Sau giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp đang nỗ lực liên kết với nhau để đáp ứng chuỗi cung – cầu, từng bước phục hồi, quay lại sản xuất kinh doanh.
Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua vẫn hoạt động theo phương thức đơn lẻ, chưa có nhiều sự liên kết với nhau để xây dựng hệ sinh thái. Từ đây dẫn đến các đơn vị đã tốn thêm nhiều chi phí, thời gian hơn trong việc tìm kiếm đối tác, khách hàng để cung ứng sản phẩm.
Đặc biệt, sau ảnh hưởng của đại dịch các doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn trong việc tái gia nhập thị trường. Từ đây, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vẫn đang “neo” ở mức cao suốt giai đoạn qua.
Theo nhiều ý kiến, vấn đề thiếu vốn, thiếu thông tin, thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh,… dẫn đến nhiều đơn vị thiếu chú tâm đến việc kết nối trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động theo phương thức đơn lẻ thường hoạt động sau các đơn vị đã có liên kết từ lâu.
Để khắc phục những yếu điểm, nhiều chủ doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm những hội, tổ chức, Hiệp hội,… để tham gia, tìm kiếm đối tác. Qua đây, từng bước tiếp cận thị trường, thay đổi cách thức hoạt động cũng như mở rộng được quy mô “phủ sóng” sản phẩm, tạo được lợi thế cạnh tranh.
Ông Lê Thông – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng Kiến An Thịnh cho hay đơn vị đã trải qua nhiều năm hoạt động, trong đó phải chi trả rất nhiều các chi phí trong quá trình vận hành để phát triển. Cụ thể, ông Thông đề cập đến việc phát triển đội ngũ nhân viên sales để tìm kiếm đối tác, mỗi tháng doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 50 triệu đồng để lo cho nhân sự này.
“Tuy nhiên, kết quả lại không được như mong muốn. Sau đó, bản thân tôi tìm kiếm đến một tổ chức kết nối kinh doanh để tìm kiếm liên kết đối tác. Từ đây kết nối được nhiều mối quan hệ, gia tăng kinh doanh, mỗi năm doanh nghiệp tăng trưởng trên 50% về mảng sơn Jotun”, ông Thông chia sẻ.
Tương tự, ông Mai Anh Đức – CEO công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thuận Thiên Vượng, Chủ tịch BNI Bold chapter nhìn nhận việc liên kết giữa các doanh nghiệp rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vị này cho hay, vừa qua BNI đã tổ chức BNI Members’ Day dành riêng cho các thành viên của BNI nhằm tăng cường mối liên kết cũng như trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ chiến lược và tăng cường cơ hội kinh doanh lẫn nhau.
“Ttừ đó thúc đẩy sự phát triển cá nhân và doanh nghiệp. Thực tế, trong giai đoạn sau khủng hoảng các doanh nghiệp đều gặp khó khăn và việc liên kết sẽ giúp nhiều đơn vị giảm áp lực, dễ dàng tìm được đối tác mới cũng như kết nối, sẻ chia với nhau. Tại BNI Bold chapter, đã có nhiều doanh nghiệp liên kết cung ứng sản phẩm với nhau với các hợp đồng có giá trị lên đến 5-6 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khách cũng đang gắn kết với nhau để tạo thành hệ sinh thái cùng nhau phát triển”, ông Đức nói.
Theo ý kiến các chuyên gia, việc liên kết doanh nghiệp sẽ tạo nên một cộng đồng có ý thức trách nhiệm cao, chăm lo cho nền sản xuất dựa trên các sản phẩm có chất lượng, có giá trị cạnh tranh cao. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các doanh nghiệp chỉ mới dựa trên việc sử dụng sản phẩm chéo sản phẩm, dịch vụ của nhau chứ chưa có sự liên kết nhiều giữa các doanh nghiệp sản xuất chung mặt hàng.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần hợp tác theo mô hình cụm, nhóm doanh nghiệp có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp. Đồng thời, trong quá trình tìm hiểu đầu tư, các doanh nghiệp cũng cần trao đổi, tìm hướng hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tri thức để cùng nhau phát triển.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn