Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: “Chuyển đổi số – động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng” do VCCI và UBND Hải Phòng chỉ đạo; Sở Công Thương, DĐDN, VLA, HPLA đồng tổ chức.
Với tư duy tiếp tục mở rộng các cơ hội, lựa chọn cho doanh nghiệp, Việt Nam đang cụ thể hóa một số nội dung chính sách về phát triển khu thương mại tự do (FTZ).
Quy hoạch thành phố Hải Phòng được phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu phát triển FTZ trong Khu Kinh tế ven biển phía Nam thành phố. Bên cạnh đó, khu thương mại tự do ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng cũng được đưa ra cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với mô hình FTZ ở Việt Nam.
Phát triển hệ sinh thái số
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số ngay từ trong giai đoạn đầu phát triển FTZ.
Cụ thể, thứ nhất, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong FTZ có điều kiện để kết nối thuận tiện hơn với mạng lưới nhà cung cấp, cũng như các thị trường, khách hàng ở cả trong và ngoài nước.
Thứ hai, sớm cụ thể hóa định hướng chuyển đổi số và hỗ trợ nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp ở FTZ cũng sẽ tạo động lực cho hiện đại hóa ngành logistics. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thương mại quốc tế đang tiến vào giai đoạn ba, tức là giai đoạn nhấn mạnh vai trò của công nghệ số và số hóa để giảm sâu chi phí logistics – khác với giai đoạn đầu tập trung vào tiết giảm chi phí vận chuyển và giai đoạn hai tập trung vào thương mại theo chuỗi giá trị để giảm chi phí vận chuyển và điều phối.
Đơn cử, tại Senegal, sau khi áp dụng cơ chế một cửa trực tuyến đã cắt giảm được 90% thời gian thông quan hàng hóa và 60% chi phí thông quan. Costa Rica đã thu về lợi ích gấp 20 lần từ tăng trưởng xuất khẩu và giảm chi phí dịch vụ công sau khi đầu tư xây dựng cơ chế một cửa trực tuyến. Những kinh nghiệm này là cơ sở quan trọng để Việt Nam cân nhắc, thực hiện quyết liệt hơn quá trình chuyển đổi số.
Thứ ba, sớm thực hiện chuyển đổi số cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái số phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn FTZ. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể là tư duy tích cực hơn về thử nghiệm vận hành các sáng kiến, dự án chuyển đổi số gắn với hải quan nói riêng và quản lý hoạt động thương mại nói chung.
Ba giải pháp trọng tâm
Tuy vậy, yêu cầu chuyển đổi số sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nếu có các giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số.
Thứ nhất, các chương trình nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Hỗ trợ doanh nghiệp không nên và không thể chỉ dừng ở việc giúp doanh nghiệp biết đến và thử nghiệm, mà còn phải thực sự lồng ghép chuyển đổi số vào mô hình quản trị và tổ chức sản xuất – kinh doanh. Hỗ trợ, tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp về đặc thù của chuyển đổi số trong hoạt động ở FTZ sẽ có ý nghĩa quan trọng.
Thứ hai, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp logistics nói riêng và các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thương mại nói chung chuyển đổi số hiệu quả hơn, đặt trong bối cảnh triển khai mô hình khu thương mại tự do.
Cụ thể, cần rà soát, thiết lập các tiêu chuẩn và quy định về thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử dùng trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Bố trí nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật số, hỗ trợ các giải pháp công nghệ liên quan đến thương mại để giảm chi phí sử dụng công nghệ cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy các điển hình tốt, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong thương mại với cộng đồng doanh nghiệp qua các diễn đàn, triển lãm, hội nghị, v.v. Trong quá trình này, đối thoại cởi mở, thực chất giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề, vướng mắc liên quan đến chuyển đổi số trong thương mại là một nền tảng không thể thiếu.
Thứ ba, Việt Nam cần trao đổi với các đối tác để đề xuất, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp cho doanh nghiệp để gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại. Cần lưu ý, các FTA thế hệ mới của Việt Nam đều có nội dung về hợp tác và nâng cao năng lực, trong đó các đối tác sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các đề xuất phù hợp của phía Việt Nam.
Điểm quan trọng là các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận nhu cầu chuyển đổi số, lồng ghép trong các đề xuất cụ thể liên quan đến nâng cao năng lực xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, và đặt cộng đồng doanh nghiệp vào vị trí trung tâm khi triển khai các đề xuất cụ thể ấy.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn