Tuesday, June 18, 2024

Sống ở TP.HCM: Luôn nặng gánh mưu sinh, thương nhau chẳng vì lý do gì cả

Giữa những ngày tháng 5 nắng mưa bất chợt, trên những góc phố, vỉa hè ở TP.HCM, có những người dù tuổi cao sức yếu vẫn ngày đêm nặng gánh mưu sinh.

Cuộc sống ở TP.HCM thường được ví như một bức tranh ẩn chứa nhiều mảng màu đối lập. Bên cạnh những chốn xa hoa, náo nhiệt, nhà cao cửa rộng thì vẫn còn đó những khu trọ cũ kỹ, những phận người cực nhọc kiếm kế sinh nhai. Ở cái thành phố này, thứ duy nhất họ có thể dựa dẫm chính là tình thương của những người xa lạ.

Tình thương của người TP.HCM dành cho “ngoại Mai”

Dưới ánh nắng gay gắt của trưa hè, ngay cạnh bên trung tâm mua sắm Sài Gòn Square (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) sầm uất, có một người phụ nữ lớn tuổi ngồi bán chè, đầu đội chiếc nón lá cũ sờn, đôi mắt đỏ hoe vì nhiều đêm không ngủ. Đó là bà Phạm Thị Mai (82 tuổi, Q.Bình Thạnh) và gánh chè đậu có tuổi đời hơn 30 năm.

Bà Mai quê Quảng Ngãi, vì nhà nghèo nên đã theo chân người quen lên TP.HCM mưu sinh từ ngày bé. Nhiều năm trước khi bà còn khỏe, bà gánh hàng len lỏi khắp các con phố, cái vị ngọt ngào của nồi chè bà nấu là tuổi thơ của bao người sống ở TP.HCM. Bà bảo, khu vực phường Bến Nghé, Bến Thành (Q.1), bà nhiều mối quen lắm.

Bà Mai bán chè ở TP.HCM đã hơn 30 năm

Bà Mai bán chè ở TP.HCM đã hơn 30 năm

THÁI THANH

“Lúc trước, chỉ cần nghe tiếng rao của bà, mấy đứa lại lon ton chạy ra ủng hộ. Giờ thì nhiều đứa có vợ có chồng rồi, biết bà bán ở đây nên lâu lâu cũng ghé ngang. Ở chốn xa lạ, bà cũng chỉ biết dựa dẫm vào tình thương của mấy cô chú, anh chị mà sống”, bà nghẹn ngào.

Cực nhọc cả đời, đến cái tuổi gần đất xa trời, số phận vẫn chưa chịu buông tha khi nhẫn tâm lấy đi của bà quá nhiều thứ. Đầu tiên là người chồng đầu ấp tay gối, sướng khổ có nhau, sau đó là đứa con trai bị bệnh tim. Bây giờ bà chỉ còn người con trai bị bệnh tâm thần, nửa tỉnh nửa mê đang sống ở dưới quê, nhờ bà con trông nom giúp.

Mắt phải của bà đã không còn nhìn rõ, một bên vai áo cũng chằng chịt những mảnh vá

Mắt phải của bà đã không còn nhìn rõ, một bên vai áo cũng chằng chịt những mảnh vá

THÁI THANH

“Nhiều lần, bà muốn đi theo ông cho khỏe thân nhưng nghĩ lại, đứa con trai số khổ ở quê vẫn cần có mẹ, cần vài đồng bạc ít ỏi mẹ gửi về mỗi tháng để mua thuốc. Nên nắng mưa gì bà cũng ráng cầm cự, sống được ngày nào hay ngày đó”, đôi mắt bà trũng xuống, đã lâu lắm rồi bà chưa có được một giấc ngủ ngon.

Lúc tôi đến gặp bà, tình cờ gặp ông Ngọc Đức (57 tuổi, Q.Gò Vấp) mua chè và gửi tặng bà chút quà. Số tiền đó là của một người bạn sống ở nước ngoài, nhờ ông mang đến biếu bà ăn cơm, mua thuốc.

Những ly chè chứa đựng tuổi thơ của bao người TP.HCM

Những ly chè chứa đựng tuổi thơ của bao người TP.HCM

THÁI THANH

“Tôi đi ngang chỗ bà nhiều rồi, thấy bà lớn tuổi mà còn vất vả như thế, tôi nhìn mà thương, cũng thấy nhớ mẹ mình. Chút quà này chẳng đáng bao nhiêu nhưng chí ít cũng giúp bà có thêm động lực để sống tiếp. Ở TP.HCM, người ta thương nhau chẳng vì lý do gì cả, chỉ cần giúp được bà chút ít thôi, tôi và mọi người đều mừng”, ông Đức bộc bạch.

Trò chuyện với bà Mai, tôi thật sự thương cho một mảnh đời cơ cực. Một đời dài như thế, với đôi quang gánh đè nặng trên vai, chưa một ngày bà dám nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Tôi hỏi bà có điều gì khiến bà cảm thấy hạnh phúc, bà nhoẻn miệng cười móm mém rồi lắc đầu, bà nói mình chẳng dám mong hạnh phúc, chỉ mong sống thêm ít lâu để lo cho con.

Ông Ngọc Đức đến mua chè và tặng quà cho bà Mai

Ông Ngọc Đức đến mua chè và tặng quà cho bà Mai

THÁI THANH

Trời TP.HCM oi bức, nóng nực, có những người không ngại kẹt xe, nán lại mua ủng hộ bà ly chè đậu. Người dư giả thì “bo” bà thêm vài chục nghìn ăn cơm, người khó khăn hơn chút thì tặng bà một cái ôm, cái nắm tay và lời động viên ngọt sớt “Ngoại ơi cố lên nghen!”.

“Chờ ngoại xíu nghen con!”

Ở TP.HCM, người ta hay gọi các cô, các bà bán hàng rong lớn tuổi là mẹ hay ngoại. Nghe thân thương và ấm áp quá đỗi. Thành phố này nổi tiếng vì sự vội vã, vội vã đi làm, vội vã tan ca, thế mà vẫn có những người kiên nhẫn đứng xếp hàng cả giờ đồng hồ để mua bánh tráng trộn của ngoại Tám.

“Chịu khó chờ ngoại xíu nghen con, tay ngoại run nên làm chậm, con chờ xíu nghen”, bà Nguyễn Thị Tám (82 tuổi, Q.10) chậm rãi nói. Tôi không biết nên dùng từ “gánh” hay “quán” để gọi vì nơi bà Tám bán hàng chỉ là một góc nhỏ ngồi nhờ trước cổng nhà hàng xóm. Bà bán bánh tráng trộn đến nay đã gần 30 năm, từ cái thời chỉ có vài nghìn một phần.

Ngoài 80 tuổi, đêm nào bà Tám cũng bán hàng mưu sinh đến tận khuya

Ngoài 80 tuổi, đêm nào bà Tám cũng bán hàng mưu sinh đến tận khuya

THÁI THANH

Chồng mất sớm, bà Tám và con gái nương tựa nhau sống qua ngày. Thương con vất vả nên ở cái tuổi gần đất xa trời bà vẫn đều đặn bán bánh tráng kiếm tiền phụ con. Thương cho hoàn cảnh của bà, nhiều bạn trẻ đã đến quay phim, chụp hình, chia sẻ lên mạng xã hội để mong bà có thêm khách lui tới.

Đồ nghề của bà đơn giản lắm, chỉ có bánh tráng, sa tế, mỡ hành, trứng cút, tóp mỡ, chút xoài và rau răm. Ấy thế mà khi trộn với nhau lại làm nên một hương vị đặc biệt khó tả, mang tuổi thơ của bao người TP.HCM trở về.

Một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM vẽ tặng bà Tám biển hiệu để khách dễ tìm hơn

Một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM vẽ tặng bà Tám biển hiệu để khách dễ tìm hơn

THÁI THANH

“Sống ở TP.HCM ai mà không ghiền món bánh tráng trộn. Già trẻ lớn bé, giàu hay nghèo đều có thể ăn bịch bánh tráng, nhâm nhi nói chuyện với nhau đến tận khuya. Ngày xưa bánh tráng trộn đơn giản hơn nhiều, giờ thì khác rồi, nhiều chỗ cho thêm đủ loại gia vị. Bà già cả nên không biết, chỉ trộn đúng một công thức từ xưa thế mà lại được nhiều bạn khen ngon và ghiền”, bà Tám cười sảng khoái.

Nụ cười của bà sáng lấp lánh, ẩn hiện sau lớp da đã nhăn nheo vì thời gian. Bà cứ luôn miệng nói câu cảm ơn. Cảm ơn vì mua ủng hộ cho bà, vì đã chịu khó chờ bà, vì thương bà mà không ngại đường xa.

Những nguyên liệu đơn giản do chính tay bà Tám tự làm

Những nguyên liệu đơn giản do chính tay bà Tám tự làm

THÁI THANH

“Bà biết ơn các cháu và mọi người nhiều lắm, bà già rồi nên tay chân không còn nhanh nhẹn, nhiều khi trộn gói bánh cũng mất gần 15 phút. Thế mà ai cũng kiên nhẫn đứng đợi, không rầy la gì cả. Có bạn mua phần hai chục, dúi thêm cho bà ít đồng mua sữa”, bà Tám cười tươi.

Hỏi bà có ước nguyện gì không, bà bảo không dám mơ chi sang giàu, chỉ mong có số tiền nhỏ rồi nghỉ ngơi, không phải lam lũ nữa. Lúc đó, bà muốn được đi tham quan đây đó, đi chùa lễ Phật, đi làm từ thiện ở TP.HCM… Mấy điều ước từ thời còn trẻ của bà đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Trò chuyện với chị Võ Thị Oanh (36 tuổi, Q.3), được biết mỗi tuần chị đều dành một hôm sang đây ăn bánh ủng hộ bà. “Nhìn bà Tám tôi nhớ ngoại của mình. Khi tôi có điều kiện rồi thì lại không còn cơ hội báo hiếu với ngoại nữa. Nhìn bà Tám lớn tuổi mà đêm nào cũng bán đến khuya, tôi thương lắm. Chỉ mong bà khỏe mạnh, tôi còn ở TP.HCM thì còn ủng hộ bà”, chị Oanh bộc bạch.

Chị Oanh thường xuyên đến mua ủng hộ và nán lại phụ giúp bà Tám bán hàng

Chị Oanh thường xuyên đến mua ủng hộ và nán lại phụ giúp bà Tám bán hàng

THÁI THANH

Ở cái tuổi xế chiều, những người bà, người mẹ như bà Mai, bà Tám vất vã mưu sinh, gom nhặt từng đồng để lo cho gia đình. Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng bên trong họ vẫn luôn tồn tại một hy vọng, một niềm lạc quan mà chính những người xa lạ ở TP.HCM đã giúp họ vun đắp.



Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img