Tuesday, June 18, 2024

Xe buýt, xe đạp, xe điện kết nối với metro số 1 TP.HCM như thế nào?

Sở GTVT TP.HCM vừa gửi UBND TP kế hoạch vận chuyển hành khách trên tuyến metro số 1 (metro Bến Thành – Suối Tiên).

Về các phương án, phương tiện giao thông kết nối tiện ích xung quanh các nhà ga, Sở GTVT phân ra thành 2 khu vực: Quanh công trường Quách Thị Trang (khu vực chợ Bến Thành) và dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị số 1.

Theo các chuyên gia, tuyến metro số 1 của TP.HCM cần được đánh giá lại tính hiệu quả  Ảnh: Độc Lập

TP.HCM đã sẵn sàng phương án kết nối với tuyến metro số 1 sau khi dự án đưa vào vận hành chính thức

Độc Lập

Theo đó, tại khu vực xung quanh công trường Quách Thị Trang có các loại hình phương tiện kết nối như sau:

Xe buýt

Các tuyến xe buýt hiện hữu (18 tuyến) bao gồm tuyến số 1, 3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152, D4 với tổng cộng 3.528 chuyến/ngày,  phục vụ trung bình 66.795 hành khách/ngày có lộ trình đi qua khu vực chợ Bến Thành (hành khách lên/xuống tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi).

Dự kiến, Sở GTVT sẽ tiếp tục mở mới 2 tuyến buýt kết nối nhà ga metro Bến Thành (sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động chính thức) gồm: tuyến Bến xe buýt Sài Gòn – Nhà hát thành phố; tuyến Bến xe buýt Sài Gòn – Ga Hòa Hưng. Cả 2 tuyến trên cùng sức chứa 17 – 20 hành khách, 206 chuyển/ngày.

 Xe đạp

Ngoài 43 trạm xe đạp hiện hữu (bao gồm 3 vị trí đã được bố trí gần khu vực Công trường Quách Thị Trang tại đường Hàm Nghi, Lê Lợi và Lê Lai), Sở GTVT dự kiến bổ sung thêm 2 vị trí tại vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão (khu vực mũi tàu) và vỉa hè Công viên 23 tháng 9 (giữa cây xanh số 19 và 21, đối diện nhà số 38 đường Lê Lai, cách lối lên xuống ga Bến Thành 50m).

Trong giai đoạn dự án “Cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành” được thực hiện (từ tháng 10 đến ngày 30.4.2025), các vị trí trạm xe đạp trong khu vực dự án sẽ được di dời và hoạt động trở lại sau khi dự án hoàn thành.

 Xe điện và xe ô tô 2 tầng thoáng nóc

Xe điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hiện đang được thí điểm trên phạm vi:

– Q.1 – Q.4: Bến Nhà Rồng – cầu Khánh Hội – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Thị Minh Khai – Hoàng Sa – Hai Bà Trưng – Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyễn Văn Cừ – Võ Văn Kiệt – cầu Calmette – Đoàn Văn Bơ – Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành – Bến Nhà Rồng.

 – Q.5 – Q.6: Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Trãi – Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương – Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ – Lê Quang Sung – Phạm Đình Hổ – Tháp Mười – Hải Thượng Lãn Ông – Võ Văn Kiệt- Nguyễn Văn Cừ.

Số lượng phương tiện hoạt động tối đa: 200 xe từ 5 – 14 chỗ. Thời gian hoạt động: Từ 6 – 24 giờ hàng ngày.

Bên cạnh đó, loại xe ô tô 2 tầng thoáng nóc đang được thí điểm gồm:

– Tuyến DL 01 (tuyến xe du lịch vòng khu vực trung tâm thành phố) 

– Tuyển DL 02 (city tour Sài Gòn – Gia Định) hoạt động hàng ngày, có lộ trình đi ngang qua khu vực chợ Bến Thành (đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai).

Đầu tháng 5, Sở GTVT cũng đã có công văn đề xuất UBND TP mở rộng thí điểm dịch vụ này đến khu vực Chợ Lớn.

Điểm đón/trả khách của 2 loại phương tiện này dự kiến được bố trí tại đầu đường Phạm Ngũ Lão (phía Công viên 23 tháng 9, cách giao lộ Công trường Quách Thị Trang 100m). Xe chỉ dùng để đón, trả khách, không được đậu.

Xe buýt, xe đạp, xe điện kết nối với metro số 1 TP.HCM như thế nào?- Ảnh 2.

Mạng lưới xe buýt là chủ lực trong hệ thống kết nối gom khách cho tuyến metro số 1

Đối với khu vực dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị số 1, các đơn vị đang tổ chức lại mạng lưới xe buýt dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội và các địa bàn lân cận dọc hành lang tuyến metro. Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng hiện đang triển khai lựa chọn đơn vị khai thác các tuyến xe buýt kết nối theo hình thức có trợ giá, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 7 tới.

Ngoài ra, Sở GTVT đang lấy ý kiến các quận, huyện, TP.Thủ Đức về các vị trí đặt trạm xe đạp công cộng để tổ chức dịch vụ này trên địa bàn các địa phương.

Trên cơ sở dự báo sản lượng hành khách, Sở GTVT dự kiến tổ chức tuyến metro 1 chạy từ 5 – 22 giờ trong năm 2024. Đến năm 2025 khi đưa vào vận hành chính thức, tàu chạy từ 5 giờ sáng đến 23 giờ 30 các ngày trong tuần (kể các lễ, tết, kỳ nghỉ).

Giai đoạn năm 2024, cứ cách 8 – 12 phút sẽ có 1 chuyến tàu. Đến năm 2025, từ thứ hai đến thứ sáu tầm 4,5 phút – 8 phút sẽ có một chuyến, thứ bảy – chủ nhật thì tàu chạy với tần suất 8 phút/chuyến.

Một ngày, 9 tàu metro 1 sẽ chạy 200 lượt (năm 2024) và đến năm 2025, 9 – 15 tàu sẽ chạy 280 – 340 lượt/ngày.

Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã đạt hơn 98% khối lượng thi công nhưng theo kế hoạch mới nhất, tuyến đường sắt sẽ không kịp khai thác thử vào tháng 7 và đưa vào vận hành thương mại từ quý 3 năm nay. Dự kiến, sau khi phía Nhật Bản bàn giao toàn bộ công trình vào đầu tháng 12, chủ đầu tư sẽ phải tiếp tục hoàn tất công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga. Đồng nghĩa sớm nhất phải đến cuối năm nay, người dân TP.HCM mới được đi metro.



Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img