khả năng viền bê tông dọc suốt 2 bờ sông nên cần phải bảo vệ tối đa nguyên trạng dòng sông”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nêu ý kiến.

Quy hoạch không chỉ nhìn từ con sông

Cũng theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, đơn vị tư vấn muốn gắn các vườn đảo nổi với khoảng 3 – 4 cây cầu đi bộ bắc qua sông nhưng bản thân tính khả thi của những cây cầu này cũng cần xem xét lại. Trong điều kiện khí hậu, thời tiết và thói quen di chuyển, sinh hoạt của người dân TP hiện nay thì cầu đi bộ càng làm nhiều sẽ càng “ế” khách. Thực tế, có rất nhiều cầu bộ hành hiện đang “đứng trơ” nhìn người đi bộ băng qua đường bên dưới; thậm chí một số cầu bộ hành nối xuyên bệnh viện người dân cũng không sử dụng. Nếu làm tới 3 – 4 cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn thì sẽ không có ý nghĩa, lượng người sử dụng chắc chắn rất ít và phát sinh thêm nhiều bài toán giải quyết điểm giữ xe, gửi xe đôi bờ.

Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng kết nối trung tâm TP hiện hữu với bờ kia Thủ Thiêm chỉ cần một cây cầu đi bộ là đủ. Người VN chỉ quen đi bộ đoạn ngắn và phải đi trong bóng mát nên làm nhiều cầu đi bộ sẽ rất lãng phí. Kết nối đôi bờ sông là phải giải quyết nhu cầu lưu thông, giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng.

Ông Sơn nhìn nhận quy hoạch sông Sài Gòn không thể chỉ nhìn vào con sông không mà phải xem hai bên bờ sông là cái gì. Bên này bờ Tây sông hiện có phố đi bộ Nguyễn Huệ là trung tâm của Q.1, chứng nhân cho Sài Gòn 300 năm. Do đó, bên kia sông, đối diện phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng sẽ phải có một phố đi bộ để liên thông không gian: Sài Gòn 300 năm nhìn sang, nối tiếp vào TP.HCM thế kỷ 21. Lý tưởng nhất là tuyến phố đi bộ kéo dài từ bờ sông đến trung tâm tài chính của TP sáng tạo phía Đông. Với không gian liên thông như vậy thì giá trị sông Sài Gòn ở giữa càng được nâng tầm. Đây sẽ là không gian lịch sử để làm những sự kiện lớn cho TP. Đơn cử, mỗi dịp lễ, tết bắn pháo hoa, hàng triệu người dân TP từ bên bờ Thủ Thiêm sẽ cùng hàng triệu người dân tại phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối, cùng ngắm pháo hoa rực rỡ giữa sông.

Khi làm 2 không gian phố đi bộ nối nhau thì cần phương án kết nối trực tiếp. Vì thế, bên cạnh những cây cầu theo quy hoạch hiện hữu, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất cần có thêm tuyến xe điện kết nối từ ga Nhà hát TP đi ngầm dưới sông kéo thẳng sang phía bên kia Thủ Thiêm. Tuyến xe đi trên đường ngầm sẽ bắt đầu từ ga Nhà hát TP, đến ga Bạch Đằng, sau đó chạy qua sông sang phía ga Thủ Thiêm bên kia rồi nối dài tới ga trung tâm hành chính mới của TP.HCM. 

Đường hầm sẽ đi xuyên qua sông Sài Gòn như hầm Thủ Thiêm nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều, chỉ cần 1 làn mỗi bên cho giao thông công cộng chuyên chở người dân kết nối đôi bờ. Khi làm đường ngầm thì có thể cân nhắc số lượng các cây cầu bắc qua sông. Điều này phụ thuộc chủ trương phát triển giao thông thủy của TP. Nếu giới hạn không cho tàu lớn thì có thể vừa xây đường hầm vượt sông, vừa làm cầu bởi kết nối giao thông 2 bên càng nhiều càng tốt. Còn nếu chủ trương “mở” sông để đẩy mạnh giao thông thủy thì có thể hạn chế một vài cây cầu khu vực trung tâm. Khi đó, không gian sông Sài Gòn sẽ thông thoáng hoàn toàn.

“Hiện nay TP.HCM đang xem xét làm đường hầm Tôn Đức Thắng. Phương án này lãng phí bởi chúng ta không cần tập trung giao thông nhiều tại tuyến đường này. Dòng lưu thông cho người dân khu vực Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) sang phía Q.7 sau này đã có kết nối với cầu Thủ Thiêm 4. Thay vì làm đường hầm Tôn Đức Thắng, TP nên làm đường hầm nối ngang sông. Kinh phí ngang nhau và cần thiết hơn rất nhiều, hỗ trợ khai thác được không gian ngầm dưới đường Nguyễn Huệ. Khi đó, phía trên đường Tôn Đức Thắng TP có thể trồng lại mấy trăm cây cổ thụ dọc tuyến để phục vụ người dân đi bộ dọc bến Bạch Đằng. Với cơ cấu như vậy, việc khai thác không gian ven sông mới khả thi”, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị.

Ngoài khu vực trung tâm, dọc tuyến sông chảy qua TP.HCM với chiều dài khoảng 80 km cũng được liên danh tư vấn đề xuất chia làm nhiều phân khu khác nhau và phát triển dựa theo lợi thế song song với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Khi kết hợp hài hòa sẽ tạo ra chuỗi giá trị lớn trên hành lang sông Sài Gòn, làm nổi bật hình ảnh, văn hóa, di sản của dòng sông.

Đại diện Sở Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết đơn vị này tiếp thu các đề xuất quy hoạch các khu vực, các mô hình phát triển của TP trong tương lai, trong đó có đề xuất của nhóm chuyên gia Pháp. Các đề xuất mới sẽ được Sở tiếp nhận, nghiên cứu nghiêm túc, thẩm định kỹ lưỡng để tham mưu cho UBND lựa chọn, tính toán hài hòa trong tổng thể phát triển của TP.HCM.



Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img